Cụ thể, để chủ động phòng, chống nắng nóng, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, các địa phương cần tập trung nhân lực để làm đất, gieo cấy lúa với phương châm “nước đến đâu, làm đất gieo cấy đến đó” đảm bảo đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống. Xây dựng kế hoạch điều tiết nước theo vùng, liên vùng, cấp nước luân phiên vào các giai đoạn cần thiết của cây lúa; đảm bảo đủ nước tưới, nhất là giai đoạn làm đòng, trổ bông.
Chủ động rà soát các diện tích ruộng lúa thiếu nước không thể sản xuất hoặc sản xuất lúa hiệu quả thấp để vận động người dân chuyển đổi sang các cây trồng cạn như đậu xanh, ngô, dưa hấu, mè… hoặc các hình thức sản xuất khác phù hợp.
Tổ chức nạo vét các kênh mương, bờ vùng, bờ thửa; tiến hành kiểm tra và sửa chữa, tu bổ công trình. Quản lý chặt chẽ nguồn nước, vận hành hợp lý các công trình, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu cây trồng. Phân loại diện tích và các loại cây trồng để có thứ tự ưu tiên cấp nước tưới, rút ngắn thời gian các đợt tưới, thực hiện tưới luân phiên, tưới ẩm.
Các đơn vị trong ngành nông nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thiếu nước, sử dụng giống ngắn ngày, mùa vụ, kỹ thuật gieo trồng và phòng chống sâu, bệnh.
Phân công cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, để chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn các địa phương các giải pháp chăm sóc cây trồng ứng phó với nắng nóng, hạn hán, mặn xâm nhập. Xây dựng phương án và kịch bản chống hạn đồng bộ, phù hợp, đảm bảo mục tiêu cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong điều kiện hạn hán xảy ra.