Chống rét, chống chuột
Chiều muộn ngày 27 Tết, trong tiết trời giá buốt, ông Lưu Văn Hân ở xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên vẫn ra ruộng gieo sạ 3 sào lúa xuân. “Biết là trời rét như ri, gieo lúa xuống bấp bênh, dễ chết lắm, nhưng không gieo không được, vì đã ngâm ủ cả tuần nay, mộng lên dài rồi để nữa sẽ hư. Nếu rét quá, tôi sẽ bón thêm tro bếp”, ông Hân nói.
Không chỉ ở Hưng Nguyên, mà hiện nay ở nhiều địa phương, nhất là các huyện vùng phía Nam của tỉnh như Nam Đàn, Nghi Lộc, lên phía Đô Lương, thậm chí cả các huyện trọng điểm về cây lúa như Yên Thành, Quỳnh Lưu…, rất nhiều hộ không làm mạ để cấy lúa xuân mà gieo sạ lúa.
Đề phòng chuột phá hoại, mấy hôm nay mặc dù mưa rét nhưng ngày nào ông Nguyễn Văn Chất ở xóm 1, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn cũng ra đồng. Gia đình ông có 9 sào lúa, đã gieo xong từ ngày 22/12 âm lịch. Sau khi gieo, ông chăng ni lông xung quanh ruộng để ngăn chuột phá hoại. Vừa kiểm tra, dặm lại ni lông bị tốc lên do gió, ông vừa tranh thủ cho hay: Mùa ni chuột bọ nhiều lắm, trời thì mưa phùn và rét sâu nên rất lo lúa mới gieo sẽ chết.
“Nếu gieo mạ thì phủ được ni lông chống rét, nhưng mấy năm nay cả cánh đồng ni mọi người gieo sạ cả, mình cũng phải theo mặc dù đã không ít lần lúa bị thiệt hại”, ông Nguyễn Văn Chất chia sẻ.
Cả 9 sào ruộng, có bón tro bếp cũng không xuể, nên ông Chất chỉ có cách giữ đủ mực nước vừa phải, cần thiết trong ruộng để giữ ấm cho lúa, đồng thời dự phòng nguồn giống lúa ngắn ngày để nếu cần thiết, ăn rằm tháng Giêng xong sẽ tiếp tục gieo.
Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh: Gieo sạ có thể giúp nông dân tiết kiệm được thời gian và công lao động giai đoạn đầu nhưng lại khó chống rét cho lúa xuân. Vì thế, trong điều kiện nguồn lực của mình, bà con cần cố gắng các biện pháp giúp cây lúa non được giữ ấm, không được cho nước vào quá nhiều sẽ bị hỏng, nhưng phải đảm bảo đủ nước trong rãnh ruộng để giữ ấm chân lúa, tăng cường bổ sung tro bếp nếu cần.
Thời tiết tiếp tục rét sâu
Từ chiều và đêm 15/1, trên địa bàn Nghệ An thời tiết chuyển lạnh, trời rét đậm, vùng núi rét hại, nhiệt độ giảm sâu, phổ biến 11 - 14oC. Trong điều kiện đó, lúa xuân mới bắt đầu vào vụ sản xuất, nhất là lúa mới cấy và mạ sẽ rất dễ bị thiệt hại.
Ở những diện tích mạ đã gieo, bà con phải nghiêm túc tuân thủ kỹ thuật che phủ ni lông để vừa ngăn chuột phá hoại và đặc biệt là chống rét cho mạ khi nhiệt độ giảm sâu; giữ đủ nước trong rãnh luống để giữ ấm cho mạ; nếu rét đậm, rét sâu thì bón thêm tro bếp để giữ ấm chân cho mạ. Tuyệt đối không gieo cấy vào những ngày nhiệt độ xuống dưới 16oC.
Với diện tích lúa đã cấy, bắt buộc giữ mực nước từ 2- 3 cm trên ruộng; những ruộng mới cấy, nếu nhiệt độ xuống quá sâu, cây lúa bị chuyển màu thì cần bón bổ sung thêm lân; sau khi cấy khoảng 10 ngày và bắt đầu bén rễ, bà con có thể bón thêm kali để kích thích bộ rễ phát triển, tăng sức đề kháng để cây lúa có thể phục hồi sớm, tăng khả năng chống chịu điều kiện thời tiết bất lợi.
Ông Nguyễn Trường Thành -Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh cho biết: Theo dự báo của Đài Khí tượng thuỷ văn Bắc Trung Bộ, xuyên suốt từ nay đến hết Tết Nguyên đán, khu vực Bắc Trung Bộ trời rét, nhất là vùng núi xảy ra rét đậm rét hại, vùng núi cao có thể xuống dưới 3oC.
Để phục vụ sản xuất vụ xuân trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt đó, Chi cục đã khuyến cáo, chỉ đạo các địa phương và đơn vị thuỷ nông, đặc biệt các đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi có biện pháp đảm bảo phục vụ đủ nước để bà con chăm sóc, giữ ấm cho lúa, tránh thiệt hại cho cây trồng vụ xuân.