|
  • :
  • :

Siết chặt quản lý vật tư nông nghiệp

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang xảy ra 59 vụ vi phạm kinh doanh vật tư nông nghiệp (VTNN). Trước thực trạng này, các lực lượng của Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để vật tư kém chất lượng gây thiệt hại cho sản xuất.

Gia tăng vi phạm

Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng của Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường kiểm tra, lấy mẫu phân tích, xử lý vi phạm liên quan đến kinh doanh VTNN. Qua kiểm tra, dù các cơ sở đều có đầy đủ giấy tờ liên quan song do điều kiện bảo quản chưa tốt dẫn đến chất lượng vật tư bị ảnh hưởng. 

Bắc Giang, Siết chặt, quản lý, vật tư, nông nghiệp

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hiệp Hòa kiểm tra Chi nhánh VTNN Hiệp Hòa về điều kiện bảo quản phân bón.

Tại hầu hết các cơ sở, đại lý kinh doanh, khu vực để vật tư được bố trí thiếu ngăn nắp, nhiệt độ kho không bảo đảm; nhiều loại phân bón để dưới nền nhà, thùng đựng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không được tập kết đúng nơi quy định, nguy cơ thẩm thấu ra môi trường cao. 

Kiểm tra đại lý Tiến Nguyệt, xã Đông Phú (Lục Nam), đoàn kiểm tra của Chi cục Trồng trọt và BVTV xác định khu vực bảo quản chật hẹp, các loại vật tư chất cao gần đến mái nhà giữa thời tiết nắng nóng. Trong khi nhiệt độ để phân bón giữ được chất lượng là dưới 30 độ C. 

Kho bảo quản không đủ tiêu chuẩn khiến phân bón hữu cơ Bông lúa vàng 01 đang tập kết tại đại lý này không đạt chất lượng. Tương tự, qua kiểm tra, lấy mẫu thuốc BVTV loại Topvil 111 SC tại cơ sở kinh doanh của ông Nguyễn Văn Đại, thị trấn Chũ (Lục Ngạn), Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT phát hiện loại thuốc này có hàm lượng hoạt chất Hexaconazole chưa bằng một nửa so với công bố (53,7 g/l so với công bố là 111 g/l). 

“Kiểm tra cơ sở nhà ông Đại và một số cửa hàng khác, nhiều loại VTNN được nhập về từ lâu, điều kiện bảo quản chưa đúng khiến vật tư bị giảm chất lượng”, ông Vũ Đắc Biên, Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT nói.

7 tháng qua, lực lượng chức năng Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra, phát hiện và xử lý 59 vụ vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh VTNN, tăng 8 vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Thanh tra Sở kiểm tra 89 cơ sở, phát hiện 38 vụ vi phạm; tổ công tác của Chi cục Trồng trọt và BVTV xử lý 21 trường hợp. Tổng số tiền xử phạt gần 330 triệu đồng, cao hơn cùng kỳ năm ngoái gần 50 triệu đồng. 

Đáng chú ý, hai tháng gần đây có gần 20 trường hợp bị xử phạt với các lỗi như: Phân bón không có trong danh mục, chưa được phép lưu hành tại Việt Nam, ghi sai nhãn hàng hóa, không đạt tiêu chuẩn công bố áp dụng... 

Mới đây, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT ra quyết định xử phạt 10 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Trừ mối và Khử trùng khu vực 1 (TP Bắc Giang) do cung cấp phân bón Poly Sulphate cho các hộ dân tham gia mô hình trồng bưởi hữu cơ tại xã Bình Sơn (Lục Nam) khi sản phẩm này chưa được phép lưu hành tại Việt Nam. 

Bắc Giang, Siết chặt, quản lý, vật tư, nông nghiệp

Phân bón Poly Sulphate do Công ty cổ phần Trừ mối và Khử trùng khu vực 1 (TP Bắc Giang) cung ứng khi chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.

Ngày 9/6, Công ty cổ phần Nông dược Unichem Việt Nam có trụ sở tại quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) bị phạt 8 triệu đồng về hành vi phân phối, buôn bán thuốc BVTV loại MYCIN USA 78WP có hàm lượng chất Ningnanmycin thấp hơn so với công bố.

Lấy mẫu phân tích, hướng dẫn bảo quản

Bắc Giang có 151 vùng sản xuất lúa tập trung, 77 vùng sản xuất rau, 41 vùng sản xuất vải, 38 vùng cây ăn quả, 73 vùng chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò... Nhu cầu sử dụng phân bón, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi của nông dân rất lớn. Toàn tỉnh có hơn 2 nghìn cơ sở kinh doanh VTNN, trong đó có 1,2 nghìn cơ sở chuyên bán thuốc BVTV, còn lại là kết hợp bán phân bón, thức ăn chăn nuôi. 

Theo chủ một số cơ sở kinh doanh, năm nay giá phân bón, thuốc BVTV tăng cao do giá nguyên liệu đầu vào nhập khẩu tăng, nông dân giảm đầu tư dẫn đến hàng hóa tồn đọng nhiều. 

"Năm nay tôi vẫn nhập lượng hàng hóa tương đương năm ngoái. Vì nhu cầu tiêu dùng giảm nên lượng hàng bán ra chỉ bằng 60% so với trước. Sản phẩm đã nhập về nên buộc phải bảo quản tại kho của gia đình, chất lượng một số mặt hàng không còn như lúc đầu", một hộ kinh doanh ở xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) chia sẻ.

 

Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng phát hiện và xử lý 59 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh VTNN, tăng 8 trường hợp so với cùng kỳ. Đáng chú ý, hai tháng gần đây có gần 20 trường hợp bị xử phạt với các lỗi như: Phân bón không có trong danh mục, chưa được phép lưu hành tại Việt Nam, ghi sai nhãn hàng hóa, không đạt tiêu chuẩn công bố áp dụng...

 

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tính toán, nhập lượng hàng phù hợp để vừa cung ứng đủ cho người dân, vừa hạn chế hàng tồn kho. 

Đại lý kinh doanh phân bón, thuốc BVTV Tuấn Mão, thôn Tiên Do, xã Bảo Sơn (Lục Nam) chỉ nhập hàng rồi giao về các cơ sở trước khi vụ mới bắt đầu hoặc cao điểm chăm sóc cây trồng. Với những cơ sở còn lượng lớn hàng hóa chưa tiêu thụ được, đại lý sẵn sàng nhận lại để đưa vào kho bảo quản. 

Chi nhánh VTNN Hiệp Hòa thường xuyên khảo sát nhu cầu của người dân thông qua 180 đại lý. Căn cứ tình hình thực tế, đơn vị sẽ nhập lượng hàng tương ứng, bảo đảm không có mặt hàng nào tồn kho quá 15 ngày. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, Chi nhánh cung ứng ra thị trường hơn 3 nghìn tấn phân bón các loại, tất cả đều bảo đảm chất lượng.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, việc gia tăng các vụ vi phạm một phần là do các đơn vị của Sở tăng cường kiểm tra, lấy mẫu, một phần là do chủ cơ sở chưa quan tâm đến điều kiện bảo quản. 

Để hạn chế vi phạm, bảo đảm chất lượng VTNN đến nông dân, cùng với mở các đợt kiểm tra, Sở sẽ yêu cầu đơn vị chuyên môn quan tâm hướng dẫn các hộ bố trí, sắp xếp khu vực kho theo đúng quy định. Với những trường hợp dù đã được hướng dẫn song không khắc phục, đơn vị kiên quyết xử lý.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

 

Nguồn: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/388758/siet-chat-quan-ly-vat-tu-nong-nghiep.html