|
  • :
  • :

Phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng: Không lơ là, chủ quan

Để có vụ mùa thắng lợi, nông dân tất bật thăm đồng, thăm vườn, áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật và không lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng.

Tích cực chăm sóc

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ lúa Đông Xuân (ĐX) 2022-2023, toàn tỉnh gieo sạ 225.206/220.000ha, đạt 102,4% kế hoạch, trong đó, đã thu hoạch trên 58.479ha; vụ lúa Hè Thu 2023 đã gieo sạ 36.486/210.000ha, đạt 17,4% kế hoạch. Những ngày qua, thời tiết có sương mù, mưa trái mùa, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho các sinh vật gây hại phát sinh, phát triển, nhất là sâu năn.

Cụ thể, trong tuần qua, trên lúa ĐX, trên 3.400ha nhiễm bệnh đạo ôn, tỷ lệ nhiễm phổ biến từ 5-10%, tập trung chủ yếu trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh; bệnh cháy bìa lá diện tích 1.470ha, tỷ lệ nhiễm phổ biến từ 10-15%, tập trung chủ yếu trên trà lúa giai đoạn đòng trổ ở huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng và thị xã Kiến Tường. Ngoài ra, còn có các đối tượng sinh vật gây hại như rầy nâu (640ha), sâu năn (400ha), chuột (270ha), sâu đục thân (70ha), bọ trĩ (65ha), bệnh đạo ôn cổ bông (60ha),... xuất hiện trên lúa giai đoạn mạ, đẻ nhánh, đòng trổ.

Các ngành chức năng thăm đồng, kiểm tra dịch hại trên lúa

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Ngành Nông nghiệp đã có văn bản yêu cầu các địa phương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, vận động nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, tăng cường giám sát, nắm chắc tình hình sản xuất và diễn biến dịch hại để kịp thời hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp quản lý và chăm sóc lúa nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, nhất là thiệt hại do sâu năn gây ra; thường xuyên báo cáo tình hình dịch hại về Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản để phối hợp triển khai các giải pháp phòng, trị”.

Vụ lúa ĐX 2022-2023, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Hưng) gieo sạ trên 500ha, lúa chủ yếu đang giai đoạn đòng trổ. Do nước lũ rút chậm, một số diện tích lúa ĐX của HTX gieo sạ chậm hơn 1 tháng, cùng với độ ẩm cao nên gần 20% diện tích lúa bị nhiễm sâu năn với tỷ lệ nhiễm từ 5-20%.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Vĩnh Thuận - Nguyễn Thị Diệu Ngân chia sẻ: “Vụ này lúa phát triển tốt, ít sâu, bệnh, chủ yếu là sâu năn nhưng tỷ lệ nhiễm không cao. Tuy nhiên, HTX cũng yêu cầu các thành viên và nông dân thường xuyên thăm đồng, sử dụng các biện pháp kỹ thuật để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu năn gây ra. Cụ thể, lúa trong giai đoạn đòng trổ gặp sâu năn có chồi bị hại dưới 50% tiếp tục chăm sóc, bón phân cân đối N-P-K, nếu cần phun thêm phân bón lá, dự trữ nước trong ruộng bảo đảm đủ độ ẩm cho lúa phát triển; đồng thời, không nên xử lý thuốc hóa học khi thấy triệu chứng “cọng hành” trên ruộng, nếu phun thuốc cũng không cứu được chồi bị nhiễm mà còn diệt thiên địch, không hiệu quả về kinh tế”.

Ông Lê Văn Dũng (xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa) thường xuyên thăm vườn để phòng, trị sâu, bệnh kịp thời

Tại xã Thuận Bình - một trong những địa phương có diện tích trồng chanh lớn nhất huyện Thạnh Hóa, với trên 320ha, nông dân đang tích cực thăm vườn để bảo đảm năng suất, chất lượng trái, nhất là hạn chế dịch hại tấn công. Ông Lê Văn Dũng (xã Thuận Bình) bộc bạch: “Để chanh đạt chất lượng, năng suất, tôi thường cắt tỉa những cành già, dọn cỏ quanh gốc; trường hợp khi nắng nóng kéo dài liên tục, tôi tưới nước thường xuyên, vừa cung cấp đủ nước cho cây, vừa rửa trôi các loại dịch hại. Đặc biệt, nông dân trồng chanh sợ nhất là nứt thân, chảy mủ, do đó tôi cũng tăng cường bón phân hữu cơ nuôi cây”.

