Tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp giúp nông dân có thu nhập cao
Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương về các sản phẩm nông nghiệp, thủ công, chăn nuôi..., tỉnh Sơn La đã ban hành, thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp nhằm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đưa nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu.
Cây cà phê được trồng ở Sơn La chủ yếu là giống Arabica, trồng tập trung tại các huyện: Mai Sơn, Thuận Châu, Sốp Cộp, Yên Châu và Thành phố và được sơ chế, chế biến thành các sản phẩm: Cà phê nhân, cà phê hạt rang và cà phê bột. Năm 2017, vùng trồng cà phê Sơn La chính thức được trao bằng chứng nhận chỉ dẫn địa lý, thành lập Hội cà phê và gắn kết người trồng cà phê với doanh nghiệp, HTX. Một số doanh nghiệp, HTX đang liên kết với người dân xây dựng vùng nguyên liệu cà phê gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm như: HTX Bích Thao, HTX Ara-Tay Coffee Sơn La, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến.
Mục tiêu đến năm 2025, các doanh nghiệp, HTX và hộ dân đưa một số giống cà phê mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị trường xuất khẩu để phục vụ ghép cải tạo, trồng tái canh cà phê. Áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn sản xuất cà phê bền vững, như: Cà phê hữu cơ; sản xuất cà phê đặc sản... theo yêu cầu của thị trường; 90% sản lượng cà phê tươi được chế biến theo quy mô công nghiệp, 100% các cơ sở chế biến cà phê quả tươi có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường; phấn đấu giá trị xuất khẩu cà phê đạt khoảng trên 100 triệu USD...
Chị Cầm Thị Mòn, Giám đốc HTX Ara-Tay Coffee Sơn La, xã Chiềng Chung (Mai Sơn) đã xây dựng thành công thương hiệu cà phê được chứng nhận tốp 7 toàn quốc về cà phê đặc sản năm 2020. Chị chia sẻ: Khi bắt tay vào xây dựng thương hiệu cà phê Ara-Tay, các thành viên HTX buộc phải thay đổi thói quen "hái xô", hái lẫn tất cả quả chín và quả xanh, sang "hái chọn" những quả cà phê chín cho chất lượng cao. Mọi công đoạn sản xuất cà phê Ara-Tay từ cách thu hái, vận chuyển, rửa hạt, phơi sấy và đóng gói... đều được thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật.
"Năm 2021, HTX Ara-Tay Coffee Sơn La đã ký hợp đồng với 130 hộ dân của 2 xã: Chiềng Chung và Mường Chanh (Mai Sơn) trồng, chăm sóc cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ, đảm bảo số lượng và chất lượng (tỷ lệ quả chín đạt 100%; có máy đo độ đường chính xác). Hiện, HTX đang thu mua cho người dân với giá 14.000 đồng/kg cà phê tươi, cao hơn 3.000 đồng/kg so với giá thị trường", chị Mòn nói.
Còn đối với HTX Thái Tuấn, xóm 7, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) được thành lập năm 2017, HTX đã tập trung nghiên cứu sản xuất và chế biến các sản phẩm từ cá, tạo việc làm, mang lại nguồn thu ổn định cho thành viên và người dân. Năm 2019, sản phẩm cá tép dầu khô của HTX đạt hạng 4 sao của Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" OCOP tỉnh Sơn La.
Trao đổi với phóng viên, Bà Đinh Thị Yến, Giám đốc HTX Thái Tuấn, xóm 7, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) cho biết: Để bảo đảm nguồn nguyên liệu, chúng tôi đã ký hợp đồng với 2 đơn vị chuyên thu mua thủy sản. Cá tép dầu được chế biến theo quy trình: Rửa sạch, đánh vẩy, lọc sạch ruột; mổ theo sống lưng để mật cá không bị vỡ và tạo thành phẩm đẹp. Sau khi sơ chế, cá được tẩm ướp các gia vị như muối, tương ớt, sa tế, đường, bột nghệ... sau 30- 40 phút đem phơi khô. Cứ 5 kg cá tươi sẽ chế biến được 1 kg cá khô. Bình quân mỗi năm, HTX có lợi nhuận gần 1 tỷ đồng.
"Được huyện hỗ trợ 600 triệu đồng, HTX đang tiến hành thi công xây dựng nhà xưởng sơ chế cá rộng 300 m² tại xã Mường Giàng; trang bị hệ thống điện năng lượng mặt trời, máy móc hiện đại theo tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Phối hợp với HTX Hợp Lực, HTX An Bình huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) để bao tiêu sản phẩm cho các hộ nuôi, đánh bắt thủy sản trong huyện, đồng thời thực hiện tốt công tác truyền thông, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường... góp phần từng bước khẳng định thương hiệu cá sông Đà", bà Yến nói.
