Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở một số nơi không ngừng tăng lên
Theo cử tri, hiện nay, người dân có sự so bì vì nhiều địa phương chấp hành tốt chủ trương của tỉnh, trong khi một số hộ dân ở một vài địa phương lại phớt lờ sự vận động, xử lý của chính quyền về việc đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng (nuôi tôm nước mặn), thậm chí là có sự buông lỏng quản lý, khiến diện tích nuôi tôm ở một số nơi chẳng những không giảm mà ngày càng tăng.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Văn Út thông tin, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quản lý việc nuôi tôm thẻ chân trắng tại các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh. Tuy nhiên, thực tế diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tại các địa phương này vẫn tiếp tục tăng.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức điều tra, thống kê, đánh giá hiệu quả kinh tế của tất cả các hộ nuôi tôm và thu mẫu đất, nước trong ao nuôi, ao thải và kênh, rạch xung quanh để phân tích chất lượng nhằm đánh giá sự thay đổi của chất lượng đất, nước khu vực nuôi tôm so với môi trường bên ngoài.
Vì lợi nhuận trước mắt, nhiều người dân ngang nhiên đào ao nuôi tôm nước mặn bất chấp tác động đến môi trường
Trong tháng 11/2021, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp để nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả thực hiện và ý kiến các sở, ngành, địa phương có liên quan, từ đó đưa ra giải pháp quản lý tốt hơn hoạt động nuôi tôm thẻ chân trắng tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Văn Út, UBND tỉnh sẽ sớm ban hành văn bản chỉ đạo cụ thể hơn nhằm giải quyết có hiệu quả việc nuôi tôm thẻ chân trắng, cũng như chấn chỉnh công tác quản lý nuôi tôm thẻ tại các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười, tránh sự so bì giữa các địa phương và cử tri, nhân dân./.
Hoàng Trà