Để đạt vụ mùa thắng lợi

Sau khi thu hoạch vụ rau màu phục vụ tết, từ đầu tháng Giêng đến nay, nông dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục chuẩn bị đất và xuống giống vụ rau màu mới. Những địa phương có diện tích trồng rau lớn như Cần Đước, Cần Giuộc cũng chủ động nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất trong mùa hạn, mặn. Theo đó, các địa phương đóng các cống ngăn mặn; thường xuyên kiểm tra các cống để tránh nước mặn rò rỉ vào nội đồng, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước; cử cán bộ chuyên môn đo độ mặn trên các nhánh sông để chủ động bơm tích trữ nước ngọt khi độ mặn dưới 1g/l,... Nhìn chung, đến thời điểm này, nguồn nước ngọt phục vụ tốt nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân.

Kiểm tra độ mặn trên các nhánh sông để chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất

Ngoài chủ động nguồn nước tưới, các địa phương cũng tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật giúp nông dân phòng, chống dịch hại trên cây trồng. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Cẩm Vân cho biết: “Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả nhất, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác. Những bệnh gây hại như sâu tơ, bọ nhảy trên rau cải; thối nhũn, sâu xanh da láng trên hành lá; gỉ trắng, sương mai, phấn trắng bọ trĩ, sâu xanh trên rau muống và các loại rau ăn quả khác được nông dân chủ động phòng, trị, bảo đảm không ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng rau”.

Gia đình ông Lê Long Sơn (xã Long Khê, huyện Cần Đước) trồng trên 1.000m2 rau. Hàng ngày, ông tưới nước 3 lần bằng hệ thống tưới tiết kiệm để bảo đảm cho rau phát triển tốt. Ông Sơn cho biết: “Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào trồng rau, gia đình tôi tiết kiệm được thời gian chăm sóc và chi phí đầu vào, nhất là phòng, chống được các bệnh thường gặp trên rau”.

Dự kiến tháng 2 Âm lịch, thời tiết xuất hiện sương muối, nông dân cần chủ động các biện pháp phòng, chống rụng bông, rụng trái trên cây chanh

Theo các nông dân trồng chanh, dự kiến tháng 2 Âm lịch, thời tiết sẽ xuất hiện sương muối. Điều này làm cho cây chanh khó đậu trái, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa - Trương Văn Tư chia sẻ: “Khi xuất hiện sương muối, nông dân cần tưới nước rửa cây vào buổi sáng sớm, tăng cường xịt dưỡng các loại thuốc tránh rụng bông, rụng trái; đồng thời, bón các loại phân hữu cơ để tăng sức đề kháng cho cây phát triển tốt”.

“Đối với cây thanh long, những cành già, cành bị nấm bệnh, tôi chủ động cắt bỏ và phun thuốc phòng, trị các loại bệnh hàng tuần. Trường hợp cành bị thúi nhũn còn phục hồi được, tôi khoét một lỗ, sau đó tăng cường dưỡng cành” - ông Nguyễn Trung Bắc (xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành) cho biết.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, để có vụ mùa thắng lợi, các cơ quan chuyên môn và nông dân không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống các loại dịch bệnh trên cây trồng. Trong đó, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản phải thường xuyên tham mưu tổ chức kiểm tra tình hình sản xuất, sinh vật gây hại và diễn biến hạn, xâm nhập mặn để đề xuất giải pháp phòng, chống kịp thời. Các địa phương chỉ đạo cán bộ chuyên môn thăm đồng; tuyên truyền, dướng dẫn nông dân phun thuốc diệt các loài sâu hại, hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh”./.

Lê Ngọc

Nguồn: https://baolongan.vn/phong-chong-dich-benh-tren-cay-trong-khong-lo-la-chu-quan-a149480.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin