Hiện thực sau thu hoạch lúa ở vùng Nông thôn Tây Bắc
Với mục tiêu nhằm giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ tình trạng đốt rơm rạ, góp phần tạo cảnh quan môi trường trong xanh, giúp các phương tiện tham gia giao thông đi lại thuận tiện, UBND xã Huy Hạ (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) đã ban hành công văn cấm đốt rơm rạ trên địa bàn vùng Nông thôn Tây Bắc này…
Những năm gần đây, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, người dân xã Huy Hạ lại vận chuyển lúa lên lề đường dọc quốc lộ 37 và tỉnh lộ 114 tuốt thóc, đốt rơm rạ tại ruộng. Việc tuốt thóc và đốt rơm rạ không chỉ gây hiện tượng mù khói, hạn chế tầm nhìn của các phương tiện tham gia giao thông mà còn gây ô nhiễm môi trường không khí, tác động tiêu cực đến sức khỏe con người.
Trước thực trạng đó, đầu tháng 10/2021, khi đang vào vụ thu hoạch lúa mùa, UBND xã Huy Hạ đã ban hành Công văn số 83 về việc về cấm đốt rơm rạ, hạn chế tuốt lúa trên trục đường quốc lộ 37 và tỉnh lộ 114 nhằm giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ tình trạng đốt rơm rạ. Qua triển khai đã đạt được những kết quả tích cực ở vùng Nông thôn Tây Bắc này.
Không đốt rơm rạ vì sự phát triển của Nông thôn Tây Bắc
Sau khi thu hoạch hơn 1.300 m2 ruộng lúa của gia đình, bà Đinh Thị Chiện bản Nà Lò 2, xã Huy Hạ đang tiến hành phơi phóng, thu gom lại toàn bộ số rơm rạ của gia đình. Mọi năm, số rơm rạ này bà đều đốt đi do không có nhu cầu sử dụng.
"Mọi năm gặt xong tôi đốt, năm nay trưởng bản và cán bộ xã bảo đốt sẽ ô nhiễm môi trường. Bây giờ rơm rạ để dành cho gia đình nuôi gia súc. Vì vậy, năm nay một phần rơm rạ tôi đem phơi khô rồi để dự trữ làm thức ăn cho trâu bò. Một phần được tôi để lại ruộng để giữ ấm cho cây trồng vụ đông", bà Đinh Thị Chiện nói.
Gia đình anh Đinh Văn Thánh, Bản Trò 1, hiện đang chăn nuôi khoảng 40 con trâu bò. Đàn gia súc của gia đình anh cần một lượng lớn thức ăn thô, nhất là trong mùa đông đang đến gần. Vì vậy, để tiết kiệm chi phí chăn nuôi, ngoài thu gom lại số rơm của gia đình, anh còn đi thu gom rơm rạ của các gia đình khác trong bản.
Số rơm thu gom về anh thường rắc 1 lớp rơm, 1 lớp muối lên để bảo quản trong nhà, qua đó giúp rơm dạ đảm bảo chất lượng thơm ngon, không bị hư hỏng khi bảo quản dài ngày.
Anh Đinh Văn Thánh, chia sẻ: Thấy được tầm quan trọng của rơm trong chăn nuôi trâu, bò, trong vụ thu hoạch này, tôi đã đôn đốc vợ con không đốt rơm đỡ gây ô nhiễm môi trường, vận chuyển rơm tích trữ cho trâu bò ăn.
Vụ mùa năm 2021, xã Huy Hạ gieo cấy được hơn 173 ha lúa, do vậy số phụ phẩm từ lúa sau thu hoạch khá lớn. Những năm trước đây, cứ sau mỗi vụ thu hoạch, trên những cánh đồng lúa ở xã Huy Hạ nói riêng, huyện Phù Yên nói chung lại mù mịt khói từ việc đốt rơm rạ.
Nguyên nhân do một số hộ gia đình không có nhu cầu sử dụng rơm rạ để đun nấu, làm thức ăn chăn nuôi nên tình trạng đốt rơm sau thu hoạch thường diễn ra khá phổ biến. Năm nay, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền xã Huy Hạ nên tình trạng đốt rơm rạ đã giảm hẳn.
Theo ông Đinh Văn Ngân, Phó chủ tịch UBND xã Huy Hạ, sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của UBND huyện Phù Yên, UBND xã đã ban hành công văn số 83 của về việc cấm các hộ dân cấm đốt rơm rạ để tận dụng rơm làm thức ăn cho trâu bò trong mùa đông tới này.
Kiên quyết chỉ đạo 9 bản, lực lượng công an viên phối hợp với UBND xã tuyên truyền nhân dân hạn chế mang thóc lên trục quốc lộ 37 và tỉnh lộ 114 để tuốt lúa, tận dụng rơm để làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông. So với mọi năm thì vụ thu hoạch năm nay, bà con các bản đã chấp hành tốt hơn.
Ngoài ra, xã Huy Hạ cũng phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con nhân dân về kỹ thuật xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học ngay trên đồng ruộng nhằm hạn chế đốt rơm rạ, bảo vệ môi trường.
Vận động nhân dân áp dụng cơ giới hóa trong việc thu gom, vận chuyển rơm rạ và làm đất bằng máy cày lớn để phay, cày lật đất vùi hết rơm rạ vào trong đất, không để rơm rạ trôi nổi ảnh hưởng đến sản xuất và môi trường.
Trên khắp cánh đồng của xã Huy Hạ trong những ngày thu hoạch lúa mùa, qua công tác kiểm tra giám sát, tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa đã giảm hẳn.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, xã Huy Hạ tiếp tục tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về tác hại của việc đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng, chất thải rắn sinh hoạt và phơi thóc, rơm rạ trên đường giao thông, gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, tiềm ẩn mất an toàn giao thông.
Khuyến khích người dân áp dụng các biện pháp xử lý rơm thân thiện với môi trường như: Xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ, ứng dụng chế phẩm sinh học để phân hủy rơm rạ và các phụ phẩm cây trồng ngay tại ruộng, chế biến làm thức ăn cho gia súc, sản xuất nấm và làm phân bón hữu cơ cho một số loại cây trồng phù hợp.
Qua đó, nhằm tận dụng được tối đa phụ phẩm từ cây lúa cho người nông dân, hạn chế thấp nhất nguy cơ ô nhiễm môi trường.