Clip: Bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại Lễ ra mắt.
Thực hiện Nghị quyết 04-NQ/HNDTW ngày 05/8/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII về đẩy mạnh chi Hội nghề nghiệp, tổ Hội nghề nghiệp; Kế hoạch số 169-KH/HNDTW ngày 23/3/2020 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về triển khai xây dựng các mô hình Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp. Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã tổ chức lễ ra mắt "Chi hội Nông dân nghề nghiệp bản Híp".
Đến dự Lễ ra mắt có bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Tại Lễ ra mắt, bà Quàng Thị Hương, Trưởng ban xây dựng hội, Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã thông qua báo cáo quá trình thành lập Chi hội Nông dân nghề nghiệp bản Híp, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Bà Hương, cho biết: Xã Chiềng Ngần là xã trực thuộc thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cách trung tâm thành phố 9km; có diện tích tự nhiên 8.561,50 ha, trong đó diện tích đất trồng lúa 96,14 ha, ngô 490 ha; trồng cây ăn quả 1.215 ha (xoài 582,7 ha, nhãn 309,5 ha, mận 180,7 ha, cây ăn quả có múi 15,8 ha); diện tích cà phê 786,1 ha.
Việc thành lập Chi hội Nông dân nghề nghiệp trong Hợp tác xã giúp hội viên nông dân liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; phát huy hiệu quả, tạo sự gắn kết giữa các hội viên khi có chung lợi ích, trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tạo sự cạnh tranh hàng hóa ra thị trường, góp phần đổi mới mô hình tổ chức hoạt động của chi hội, huy động các nguồn lực để xây dựng chi hội nghề nghiệp và HTX.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc sản của địa phương nhằm nâng cao đời sống, thu nhập cho hội viên, thúc đẩy nông nghiệp phát triển nông nghiệp xanh, nhanh, bền vững. Thông qua đó, khắc phục những hạn chế, khó khăn trong sinh hoạt Hội ở cơ sở, nâng cao hiệu quả hoạt động của chi hội, tổ hội.
Theo đó, Chi Hội Nông dân nghề nghiệp nông nghiệp bản Híp chính thức ra mắt với 15 hội viên tham gia (Trong đó có 09 đảng viên; 03 hội viên có trình độ chuyên môn đại học, 01 đồng chí trình độ lý luận chính trị Trung cấp)
Trao đổi với phóng viên, ông Lò Văn Pản, Chi hội trưởng Hội Nông dân nghề nghiệp bản Híp, chia sẻ: Để Chi hội nông dân nghề nghiệp phát triển lớn mạnh, trở thành mô hình điểm tiêu biểu của tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, Chi hội tập trung trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về kinh tế tập thể. Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để HTX hoạt động có hiệu quả; tiếp tục khảo sát và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nắm bắt nhu cầu tham gia Chi hội nông dân nghề nghiệp và HTX của hội viên nông dân.
"Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, củng cố hoạt động của HTX; tổ chức đào tạo kỹ năng quản trị, kinh doanh cho ban giám đốc HTX; tập huấn về kỹ thuật, quản lý kinh tế, kỹ năng sản xuất cho các thành viên để nâng cao chất lượng sản phẩm, củng cố thị trường truyền thống, mở rộng thị trường tiềm năng. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại; kiểm soát chất lượng sản phẩm, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu". Ông Pản nói.
Phát biểu tại Lễ ra mắt, bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: Việc thành lập Chi hội Nông dân nghề nghiệp là hình thức đổi mới phương thức sinh hoạt, nâng cao chất lượng sinh hoạt. Mong rằng tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ thành lập các HTX, tổ hợp tác và các Chi hội nông dân nghề nghiệp nâng cao chất lượng sinh hoạt hội, chất lượng hoạt động HTX, chất lượng sản phẩm ngày càng mở rộng quy mô là mô hình điểm để nhân rộng ra các vùng lân cận.
Đề nghị các thành viên trong Chi hội đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của HTX. Chủ động liên kết với các địa phương, doanh nghiệp xây dựng các chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn của HTX với các chuỗi cung ứng và tiêu thụ trong và ngoài nước.