|
  • :
  • :

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao: Có chạy theo phong trào?

Gần đây, Bắc Giang đã hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), tạo chuyển biến trong tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, thu hút đầu tư và mức độ ứng dụng CNC còn hạn chế, đòi hỏi cần có giải pháp khắc phục.

Thành công bước đầu

Huyện Yên Dũng được đánh giá là điểm sáng thu hút, ứng dụng CNC vào lĩnh vực trồng trọt với 50 mô hình sản xuất trong nhà màng, nhà lưới. Mỗi mô hình quy mô từ 2 nghìn m2 trở lên, tổng diện tích đạt 12 ha. Sản phẩm được các doanh nghiệp (DN) hợp đồng tiêu thụ, giá bán cao, ổn định; doanh thu đạt từ 800 triệu - 1,5 tỷ đồng/mô hình/năm, tạo nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương. 

nông nghiệp công nghệ cao, theo phong trào, Bắc Giang, nông nghiệp,

Chăm sóc dưa trong nhà màng tại HTX Rau sạch Yên Dũng.

Trong đó, HTX Rau sạch Yên Dũng là một trong những mô hình tiêu biểu. Ông Lưu Xuân Kiên, Phó Giám đốc HTX cho biết, đơn vị tổ chức sản xuất tại nhiều địa phương trong tỉnh với tổng diện tích 50 ha. Riêng ở Yên Dũng có 3 khu, rộng 20 ha, tại các xã: Đức Giang, Tiến Dũng, Tư Mại. 

Trong đó, có 6 ha nhà màng, nhà lưới tại xã Tiến Dũng. Với phương châm “hiệu quả kinh tế nằm ở chất lượng đầu tư” nên HTX đầu tư xây dựng hơn 1,3 tỷ đồng/mô hình nhà màng 2 nghìn m2, bảo đảm hạ tầng sản xuất đồng bộ, chống giông bão, độ bền hơn 10 năm. Cao hơn các mô hình cùng loại khác từ 300 - hơn 500 triệu đồng. 

Hiện HTX có 10 kỹ sư nông nghiệp và 40 lao động thường xuyên. Thời kỳ cao điểm, sử dụng hơn 60 lao động, mức thu nhập từ 5,5 triệu - 20 triệu đồng/người. Mỗi ngày, HTX cung ứng cho hệ thống siêu thị Vinmart và BigC từ 4 đến hơn 10 tấn rau, củ quả, doanh thu từ 55-150 triệu đồng/ngày. Ngoài ra, HTX còn liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nhiều đơn vị sản xuất rau trong tỉnh.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, giai đoạn từ 2016 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng 766 mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC, gồm: 332 mô hình trồng trọt, 200 mô hình chăn nuôi, 210 mô hình thủy sản, 24 mô hình lâm nghiệp, với các sản phẩm: Rau an toàn, rau chế biến, hoa cao cấp, nấm, cây có múi, vải thiều, chè; chăn nuôi gà thịt ở Yên Thế, lợn ở Hiệp Hòa; nuôi cá thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất cây giống lâm nghiệp… 

 

Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng 766 mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC. Trong đó có 332 mô hình trồng trọt, 200 mô hình chăn nuôi, 210 mô hình thủy sản và 24 mô hình lâm nghiệp.

 

Các mô hình đều có liên kết tiêu thụ sản phẩm với DN, HTX theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều nông sản chủ lực của tỉnh sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trở thành sản phẩm OCOP, như: Vải thiều Lục Ngạn, rau sạch Yên Dũng, gà đồi Yên Thế, thịt lợn sạch Tân Yên… tiêu thụ thuận lợi ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích ứng dụng CNC bình quân đạt 220-250 triệu đồng/ha/năm, cao hơn từ 2-2,5 lần so với sản xuất thông thường. Trong đó, mô hình trong nhà lưới, nhà màng đạt từ 700 triệu - 1,2 tỷ đồng/ha/năm. Năng suất cây trồng, vật nuôi và giá trị gia tăng tăng từ 30-40% so với 5 năm trước.