Sơn La đưa ra nhiều giải pháp tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp
Trong những năm vừa qua mặc dù Sơn La đã có nhiều giải pháp lâu dài để tăng giá trị của sản phẩm sản xuất nông nghiệp, có quy hoạch phát triển đối với các cây trồng, vật nuôi, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, huyện; tăng cường xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trang bị kiến thức, tập huấn kỹ thuật, công cụ lao động cần thiết cho nông dân phục vụ chuyển đổi số, sản xuất nông nghiệp bền vững, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tuy nhiên việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Sơn La vẫn còn nhiều hạn chế.
Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La cho biết: Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Sơn La có 18 nhóm sản phẩm chủ lực, gồm các nhóm sản phẩm cụ thể sau: Thóc, gạo và các sản phẩm từ gạo; Ngô; Sắn; Cà phê; Mủ cao su; Chè; Mía, đường; Rau các loại; Quả tươi các loại; Các sản phẩm chế biến từ quả; Sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm và thủy cầm; Sữa bò; Mật ong; Gỗ và lâm sản ngoài gỗ; Sơn tra; Dược liệu; Thủy sản; Các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Năm 2022 toàn tỉnh Sơn La có 250 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn. Nhiều mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với các hộ nông dân, hợp tác xã trong sản xuất gắn với nhà máy chế biến nông sản đang hoạt động có hiệu quả như: Công ty cổ phần Mía đường Sơn La ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ mía với gần 10.000 hộ; các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết với sản xuất, tiêu thụ cà phê với 12.000 hộ; Công ty cổ phần Giống bỏ sữa Mộc Châu liên kết với gần 469 hộ nông dân trong chăn nuôi và hàng trăm hộ nông dân trong trồng ngộ để phục vụ cho Nhà máy TMR....
Để tăng giá trị của sản phẩm sản xuất nông nghiệp, trong thời gian tới và những năm tiếp theo, tỉnh Sơn La sẽ đẩy mạnh từ xây dựng các "chuỗi cung ứng nông sản" sang phát triển các "chuỗi giá trị ngành hàng". Gắn kết các tác nhân trong chuỗi theo nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm, cùng chia sẻ lợi ích theo mức độ đóng góp giá trị. Tăng cường liên kết 6 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp – nhà băng (ngân hàng) - nhà khoa học - nhà phân phối) với nòng cốt là liên kết nhà nông - nhà doanh nghiệp".
Xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng và mã vùng nguyên liệu; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Xây dựng và hình thành khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuỗi giá trị. Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cho sản phẩm chăn nuôi; xây dựng chuỗi an toàn dịch bệnh sản phẩm chăn nuôi; triển khai chương trình, dự án cấp mã số vùng truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông lâm thủy sản và thực phẩm của tỉnh.
Đây mạnh thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới làm hình mẫu cho các vùng chuyên canh, đáp ứng các yêu cầu thị trường như nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm thải; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao
Khuyến khích, hỗ trợ phát triển mối liên kết giữa các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, hợp tác xã với các tập đoàn thương mại quốc tế lớn về nông lâm thủy sàn. Hình thành một số khu, cụm công nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp (kho, bến, bãi, nhà máy chế biến, trạm, trại giống...) gắn vùng sản xuất với chế biến, thương mại. Đầu tư nâng cao năng lực chế biến, bảo quản và các dịch vụ logistics cho các vùng chuyên canh chính, tập trung cho các sản phẩm nông sản, thủy sản chủ lực của tỉnh.
Triển khai mạnh mẽ chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hình thành và phát triển các ngành nghề sử dụng nhiều lao động gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu thông qua Chương trình thương hiệu quốc gia; đăng ký bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh ở trong và ngoài nước. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hệ thống kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản; đa dạng hóa hệ thống kênh phân phối, tiêu thụ đảm bảo bền vững, ổn định trong đó ưu tiên phát triển thương mại điện tử.
Triển khai hiệu quả, thiết thực công tác quảng bá, xúc tiến thương mại dựa trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Chủ động phòng, chống gian lận thương mại; có các biện pháp phòng vệ phù hợp với cam kết quốc tế và kịp thời xử lý tranh chấp thương mại phát sinh.