Ông Đinh Khắc Tuấn - Giám đốc sở KH&CN tỉnh Đắk Lắk cho biết, giai đoạn 2019-2023, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa và tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động KH&CN trên địa bàn; đổi mới công tác quản lý nhà nước; tăng cường thúc đẩy hoạt độngnghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN, khởi nghiệp và ĐMST; hỗ trợ xây dựng thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ giúp tăng giá trị sản phẩm hàng hoá, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế…
Điển hình là những ứng dụng có hiệu quả như: sản xuất chế phẩm lên men Latic nhằm xử lý phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò hay nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai giữa bò tót và bò, mô hình nuôi cá hồi vân tại tỉnh Đắk Lắk; cải thiện tầm vóc giống trâu địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với giống trâu Murash tại Quảng Ngãi; nghiên cứu quy trình chăn nuôi heo an toàn bằng thảo dược và chế phẩm sinh học trên đệm lót tại địa bàn tỉnh Bình Định; ứng dụng các công nghệ di truyền tiên tiến để chọn tạo ra các dòng lợn có năng suất chất lượng cao, giá thành hợp lý phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương từ kết quả Dự án SXTN cấp tỉnh “Chọn tạo đàn lợn giống hạt nhân Yorkshire, Landrace và Duroc bằng công nghệ đánh giá di truyền và phân tích gen tại Khánh Hòa”...
Thông qua các sự kiện công nghệ như chợ công nghệ và thiết bị, sự kiện kết nối cung cầu công nghệ, ngày hội khởi nghiệp ĐMST… toàn vùng ghi nhận 16 hợp đồng chuyển giao công nghệ được ký kết với tổng giá trị hơn 500 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp địa phương đã tận dụng được cơ hội tiếp cận các công nghệ mới. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư đổi mớidây chuyền công nghệ, bên cạnh đó một số doanh nghiệp chưa chủ động đầu tư nhằm nâng cao trình độ, năng lực công nghệ của chính bản thân doanh nghiệp dẫn đến ảnh hưởng tới hoạt động chuyển giao và đổi mới công nghệ...
Ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định, sự phát triển của KH,CN&ĐMST đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh; giai đoạn 2016-2020 tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,88%/năm, năm 2022 tăng trưởng 8,94%, là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, đưa Đắk Lắk trở thành một trong những tỉnh có mức tăng trưởng cao của cả nước.
Trong thời gian tới, tỉnh xác định ĐMST, phát triển và ứng dụng KH&CN tiên tiến, nhất là công nghệ cao là một nội dung cốt lõi. Phát triển, ứng dụng KH,CN&ĐMST gồm ba cơ chế: cơ chế phát triển KH&CN hướng vào ứng dụng (tạo cung), cơ chế phát triển KT-XH dựa trên ĐMST (tạo cầu) và cơ chế liên kết phát triển KH&CN với phát triển KT-XH (liên kết cung - cầu); Ưu tiên, tập trung đầu tư trước một bước cho phát triển KH&CN để phát triển KH&CN thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, mặc dù chính sách phát triển KH&CNnói riêng, hoạt động KH,CN&ĐMST vùng NTB&TN đã từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều cơ chế, chính sách được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các sản phẩm chủ lực của địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...Tuy vậy, bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, KHCN&ĐMST vùng NTB&TN vẫn còn nhiều hạn chế, cần tiếp tục xây dựng và triển khai nhiều chính sách thiết thực, sát với thực tiễn của vùng hơn nữa để KH&CN thực sự đóng góp hiệu quả cho phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Theo đó, các địa phương trong Vùng cần thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản để triển khai hiệu quả các quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển KHCN&ĐMST trong các văn bản của Đảng, Nhà nước; xây dựng các nhiệm vụ cụ thể, có trọng tâm trọng điểm về KH,CN&ĐMST, khẳng định rõ nét vai trò của KHCN&ĐMST trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội nhanh, bền vững của từng địa phương trong Vùng.
Chú trọng đầu tư, nâng cao tiềm lực cho các đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập tại địa phương; đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực KH&CN. Đầu tư, phát triển một số trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các tổ chức nghiên cứu, trường đại học trong vùng; Hỗ trợ và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Tây Nguyên và một số trường đại học, viện nghiên cứu trong vùng.
Đẩy mạnh phát triển liên kết vùng, nhất là liên kết các ngành, doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu, trường đại học trong nội vùng và với các vùng khác trong tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, đặc biệt là ứng dụng KHCN trong sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản theo chuỗi vượt qua ranh giới địa phương,…
“Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập các Hội đồng điều phối vùngnhằm đổi mới cơ chế điều phối, thúc đẩy liên kết, phát triển kinh tế - xã hội của vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Phát triển KH&CN vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cần bám sát quan điểm đẩy mạnh liên kết vùng để phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của các vùng, mang lại hiệu quả, giá trị bền vững”, Bộ trưởng cho biết thêm.