|
  • :
  • :

Nông thôn Tây Bắc: Hội thảo thúc đẩy phát triển sản xuất - tiêu thụ gạo chất lượng cao ở Điện Biên

Ngày 30/9, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã tổ chức Hội thảo thực trạng và giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất - tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao, hiệu quả, bền vững trên địa bàn huyện.

Dự hội thảo có đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên; đại diện các nhà khoa học thuộc Viện Nông học; các sở, ngành liên quan.

Trong những năm qua, lúa là cây trồng được xác định là cây chủ lực, có vai trò quyết định trong việc giữ vững an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo ở huyện Điện Biên. Huyện đã chú trọng đẩy mạnh áp dụng những tiến bộ kỹ thuật từ khâu chọn giống, đầu tư thâm canh đến phòng, trừ dịch bệnh. Việc chuyển đổi phương thức sản xuất lúa từ cấy mạ già sang gieo sạ thẳng bằng tay, nhiều giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, thích hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu được đưa vào thay thế các giống lúa địa phương.

Điện Biên: Hội thảo thúc đẩy phát triển sản xuất - tiêu thụ gạo chất lượng cao   - Ảnh 1.

Đại biểu thăm cánh đồng lớn của HTX Dịch vụ Tổng hợp Thanh Yên, xã Thanh Yên (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). (Ảnh: Nguyễn Tuyết).

Điện Biên, từ một địa phương thiếu lương thực, đến nay đã đảm bảo được an ninh lương thực và xuất bán ra thị trường. Cụ thể, tổng diện tích đất trồng lúa trên địa bàn huyện có gần 7.200 ha, sản lượng bình quân đạt trên 62.000 tấn thóc/năm; bộ giống chủ lực gồm: Bắc thơm số 7, Séng cù, Hana 112 và Nếp 97, 86 với phương thức gieo vãi chiếm trên 93%.

Trên địa bàn huyện Điện Biên hiện có 2 sản phẩm gạo được cấp chỉ dẫn địa lý và có 4 sản phẩm gạo được công nhận OCOP cấp tỉnh, đó là: 3 sản phẩm đạt 3 sao (gạo Tám thơm Thiên Bản của Công ty TNHH thực phẩm Safegreen; gạo Séng cù, Tám Thơm Tâm Sáng của HTX dịch vụ tổng hợp Thanh Yên).…

Những năm trở lại đây, hiện tượng lúa hỗn tạp (có khoảng 7 loại lúa hỗn tạp); lượng phân bón còn mang tính tự phát, gây lãng phí, làm chua hóa đất, sâu bệnh phát sinh; mất cân bằng sinh thái đồng ruộng, cùng với phun phòng, trừ sâu bệnh chưa theo khuyến cáo; cơ sở sản xuất lúa gạo chưa đáp ứng được sản xuất theo công nghệ cao để nâng giá trị sản phẩm.

Điện Biên: Hội thảo thúc đẩy phát triển sản xuất - tiêu thụ gạo chất lượng cao   - Ảnh 3.

Cây lúa được xác định là cây trồng chủ lực, có vai trò quyết định trong việc giữ vững an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo của huyện Điện Biên. (Ảnh: Nguyễn Tuyết).

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, ảnh hưởng biến đổi khí hậu, tác động của thời tiết như mưa, áp thấp nhiệt đới, gió bão trong thời gian cây sinh trưởng đã làm chất lượng, năng suất và giá lúa giảm, đem lại lợi nhuận thấp; diện tích sản xuất lúa trong các HTX còn manh mún, nhỏ lẻ, việc tiêu thụ lúa còn qua trung gian, dẫn đến chất lượng gạo đến người tiêu dùng còn bị pha tạp.

Từ đó các ngành chuyên môn đã đề ra các giải pháp thực hiện trong thời gian tới như: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo hướng hữu cơ, vi sinh, hạn chế tối đa tác động môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo sản phẩm an toàn; đẩy mạnh sử dụng giống cấp xác nhận, lúa thơm, đặc sản; tăng cường công tác liên kết với doanh nghiệp, vận động nông dân, HTX tham gia liên kết, mở rộng quy mô hình thành vùng nguyên liệu, sản xuất hàng hóa theo đơn đặt hàng; củng cố nâng cao vai trò, năng lực hoạt động của các HTX trong việc liên kết sản xuất, hỗ trợ các HTX phát triển dịch vụ thiết yếu, mở rộng quy mô, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện các khâu liên kết đầu vào cũng như đầu ra của sản phẩm, để giúp các thành viên nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.

Điện Biên: Hội thảo thúc đẩy phát triển sản xuất - tiêu thụ gạo chất lượng cao   - Ảnh 4.

Các sản phẩm gạo ngon, gạo được cấp chỉ dẫn địa lý và gạo được công nhận OCOP được trưng bầy tại Hội thảo. (Ảnh: Thu Hường).

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Trọng Khôi, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên nhấn mạnh: Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia vào các hợp tác xã nông nghiệp, đẩy mạnh nhân rộng phương thức nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ gạo, nhằm nâng cao chuỗi giá trị, bởi nông dân, doanh nghiệp là trụ cột của chuỗi giá trị lúa gạo trên địa bàn.

Nguồn: http://trangtraiviet.vn/nong-thon-tay-bac-hoi-thao-thuc-day-phat-trien-san-xuat-tieu-thu-gao-chat-luong-cao-o-dien-bien-2021100109360326.htm
Tin liên quan
Chưa có thông tin