|
  • :
  • :

Nông thôn Tây Bắc: Thị trường đào Tết ảm đạm, nông dân lo mất Tết

Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên thương lái và du khách chưa đến mua đào tết khiến người nông dân ở Sơn La lo lắng, không yên lòng.

Người trồng đào tết thấp thỏm đợi khách mua

Trong những năm gần đây nhiều hộ nông dân ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã chuyển đổi diện tích trồng ngô, trồng sắn kém hiệu quả sang trồng đào với kỳ vọng sẽ có khoản thu nhập cao từ bán cành đào để sắm Tết.

Tuy nhiên, năm nay do chất lượng đào không đẹp như các năm trước, cộng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thương lái và khách chưa đến mua nhiều khiến người dân lo lắng, không yên lòng.

Thị trường đào Tết ảm đạm, nông dân lo mất Tết - Ảnh 1.

Người nông dân Vân Hồ đang dùng dây buộc cành đào để giữ dáng với những đôi tay trần trong cái lạnh 10 độ C. Ảnh: Tuệ Linh.

Hiện nay, tỉnh Sơn La có khoảng 5.000 ha đào, chủ yếu do đồng bào dân tộc Mông ở vùng cao, vùng khó khăn trồng trên nương, đồi và vườn nhà. Riêng huyện Vân Hồ có khoảng 1.000 ha đất trồng cây đào; trong đó có hơn 500 ha đào bán vào dịp tết Nguyên đán.

Những năm trước, từ việc bán cành và cây đào trồng đã mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho người dân trong dịp tết Nguyên đán hàng năm. Nhờ đó, không khí đón Tết của bà con vùng cao cũng trở nên đầy đủ và sung túc hơn.

Thị trường đào Tết ảm đạm, nông dân lo mất Tết - Ảnh 2.

Người nông dân Vân Hồ bày bán đào la liệt 2 bên tuyến quốc lộ 6, đoạn qua địa phận bản Co Chàm, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ. Ảnh: Tuệ Linh.

Đào tết là nguồn thu lớn để sắm tết

Trao đổi với PV, anh Mùa A Xý, bản Co Chàm, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, buồn rầu: Năm nay, tại các điểm tập kết đào phục vụ Tết dọc quốc lộ 6 qua địa bàn các xã Lóng Luông và Vân Hồ vắng khách mua đào. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc đi lại của thương lái và khách hàng gặp nhiều khó khăn.

"Thời điểm này chỉ có vài nhóm thương lái từ các tỉnh miền xuôi lên thu mua, tuy nhiên do đào chất lượng kém vì đã nở sớm nên họ cũng chỉ thu mua với số lượng ít", anh Xý nói.

Thị trường đào Tết ảm đạm, nông dân lo mất Tết - Ảnh 3.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên người trồng đào đang lo mất Tết. Ảnh: Tuệ Linh.

Chị Sồng Thị Nhừ, bản Co Chàm, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, bảo: Hầu hết các hộ dân trồng đào trên địa bàn xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ đều là người dân tộc Mông. Đối với bà con nới đây, việc trồng đào phục vụ Tết hiệu quả hơn nhiều so với trồng ngô, trồng sắn. Hơn nữa, việc trồng đào tốn ít công sức, không phải chăm sóc nhiều, nếu thuận lợi sẽ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Anh Lê Đức Hà, một thương lái đến từ tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ: Trước kia việc trồng đào ở đây chủ yếu là để lấy quả, tuy nhiên, nhận thấy nhu cầu chơi đào Tết của khách dưới xuôi lớn nên người dân đã mở rộng diện tích trồng, thậm chí đã tập trung chăm sóc, tạo thế, tạo dáng cho cây đào.

Thị trường đào Tết ảm đạm, nông dân lo mất Tết - Ảnh 4.

Nhiều năm trước, từ trồng đào bán Tết, người dân vùng cao ở Vân Hồ đã có nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Tuệ Linh.

Cùng với đó, để giúp người nông dân trồng đào tiêu thụ đào tốt hơn, hàng năm chính quyền địa phương cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa, quảng bá giới thiệu hình ảnh hoa đào Vân Hồ, song năm nay bị ngưng trệ vì gặp thời tiết bất lợi, nhất là chịu sự tác động của dịch Covid-19 khiến sức mua giảm đi nhiều.

Thông tin với PV, bà Nguyễn Thị Lư, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Vân Hồ, cho biết: Đối với người nông dân trồng đào ở Vân Hồ thì dịp tết Nguyên đán được xem là vụ thu hoạch chính trong một năm. Những năm trước, khi không bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì vào mỗi dịp Tết nhiều hộ dân có khoản thu từ 100 triệu đến 300 triệu đồng từ việc bán cành, cây đào. Tuy nhiên, năm nay người dân đang lo mất Tết do không bán được đào hoặc có bán được nhưng giá thấp.

 
Nguồn: http://trangtraiviet.vn/nong-thon-tay-bac-thi-truong-dao-tet-am-dam-nong-dan-lo-mat-tet-20220120115627464.htm
Tin liên quan
Chưa có thông tin