Nhận thấy trong lá tre có nhiều hoạt chất quý như: alkaloids, phenolics, strerols, lignins, tinh dầu... công dụng chống oxy hóa, giảm viêm, giảm hấp thụ UV, giảm quá trình melanine hóa da, làm lành tổn thương, nhóm nghiên cứu của ThS. Chí Thành đã nghiên cứu công nghệ cố định các hoạt chất dịch chiết thực vật trong hỗn hợp dầu có tính thấm nhanh qua da và thử nghiệm công nghệ này trong việc sản xuất gel trị viêm da từ chiết xuất của lá tre.
Trang Khoa học và Phát triển giới thiệu quy trình sản xuất gel trị viêm da từ lá tre như sau: Lá tre Bambusa Vulgaris được rửa sạch, phơi khô, nghiền nhỏ, sau đó dùng dung môi (nước cất, ethanol) để chiết xuất các hoạt chất, rồi ủ lạnh ở nhiệt độ 4ºC trong 10 ngày và lọc lấy dung dịch dịch chiết lá tre.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu sử dụng các loại dầu (dừa, gấc, oliu, nghệ), nhũ tương (hệ phân tán của hai chất lỏng không hòa tan được với nhau), bổ sung thêm chất mang háo nước (đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ - FDA chấp nhận sử dụng trong sản xuất mỹ phẩm), đem ủ ở nhiệt độ thường và khuấy đều hằng ngày, trong một tháng rồi lọc và tách lấy lớp dung dịch có dầu.
Tiếp đó, nhóm dùng hỗn hợp dung dịch dầu này, phối trộn với dịch chiết từ lá tre nói trên và vaselin (có tác dụng dưỡng ẩm, dưỡng da), sau đó hòa tan ở nhiệt độ 50 độ C, thu được sản phẩm gel trị viêm da (nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, hoặc viêm da cơ địa...).
Sản phẩm được thử nghiệm trên da của 9 tình nguyện viên mắc viêm da cơ địa (2 nhẹ, 3 trung bình và 4 nặng), bao gồm cả trẻ em và người lớn, tổng cộng 3 lần 1 ngày trong 3 tháng. Kết quả cho thấy, 8/9 người đã hết triệu chứng viêm da sau 3 tháng.
Công nghệ sản xuất của nhóm tác giả đã đoạt giải quán quân Cuộc thi Tìm kiếm tài năng quốc tế năm 2021 do trường Đại học Leipzig (Đức) tổ chức.
Kết quả nghiên cứu và thử nghiệm về sản phẩm đã được công bố trong bài báo “A case series evaluating the efficacy of herbal oil-based Bambusa vulgaris (Bamboo) leaf extracts as a topical treatment for atopic dermatitis” trên tạp chí Phytomedicine Plus.
Sản phẩm gel được Sở Y tế Long An công bố đạt các tiêu chuẩn của Hiệp định mỹ phẩm ASEAN lưu hành trên thị trường dưới dạng mỹ phẩm. Tuy nhiên để sản phẩm đến gần với người dân hơn, nhóm tác giả nghiên cứu mong muốn có các đơn vị đầu tư để giảm giá thành sản xuất. Hiện chi phí và giá bán ra thị trường khoảng 2 triệu đồng cho hũ 50 g.