Khắc phục hạn chế

nông nghiệp công nghệ cao, theo phong trào, Bắc Giang, nông nghiệp,

Mô hình nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP tại hộ anh Dương Văn Vạn, thôn Dinh Thẳm, xã Cao Xá (Tân Yên).

Để thu hút nguồn lực vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp CNC, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh ứng dụng, hỗ trợ, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; quy định cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2025, với nhiều ưu đãi và mức kinh phí cụ thể đối với các lĩnh vực: Tích tụ đất nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng đường, kênh mương nội đồng; xây nhà lưới, nhà màng, nhà sơ chế, kho lạnh; xây dựng thương hiệu, bao bì đóng gói và tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Tuy nhiên, nghị quyết ban hành chỉ hỗ trợ mô hình rau và hoa, chưa có chính sách hỗ trợ CNC đối với chăn nuôi. Thực tế DN vào thuê đất nông nghiệp với diện tích lớn tại Bắc Giang rất khó. Ví như, Tập đoàn T&T Group, hay Công ty CP chế biến thực phẩm G.O.C vào khảo sát tại Tân Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang muốn thuê khoảng 100 ha đất để sản xuất nông nghiệp CNC nhưng không được.

Nguyên do là người dân không đồng ý cho thuê. Việc phối hợp của chính quyền trong việc tuyên truyền để người dân hiểu rõ chính sách đầu tư vào nông nghiệp và kết nối giữa người dân với DN chưa hiệu quả.

Hiện có nhiều mô hình CNC không hiệu quả, đặc biệt là các mô hình sản xuất trong nhà màng, nhà lưới. Mục tiêu tỉnh hỗ trợ xây dựng các mô hình này để trồng cây rau, củ quả ngắn ngày, hoa chất lượng cao nhưng nhiều HTX như: HTX Nông nghiệp tổng hợp Minh Tâm (Việt Yên), HTX Dịch vụ hoa và rau sạch xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) hay HTX Sản xuất rau an toàn Lục Nam đã đưa nho, ngô, lạc… vào trồng. 

Do sản xuất không hiệu quả nên hàng chục nhà lưới ở xã Việt Tiến mới đầu tư năm 2018 đến nay đã hư hỏng, nhiều nhà màng trên địa bàn huyện Việt Yên cũng hoạt động kém hiệu quả. Đại diện lãnh đạo UBND huyện Việt Yên cho biết, nguyên nhân do đầu tư ồ ạt, chạy theo phong trào; thiếu đồng bộ, vốn và kỹ thuật. Các chủ mô hình thiếu liên kết, không tìm được đầu ra cho sản phẩm.

Để tránh làm theo phong trào, ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng đối tượng tham gia cần hiểu rõ CNC phải đồng bộ, khép kín, không chỉ có nhà lưới, nhà màng, mà nó bao gồm từ đối tượng cây trồng, quy trình sản xuất, kỹ thuật, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm đến kết nối thị trường. 

“Sản xuất nông nghiệp CNC không thể một sớm, một chiều có thể thay đổi được vì đây là quá trình chuyển đổi. Chỉ khi công nghiệp phát triển mạnh, nông dân rút ra khỏi nông nghiệp để làm công nhân thì khi đó việc tích tụ ruộng đất dễ hơn, nông nghiệp CNC sẽ chuyển đổi theo”, ông Tùng nói.

Phát triển nông nghiệp CNC là xu thế tất yếu nên các địa phương cần tiếp tục chủ động mời gọi DN, tuyên truyền để người dân hiểu rõ về nông nghiệp CNC, đặc biệt là trong khâu quy hoạch, tích tụ ruộng đất, sẵn sàng hạ tầng cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cũng cần có cơ chế chính sách hỗ trợ để phát triển CNC hài hòa trên các lĩnh vực trong ngành thì việc chuyển đổi, tái cơ cấu mới bền vững.

Bài, ảnh: Thế Đại

 

Nguồn: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/366309/san-xuat-nong-nghiep-cong-nghe-cao-co-chay-theo-phong-trao-.html