Mô hình kinh tế của nông dân cho thu nhập cao
Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng" do Hội Nông dân tỉnh Sơn La phát động. Đây thực sự là phong trào cách mạng sâu rộng trong thời kỳ đổi mới, thu hút hàng vạn nông dân tham gia, trở thành động lực quan trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và nội lực của mỗi gia đình. Cũng từ đó đã xây dựng được đội ngũ nông dân năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Ở mỗi đơn vị xã, thị trấn ngày càng có nhiều điển hình hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.
Chúng tôi đến thăm tỷ phú nông dân Trần Như Kiên, ở bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La) một trong 63 nông dân tiêu biểu được Trung ương Hội Nông dân tôn vinh "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2021. Sinh ra và lớn lên ở xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, năm 1993, anh Kiên lên vùng đất Lóng Phiêng, huyện Yên Châu lập nghiệp. Năm 2008, anh bắt đầu tập trung phát triển chăn nuôi lợn. Hiện quy mô trại lợn của gia đình anh luôn duy trì ở mức trên 1.000 con, nuôi theo chu trình khép kín, hàng năm thu nhập trên 10 tỷ đồng từ tiền bán con giống và lợn thịt, tạo việc làm ổn định cho 7 lao động địa phương với mức lương bình quân 5 triệu/người/tháng.
Không chỉ chăn nuôi, anh Kiên còn mạnh dạn đầu tư phát triển cây ăn quả, với 7 ha nhãn chín muộn và hơn 1 ha xoài tượng da xanh, hàng năm thu thêm 1 tỷ đồng. Anh Kiên chia sẻ, để có kết quả cao trong làm nông nghiệp, các hộ nông dân cần phải liên kết với nhau. Chính vì vậy, anh cùng một số hộ nông dân trên địa bàn đã thành lập HTX Phương Nam (bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, Sơn La). Hiện HTX có 100 ha nhãn, trong đó có hơn 80 ha được cấp Giấy chứng nhận VietGAP.
Ngay từ khi mới thành lập, HTX đã giúp các thành viên tiếp cận tiến bộ kỹ thuật sản xuất, áp dụng công nghệ tưới ẩm, chăm sóc, thu hoạch đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng. Toàn bộ diện tích cây ăn quả của HTX đã được ghép, cải tạo nên năng suất, chất lượng hơn hẳn giống địa phương trước đây. Đặc biệt, thương hiệu nhãn ghép của HTX sau khi được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cấp mã số vùng trồng đã có mặt tại các thị trường trong tỉnh và siêu thị tại các tỉnh, thành phố lớn.
"Nhận định trước những khó khăn do dịch bệnh, ngay từ đầu vụ, HTX đã liên kết tìm thương lái ở các chợ đầu mối trong nước để tiêu thụ nhãn cho thành viên và các bản lân cận. Mỗi ngày HTX thu mua 30 tấn nhãn tươi với giá từ 9.000-13.000 đồng/kg bán cho các thương lái chợ đầu mối tại Thanh Hóa, Quảng Ninh. Trừ chi phí, chia cho 10 thành viên HTX, doanh thu mỗi thành viên cũng đạt khoảng 800-900 triệu đồng", anh Kiên nói.
Còn đối với gia đình ông Nguyễn Thanh Hải, thôn Hoàng Văn Thụ, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, sau nhiều năm trăn trở tìm kiếm cho gia đình hướng làm kinh tế mới, gia đình ông đã mạnh dạn đưa cây nho Hạ Đen về trồng trên diện tích 3.000m2 với tổng số trên 1.000 gốc cây. Ông cũng là người đầu tiên đưa giống nho này về canh tác trên địa bàn và đã gặt hái được thành công.
"Năm 2019, trong một lần xem truyền hình, tôi biết đến mô hình trồng nho Hạ Đen không hạt. Nhận thấy đây là giống cây mới, tiềm năng thị trường rộng mở. Xác định hướng đi của mình, cây nho đặc tính của nó đòi hỏi khâu kỹ thuật rất cao, không có sự đam mê theo đuổi nó sẽ dễ bị bỏ dở, bản thân tôi tìm hướng đi mới, hướng đi khó, nếu mình tồn tại được, thì hướng đi đó sẽ bền vững hơn', ông Hải nói.
Theo tính toán của ông Hải, cây nho Hạ Đen có chu kỳ sinh trưởng phát triển cho hiệu quả kinh tế kéo dài từ 7-10 năm, sau gần 1 năm trồng là có thể cho thu quả, nhanh hơn nhiều so với các loại cây ăn quả khác. Với giá bán tại vườn như hiện nay từ 130 - 160.000 đồng/kg chắc chắn đây sẽ là hướng phát triển kinh tế cho thu nhập ổn định đối với người nông dân.
Với diện tích 3.000m2 đất, chăm sóc đúng quy trình, thực hiện khắt khe các bước chăm bón, nhờ vậy toàn bộ sản phẩm nho Hạ Đen của gia đình ông có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Với giá bán hiện nay, theo ước tính gia đình ông thu về khoảng trên 600 triệu đồng.
Nhiều chính sách hỗ trợ nông dân nâng cao thu nhập
Ông Lường Trung Hiếu, Chủ Tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La thông tin: Trong năm toàn tỉnh có 100.682 hộ đăng ký thi đua đạt danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi các cấp, trong đó có trên 53.484 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi, đạt 127,34% kế hoạch; có 580 hộ được Tỉnh uỷ, Huyện uỷ, Hội Nông dân tỉnh vinh danh nhân dịp ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2 và các đợt tổng kết thi đua của Hội Nông dân tỉnh.
Để giúp các hội viên đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT cho nông dân với nhiều hình thức, thông qua nhiều chương trình, dự án như: Tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT gắn với mô hình dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân được 12 lớp, cho 600 người; Tổ chức 17 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật triển khai 17 mô hình dự án cho 510 học viên; Phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức 05 hội nghị tập huấn gắn với dự án giảm nghèo bền vững và nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể cho 380 học viên tham gia. Ngoài ra, Hội Nông dân các huyện, thành phố và cơ sở phối hợp với các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp tổ chức được 126 lớp tập huấn cho 5.670 hội viên tham gia.
Cùng với đó, phát động phong trào thi đua bao trái cây phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu được trên 15 triệu bao trái trên toàn tỉnh; Đẩy mạnh các hoạt động tương trợ, đoàn kết, giúp đỡ hơn 3.000 hộ nông dân nghèo về giống, vốn, kỹ thuật, việc làm để giúp họ vươn lên thoát nghèo.
Triển khai Kế hoạch đào tạo nông dân SXKD giỏi thành Tập huấn viên trong phát triển kinh tế theo chuyên đề chuyên sâu về loại 3 loại cây: Xoài, Nhãn, Mận hậu cho 30 học viên, gắn học lý thuyết với thực hành tại mô hình sản xuất để tổ chức nhân các mô hình hiệu quả ra diện rộng.
Cũng theo Chủ Tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La, thời gian tới, Hội Nông dân tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, vận động nông dân đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Tổ chức cho hội viên đăng ký phấn đấu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chỉ tiêu hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo.
Đẩy mạnh xây dựng và phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân, tích cực thu hồi các dự án đến hạn, tham mưu lựa chọn dự án đầu tư, thẩm định và giải ngân kịp thời để tránh tồn động vốn. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, phối hợp với ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các ngân hàng thương mại khác, tín chấp cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh.