Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi ếch của gia đình chị Lò Thị Thu, tiểu khu Ít Bon, thị trấn Ít Ong (huyện Mường La), trò chuyện với chị Thu, chúng tôi được biết, năm 2019, chị Thu đầu tư hơn 80 triệu đồng xây dựng 16 bể, làm 9 lồng lưới trên diện tích 400 m2 ao và mua giống ếch để nuôi. Cùng với kỹ thuật đã học hỏi được, chị còn tích cực tìm hiểu kinh nghiệm nuôi ếch trên mạng internet, trên báo, đài để áp dụng.
Chị Lò Thị Thu bảo: Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, khí hậu ấm, phù hợp, nên ếch phát triển tốt, chỉ sau 3 tháng nuôi đã đạt trọng lượng từ 300 - 400 gam/con và có thể xuất bán. Trung bình một năm, gia đình tôi xuất ra thị trường 3 tấn ếch thương phẩm, với giá 80.000/kg, thu trên 200 triệu đồng và bán gần 300 kg ếch giống cho các hộ trên địa bàn có nhu cầu nuôi, với giá từ 100 - 200.000 đồng/kg, tùy thuộc vào trọng lượng của ếch, thu 30 triệu đồng.
Ngoài nuôi ếch, để có thêm thu nhập cho gia đình, hiện chị Thu còn nuôi 9 con bò; đầu tư 14 triệu đồng mua giống cá trê về nuôi.
Còn gia đình anh Giàng A Pánh, bản Ta Pù Chử lại lựa chọn phát triển trồng thảo quả dưới tán rừng, gần khe suối. Năm 2013, anh Pánh mang giống thảo quả từ huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) về trồng 2 ha.
Vụ năm 2020, gia đình anh Pánh thu được trên 1 tấn quả khô, bán với giá hơn 100 nghìn đồng/kg, thu về hơn 100 triệu đồng. Nhờ trồng thảo quả, gia đình anh Pánh đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.
Để giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, Hội Nông dân huyện Mường La đã phối hợp các cơ quan chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên nông dân. Vận động hội viên đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, chăn nuôi.
Khuyến khích các hội viên mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, như: Mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc; nuôi lợn ở xã Mường Chùm, thị trấn Ít Ong; nuôi trâu vỗ béo ở xã Ngọc Chiến; nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La ở xã Nậm Giôn, Chiềng Lao...
Hướng dẫn hội viên nông dân sản xuất theo hướng chuyên canh tập trung, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ về giống, vốn, kỹ thuật, việc làm cho hội viên nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn để cùng vươn lên. Phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh Sơn La cung ứng giống và phân bón trả chậm cho nông dân xã Mường Bú với tổng kinh phí trên 61 triệu đồng.
Chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội, chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp & phát triển nông thôn kiểm tra, hướng dẫn các hộ vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích. Tính đến nay, tổng dư nợ hơn 124,1 tỷ đồng cho hơn 3.500 hộ vay phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, Hội thường xuyên phát động, tổ chức cho hội viên nông dân đăng ký tham gia phong trào thi đua nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp theo từng năm, giai đoạn. Đến nay, toàn huyện Mường La có 350 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, 5 hộ cấp Trung ương, 13 hộ cấp tỉnh, 173 hộ cấp huyện và 159 hộ cấp xã.
Ông Lò Văn Giót, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mường La, cho biết : Hiện, Hội Nông dân huyện đang tiếp tục triển khai thêm 1 dự án nuôi bò sinh sản cho 6 hộ, với tổng kinh phí 200 triệu đồng tại xã Ngọc Chiến từ nguồn vốn của UBND huyện Mường La.
Phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai trồng 5 ha cây lê tại bản Nà Tâu, xã Ngọc Chiến do Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ giống, dự kiến sẽ trồng trong tháng 10/2021.