|
  • :
  • :

Nông thôn Tây Bắc: Phát triển chăn nuôi ở xã vùng cao

Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa ở xã Chiềng Đông (Yên Châu, Sơn La) đã nâng cao thu nhập cho người dân...

Phát triển chăn nuôi gắn với tiến bộ xã hội

Người dân xã Chiềng Đông, những năm trước đây quen với tập quán thả rông gia súc, chăn nuôi nhỏ lẻ và không áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi chưa trở thành hàng hóa. Một phần do kinh phí xây dựng một khu chuồng trại chăn nuôi khá cao nên người dân vẫn chủ yếu là nuôi chăn thả. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là vào thời điểm giao mùa. Khiến cho việc phát triển đại đàn gia súc con chưa phát triển.

Tự duy của người chăn nuôi đã thay đổi, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu từ xây dựng chuồng trại, trồng cỏ chăn nuôi trâu bò vỗ béo hay là sinh sản theo hình thức nhốt chuồng, nhờ vậy người nông dân có thu nhập ổn định hơn.

Nông thôn Tây Bắc: Phát triển chăn nuôi ở xã vùng cao - Ảnh 1.

Trước đây người dân xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu (Sơn La) quen với việc chăn thả trâu, bò ngoài đồng. Ảnh: Văn Ngọc

Gia đình ông Quàng Văn Chiến, bản Luống Mé, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu (Sơn La) là một trong những hộ đầu tiên của xã đầu tư trang trại nuôi bò sinh sản. Ông Chiến chia sẻ: Trước đây, do chưa chú trọng đầu tư, chủ yếu chăn thả tự nhiên nên đàn bò chậm lớn. Được sự tư vấn của cán bộ chuyên môn về chăn nuôi, gia đình tôi xây dựng chuồng trại kiên cố, đầu tư lắp hệ thống máng ăn. Sau 4 năm, mô hình nuôi bò sinh sản bắt đầu có lãi. Hiện, trang trại của gia đình duy trì 15-18 con bò sinh sản. Mỗi năm gia đình bán khoảng 10 con bê giống, trừ chi phí lãi khoảng 100 triệu đồng.

Nông thôn Tây Bắc: Phát triển chăn nuôi ở xã vùng cao - Ảnh 2.

Với mô hình nuôi bò sinh sản đã giúp gia đình ông Quàng Văn Chiến, bản Luống Mé, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu (Sơn La) có thu nhập ổn định. Ảnh: Văn Ngọc

"Nuôi bò sinh sản phải biết cách chăm sóc theo từng giai đoạn, đảm bảo bò luôn đủ sức khỏe để có thể sinh sản tốt. Nguồn thức ăn phải chất lượng thì khi sinh ra bê con mới khỏe mạnh. Ngoài tận dụng các phụ phẩm từ rơm, rạ, thân cây ngô sau khi thu hoạch, gia đình dành 0,6 ha đất trồng cỏ giống voi, tiến hành ủ chua cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò và thực hiện các biện pháp phòng dịch nên đàn bò phát triển tốt" Ông Chiến nói.

Nông thôn Tây Bắc: Phát triển chăn nuôi ở xã vùng cao - Ảnh 3.

Một có bê con sau khi để, nuôi từ 7-8 tháng có thể xuất bán với giá từ 12-15 triệu đồng/ con. Ảnh: Văn Ngọc

Cũng đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi, chị Hà Thị Lương, bàn Luông Mé, Chiềng Đông, Yên Châu, (Sơn La) đang duy trì chăn nuôi  hơn 20 con bò vỗ béo. Chị Lương chia sẻ: Gia đình dành hơn 6.000 m2 đất sản xuất để trồng cỏ voi làm thức ăn cho đàn bò. So với nuôi thả rông ngoài tự nhiên, bò nuôi nhốt chuồng nhanh lớn hơn vì ít chạy nhảy tiêu hao năng lượng. Người nuôi cũng dễ dàng quản lý, nắm bắt tình trạng sức khỏe của đàn bò để kịp thời chăm sóc và chữa trị. Tỷ lệ bò bị bệnh vì vậy cũng giảm hẳn.

"Để đàn bò phát triển khỏe mạnh, chóng lớn, điều quan trọng là làm chuồng trại đảm bảo thông thoáng về mùa hè, giữ ấm về mùa đông. Phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại để ngăn ngừa dịch bệnh, đặc biệt là tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho bò theo khuyến cáo của cán bộ thú y. Cuối năm 2021, gia đình bán 8 con bò, thu về hơn 140 triệu đồng", chị Lương nói

Nông thôn Tây Bắc: Phát triển chăn nuôi ở xã vùng cao - Ảnh 4.

Nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo dễ dàng quản lý, nắm bắt tình trạng sức khỏe của đàn bò để kịp thời chăm sóc và chữa trị. Ảnh: Văn Ngọc

Phát triển chăn nuôi thành đòn bẩy kinh tế

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Khù, Chủ tịch UBND xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 2.700 con trâu, bò. Xã xác định hướng phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa với những giải pháp cụ thể.

Trong đó, lồng ghép trong các cuộc họp của bản, của các tổ chức đoàn thể tuyên truyền cho người dân hiểu rõ hơn về những lợi ích của hình thức nuôi trâu, bò nhốt chuồng, đó là: Không tốn nhiều công chăn, dắt; đảm bảo vệ sinh môi trường; thuận lợi trong chăm sóc và chủ động phòng, chống dịch bệnh và trâu, bò phát triển tốt hơn. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn các hộ chăn nuôi kỹ thuật nuôi vỗ béo, chăm sóc trâu, bò sinh sản, kỹ thuật trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi. 

Nông thôn Tây Bắc: Phát triển chăn nuôi ở xã vùng cao - Ảnh 5.

Thời gian tới xã Chiềng Đông, huyện Mai Sơn, Sơn La sẽ tăng cường vận động người dân chăn nuôi theo hướng hàng hóa, cho hiệu quả cao. Ảnh: Văn Ngọc

"Thời gian tới, xã Chiềng Đông tiếp tục lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người dân trong xã đầu tư phát triển kinh tế. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền người dân chăm sóc đàn gia súc, làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh để nâng cao hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi, từng bước xóa đói, giảm nghèo", ông Khù nói.

 
Nguồn: http://trangtraiviet.vn/nong-thon-tay-bac-phat-trien-chan-nuoi-o-xa-vung-cao-20220309113211978.htm
Tin liên quan
Chưa có thông tin