Nuôi chồn hương giúp anh Đỗ Văn Tửng (ấp Cây Sao, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) có lợi nhuận từ 300-500 triệu đồng/năm
Chồn hương được thuần hóa để nuôi lấy thịt và xạ hương. Thời gian qua, ngành chức năng đã cấp phép cho người dân nuôi loài động vật có nguồn gốc tự nhiên này nhằm cung cấp một cách hợp pháp cho nhu cầu thị trường. Thịt chồn hương có giá trị dinh dưỡng cao, được chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon, bổ dưỡng. Xạ hương chồn hương cũng là một vị thuốc quý trong y học cổ truyền.
Những năm gần đây, mô hình nuôi chồn hương phát triển tại huyện Tân Thạnh. Điển hình là trang trại nuôi chồn hương của anh Đỗ Văn Tửng (ấp Cây Sao, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh). Với khu chuồng có diện tích hơn 200m2, anh Tửng nuôi khoảng 120 con chồn hương và 12 con cầy vòi móc, chủ yếu nuôi sinh sản để bán con giống.
Anh Tửng chia sẻ: “Một lần đi thăm trang trại nuôi chồn hương của người quen, tôi nhận thấy đây là loài vật nuôi có giá trị kinh tế cao, trong khi đó, ở địa phương, người nuôi chồn hương rất ít, chưa đủ cung ứng cho thị trường. Cùng với đó, so với các vật nuôi khác, chồn hương dễ nuôi, dễ chăm sóc”.
Tuy nhiên, chồn hương nuôi vẫn giữ bản tính hoang dã nên rất hung dữ, nếu nuôi chung thường cắn nhau đến chết nên phải thiết kế những ô chuồng nhỏ để nuôi mỗi con 1 ô. Mỗi con chồn hương thuần dưỡng 1 năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 4-5 con. Thông thường, thời gian mang thai của chồn hương cái thường kéo dài từ 63-65 ngày.
Chồn hương sau khi nuôi 10 tháng thì có thể xuất bán. Chồn hương chủ yếu ăn các loại nông sản sẵn có ở địa phương nên chi phí đầu tư tương đối thấp, chủ yếu là tốn chi phí đầu tư chuồng trại nên khá phù hợp với điều kiện sản xuất của nhiều hộ dân.
“Khâu quan trọng trong nuôi chồn hương là phải bảo đảm vệ sinh và phòng ngừa dịch bệnh. Bên cạnh đó, phải chú ý cho ăn vừa phải, vì nếu cho ăn nhiều, chồn hương sẽ mập dẫn đến khó đẻ, thương lái sẽ chê. Thị trường tiêu thụ chồn hương khá rộng, từ Bắc đến Nam. Hiện giá chồn bố mẹ từ 40 triệu đồng/cặp, chồn con từ 10 triệu đồng/con, sau khi trừ chi phí, tôi có lợi nhuận từ 300-500 triệu đồng/năm” - anh Tửng cho biết.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh - Trần Minh Nghĩa, thời gian qua, trên địa bàn xã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp mới, trong đó có mô hình nuôi chồn hương của anh Đỗ Văn Tửng ở ấp Cây Sao. Mô hình là hướng phát triển kinh tế mới, góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp ở địa phương./.
Theo quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì chồn hương thuộc danh mục IIB - danh mục các loài động vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ. Chính vì vậy, khi nuôi chồn hương, cần đăng ký giấy phép chăn nuôi với chính quyền địa phương. |
Minh Tuệ