Điều chỉnh quy hoạch theo yêu cầu phát triển
Đối với quy hoạch chung xây dựng xã, thực hiện rà soát, cập nhật, bổ sung cho phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng huyện được phê duyệt; Rà soát, bổ sung, điều chỉnh các nội dung quy hoạch theo theo yêu cầu phát triển của xã, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các giải pháp cải thiện, nâng cao cảnh quan và môi trường; Phát triển các điểm dân cư trung tâm xã trở thành một trong các điểm dân cư có tiềm năng nhất của xã; Phát triển xây dựng hạ tầng đầu mối ngoài khu dân cư đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn và sinh hoạt người dân.
Đối với quy hoạch xây dựng vùng huyện, phải xác định được các tiểu vùng sản xuất trong huyện trên cơ sở các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn và sản xuất hàng hóa đặc thù khác; Hình thành và xác định các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất cấp huyện gắn với các thị trấn, trung tâm cụm xã, các cụm công nghiệp và các thị tứ gắn kết thuận lợi với hệ thống hạ tầng khung, bảo đảm phục vụ cho tiểu vùng trong huyện nhằm phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ, gắn với vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn trong tiểu vùng;
Xác định các điểm dân cư trên địa bàn huyện có tiềm năng phát triển để tập trung đầu tư, xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu bố trí dân cư mới phát triển hàng năm trên địa bàn xã. Trong phạm vi một xã, số điểm dân cư có tiềm năng phát triển lên từ 2-5 điểm; Xác định hạ tầng khung như; giao thông, cấp nước tập trung, cấp điện, thoát nước và vệ sinh môi trường, thông tin liên lạc… bảo đảm liên kết thuận tiện giữa các điểm trung tâm, các điểm dân cư có tiềm năng phát triển và với địa bàn sản xuất, đảm bảo điều kiện phục vụ tốt người dân.
Đối với quy hoạch xây dựng nông thôn, quản lý cảnh quan, định hướng không gian quy hoạch cảnh quan nông thôn cần chú trọng đến bảo tồn, chỉnh trang các không gian làng, xã vốn có trước đây; Căn cứ điều kiện địa lý của từng vùng, mỗi địa phương để lập quy hoạch, xây dựng cảnh quan bảo đảm phù hợp, nhưng vẫn tạo nên sự hài hòa và thân thiện với môi trường; Xác định các khu vực cảnh quan trọng tâm để tạo điểm nhấn và nét độc đáo riêng có đối với mỗi xã nông thôn mới nâng cao cũng như nông thôn mới kiểu mẫu; Có định hướng bảo vệ và gìn giữ những nét truyền thống của thôn bản xưa, tạo dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng thôn xã .
Các văn bản pháp luật cần hoàn thiện phương pháp quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo hướng quy hoạch tích hợp và nâng cao năng lực thực hiện theo hướng dẫn của Luật Quy hoạch năm 2017. Nội dung đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn được lập và phê duyệt trước đây phải điều chỉnh phù hợp với các quy định pháp luật mới, các Đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Ưu tiên tập trung nguồn lực cho công tác quy hoạch.
Tiêu chí nhà ở nông thôn mới
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đặt ra nhiệm vụ trọng tâm về nhà ở trong phát triển nông thôn mới. Trong đó, xã, huyện được công nhận đạt tiêu chí nhà ở nông thôn mới khi đáp ứng đủ 02 yêu cầu: Trên địa bàn không còn nhà ở đơn sơ, thiếu kiên cố; Đạt mức quy định tối thiểu của vùng về tỷ lệ hộ gia đình có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng.
Nhà ở là công trình xây dựng được dùng để ở, bao gồm 03 bộ phận: nền - móng, khung - tường, mái.
Vật liệu bền chắc gồm bê tông cốt thép, gạch/đá, sắt thép, gỗ bền chắc. Ngoài những vật liệu nêu trên, đối với phần mái thì ngói, tôn lợp giả ngói, tôn lạnh, tôn cách nhiệt, tôn cán sóng và có kết cấu đỡ chắc chắn (thép, gỗ bền chắc) liên kết chặt với tường xây, cột bê tông cốt thép thì mái trong trường hợp này được coi là vật liệu bền chắc.
Nhà ở đơn sơ là loại nhà có cả 3 thành phần cấu thành chủ yếu không được xếp vào loại bền chắc hoặc xây dựng bằng các vật liệu tạm thời có tuổi thọ ngắn, dễ cháy, không đảm bảo ‘‘3 cứng’’ (nền cứng, khung cứng, mái cứng), thiếu diện tích ở, bếp, hố xí hợp vệ sinh, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Nhà ở thiếu kiên cố là nhà ở có 01 trong tổng số 03 bộ phận cấu thành chủ yếu (gồm: móng, khung - tường, mái) được xếp vào loại bền chắc hoặc 02 trong tổng số 03 bộ phận không đảm bảo “3 cứng”.
Nhà ở nông thôn đạt chuẩn phải đảm bảo các yêu cầu: Nhà ở nông thôn phải đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng). Các bộ phận nền, khung, mái của căn nhà phải được làm từ các loại vật liệu có chất lượng tốt, không làm từ các loại vật liệu tạm, mau hỏng, dễ cháy.
Căn cứ theo điều kiện thực tế trên địa bàn, các bộ phận nhà ở có thể làm bằng các loại vật liệu địa phương có chất lượng tương đương, đảm bảo thời hạn sử dụng. Các địa phương xác định chủng loại vật liệu địa phương cụ thể, báo cáo Bộ Xây dựng xem xét quyết định.
Đối với khu vực đồng bằng diện tích ở tối thiểu đạt từ 14m2/người trở lên; khu vực trung du, miền núi diện tích ở tối thiểu đạt 10m2/người trở lên. Diện tích tối thiểu một căn nhà từ 30m2 trở lên. Đối với hộ đơn thân, diện tích tối thiểu một căn nhà từ 18m2 trở lên.
Niên hạn sử dụng công trình nhà ở từ 20 năm trở lên; Đối với nhà ở đã, đang thực hiện hỗ trợ theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì niên hạn sử dụng lấy theo quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đó.
Các công trình phụ trợ (bếp, hố xí, chuồng trại chăn nuôi...) phải được bố trí đảm bảo vệ sinh, thuận tiện cho sinh hoạt; Kiến trúc, mẫu nhà ở phù hợp với phong tục, tập quán, lối sống của từng dân tộc, vùng miền.
Việc xác định 02 nhiệm vụ trọng tâm về quy hoạch và nhà ở trong năm 2022 của Bộ Xây dựng là phù hợp với nhiệm vụ quản lý nhà nước và cũng gắn liền với yêu cầu phát triển bền vững của nông thôn mới ngày nay.