Thực phẩm đặc sản của Tủa Chùa
Vịt bầu cổ ngắn, nổi tiếng thịt thơm, ngon đã thành sản phẩm thương hiệu của huyện Tủa Chùa (Điện Biên). Tuy nhiên để người dân vẫn nuôi tự phát, vì thế chất lượng con giống đang bị thoái hoá. Huyện Tủa Chùa đã có dự án phát triển vịt bầu thương phẩm an toàn, bền vững và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Huyện Tủa Chùa đã triển khai mô hình liên kết "3 nhà": Nhà nước - nhà nông - doanh nghiệp để phát triển giống vịt bầu an toàn, bền vững và hiệu quả theo hướng hàng hóa. Dự án liên kết có quy mô 2.960 con vịt bầu bản địa với sự tham gia của 37 hộ dân 2 xã: Mường Đun và Tủa Thàng (các hộ dân tự nguyện đăng ký, có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo và khả năng đối ứng).
Bà Vũ Ngọc Ánh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Dự án nhằm mục đích khôi phục và phát triển giống vịt bầu bản địa, đồng thời thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi gia cầm tại địa phương, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân; từng bước chuyển đổi và hoàn thiện phương thức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Dự án lựa chọn hỗ trợ các hộ dân có khả năng đối ứng, đáp ứng đầy đủ điều kiện chăn nuôi để dự án đạt hiệu quả cao nhất. Sau đó tuyên truyền, khuyến khích nhân rộng mô hình trên địa bàn.
Xã Mường Đun có 25 hộ tham gia dự án liên kết chăn nuôi vịt bầu bản địa, mỗi hộ nhận nuôi 80 con vịt. Sau gần 3 tháng triển khai dự án, tỷ lệ vịt sống cao, nhiều đàn tỷ lệ sống đạt 100%. Vịt lớn nhanh, trọng lượng trung bình 2,5 - 3kg/con, thịt thơm, chắc, dễ tiêu thụ.
Gia đình chị Lò Thị Chới, thôn Mường Đun (xã Mường Đun) tham gia dự án với 80 con vịt giống. Sau gần 3 tháng nuôi, đàn vịt đạt trọng lượng trung bình 2,7kg/con. Chị Chới cho biết: Gia đình có khu chăn nuôi rộng, có ao cho vịt bơi đồng thời chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện nên đàn vịt sinh trưởng, phát triển nhanh. Sau khi dự án kết thúc, tôi đã bán 2/3 đàn vịt cho HTX Dịch vụ nông nghiệp Mường Đun theo đúng cam kết, số lượng vịt còn lại tôi bán cho các hộ dân trên địa bàn. Sau mô hình đầu tiên, tôi nhận thấy vịt bầu bản địa là giống vịt phù hợp với điều kiện khí hậu, đặc điểm địa bàn nên khá dễ nuôi, vịt lớn nhanh và ít bị bệnh. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm khá rộng, dễ bán với giá từ 90.000 - 100.000 đồng/kg. Tôi đã tiếp tục mô hình với quy mô 150 con, đồng thời giới thiệu và vận động các hộ dân trong thôn cùng nuôi giống vịt bầu bản địa.
Tủa Chùa quan tâm phát triển chăn nuôi vịt bầu cổ ngắn
Ông Quàng Văn Thanh, thôn Bản Hột (xã Mường Đun) cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi nuôi giống vịt bầu bản địa. Thôn Bản Hột có nguồn nước dồi dào từ khe suối nên phù hợp với chăn nuôi vịt. Tham gia mô hình, tôi nhận thấy chi phí đầu tư chăn nuôi không quá cao, giống vịt lành tính, dễ nuôi, thịt chắc, thơm ngon và cũng dễ bán, giá cao hơn các giống vịt khác trên địa bàn. Chính vì những ưu điểm đó, sau khi mô hình kết thúc, tôi đã tiếp tục đầu tư nuôi giống vịt bầu bản địa.
Đánh giá về thành công của dự án, bà Vũ Ngọc Ánh khẳng định: "Cái được của dự án không phải số hộ dân tham gia, tỷ lệ đàn vịt sống cao, mà cái được lớn nhất là người dân đã thay đổi cách chăn nuôi. Khi thấy đàn vịt phát triển tốt, giá bán cao, nhiều hộ dân không tham gia dự án đã tự bỏ vốn, làm chuồng trại để chăn nuôi giống vịt bầu cổ ngắn. Đây cũng là dự án hỗ trợ sinh kế cho người dân thành công nhất về mọi phương diện mà huyện triển khai".
Hiện tại giống vịt bầu cổ ngắn được nhiều hộ tại xã Mường Đun, Tủa Thàng tham gia nuôi.Theo đánh giá của bà Hoàng Tuyết Ban, Chủ tịch UBND huyện thì huyện tiếp tục vận động nhân dân chăn nuôi giống vịt này. "Thời gian nuôi ngắn, vì là vịt bản địa nên thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Tủa Chùa rất tốt. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn thì giống vịt cổ ngắn Mường Đun thơm ngon như vịt Nà Tấu (T.p Điện Biên Phủ). Chúng tôi sẽ chỉ đạo, mở rộng chăn nuôi theo hướng hàng hoá và phấn đấu sẽ trở thành sản phẩm đặc trưng của Tùa Chùa" bà Ban cho biết thêm.