Gia đình anh Trần Văn Tập (thôn Cát Thường, xã Nguyễn Uý) những ngày này đang tất bật thu hoạch dưa chuột cho kịp thương lái thu mua. Chị Hạnh (vợ anh Tập) cho biết, năm nay dưa chuột trồng vất vả hơn so với mọi năm nhưng chất lượng tốt hơn.
"Thời gian khoảng tháng 8 - 9 khi bắt đầu gieo, lúc đó mưa to, hầu hết các luống dưa đều bị ngập. Chúng tôi phải dựng lều, thức xuyên đêm để hút nước ra khỏi ruộng. Đến nay nhìn quả dưa to người dân rất phấn khởi", chị Hạnh nói.
Hằng năm, sau khi xong vụ mùa tháng 7, người dân Nguyễn Uý lại trồng dưa chuột, đến giữa tháng 11 thu hoạch, sau đó trồng lúa. Cách làm này đem lại cho người dân nguồn thu nhập rất khá.
Theo chị Hạnh, với 15 luống dưa, gia đình đã thu hoạch được hơn 70 triệu đồng. Số dưa còn lại trên ruộng, nếu thu hoạch hết, tổng đạt được khoảng 100 triệu đồng.
"Nhận thấy lợi nhuận đem lại từ việc trồng dưa xuất khẩu cao hơn 5-6 lần so với cấy lúa, với kinh nghiệm sản xuất lâu năm, cộng với sự quan tâm của địa phương, 2 năm gần đây gia đình tôi đã mạnh dạn xen canh tăng vụ, đen lại nguồn thu nhập ổn định", chị Hạnh bày tỏ.
Trong năm qua, người dân thôn Cát Thường vẫn giữ vững mô hình sản xuất cây hàng hóa chất lượng, chủ lực đó là cây dưa chuột xuất khẩu với hình thức sản xuất tập trung, gọn vùng gọn thửa.
Đang thu hoạch dưa ruộng bên cạnh, cô Phạm Thị Ba (59 tuổi, người dân thôn Cát Thường) cho biết, nghề trồng dưa chuột đã có từ lâu, hằng năm, khoảng tháng 8 là mọi người bắt đầu xuống giống.
"Tôi thấy mô hình này đạt hiệu quả rất cao, bởi so với làm lúa thì dưa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Nhà tôi trồng 1- 2 sào thu về khoảng chục triệu đồng, có nhà thu về cả trăm triệu đồng", cô Ba nói.
Theo tìm hiểu, mô hình dưa xuất khẩu tại thôn Cát Thường đạt được thành công lớn trong nhiều năm qua. Trung bình một sào dưa chuột lai cho thu hoạch từ 2 – 2,5 tấn quả, giá bán từ 8.000 - 12.000 đồng/kg tùy loại. Thu nhập mỗi sào mang về hàng chục triệu đồng.
Các hộ có diện tích sản xuất lớn và dày dặn kinh nghiệm, thắng lợi lớn trong vụ sản xuất vừa qua tiêu biểu như già đình Hạnh Tập, Thầm Thào, Hải Cúc.
Ông Trương Văn Khang - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Uý cho biết, diện tích cây dưa chuột được mở rộng theo từng năm. Năm nay diện tích trên địa bàn xã hiện hơn 10ha.
"Việc người dân trồng dưa chuột đã có từ lâu, chúng tôi cũng vận động, khuyến khích, tuyên truyền cho bà con đẩy mạnh sản xuất theo hướng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Bên cạnh đó, xã cũng tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức sản xuất cho bà con nhân dân trong việc sản xuất nông nghiệp sạch, ngặn chặn, kiểm soát tình trạng lạm dụng thuốc BVTV và xây dựng mô hình xử lý bao bì, vỏ thuốc, vỏ lọ đúng cách", ông Khang thông tin.