Tận dụng lợi thế, nông dân thi đua sản xuất phát triển kinh tế
Những năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi" gắn với xây dựng nông thôn mới được Hội Nông dân các cấp trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai chú trọng triển khai sâu rộng. Từ đó, đã phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất của hội viên nông dân, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao. Hiệu quả rõ nét là phong trào đã giúp nhiều hộ nông dân tăng mức thu nhập, làm giàu chính đáng, giảm nghèo bền vững, góp phần để các địa phương trong huyện thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Sau khi nhà máy thuỷ điện Sơn La tích nước lòng hồ, diện tích đất canh tác nông nghiệp thuộc huyện Quỳnh Nhai bị ngập trên 2.800ha. Tuy nhiên, huyện lại có lợi thế diện tích mặt hồ rộng hơn 10.540ha để phát triển thủy sản. Tận dụng lợi thế này, những năm gần đây huyện Quỳnh Nhai đã chú trọng phát triển, nhân diện nhiều mô hình nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bản Ít, xã Mường Sại, Huyện Quỳnh Nhai, (Sơn La) là bản tái định cư thủy điện Sơn La theo diện di chuyển nội xã vào năm 2007. Cùng với việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, các hội viên nông dân bản Ít đã phát huy lợi thế vùng lòng hồ để nuôi cá lồng và đánh bắt thủy sản. Các hộ đã liên kết thành lập hợp tác xã (HTX) thủy sản, tham gia nuôi tập trung, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc nhằm nâng cao chất lượng, năng suất, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Anh Tòng Văn Loán, Giám đốc HTX thủy sản Ngọc Hùng Cho biết: HTX Ngọc Hùng, Xã Mường Sại, Huyện Quỳnh Nhai, (Sơn La) được thành lập tháng 3/2017, với 14 thành viên, nuôi 162 lồng cá; nuôi chủ yếu các loại cá trắm, lăng, chép, rô phi, nheo, trê… Để nuôi cá đạt hiệu quả, tạo ra sản phẩm sạch, năng suất chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng, HTX đã tận dụng rau củ, bột ngô, sắn, cỏ voi VA06 tự trồng trên nương, ven lòng hồ, làm vó bè để lấy cá tạp làm thức ăn cho cá. Hàng năm HTX đã thu được hơn 20-30 tấn cá các loại với giá từ 70 - 80 nghìn đồng/kg, tùy từng loại cá khác nhau, đem lại doanh thu nhập hàng tỷ đồng.
"Các thành viên trong HTX tập trung nuôi cá theo quy trình VietGAP, áp dụng từ khâu chọn cá giống, mật độ thả cá, lựa chọn thức ăn… Qua đó, tạo ra các sản phẩm có chất lượng sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, từng bước xây dựng thương hiệu cá lồng của HTX. Năm 2019, sản phẩm cá lồng của HTX thủy sản Ngọc Hùng đã được công nhận đạt chuẩn VietGAP" ông Loán nói.
Đẩy mạnh Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi"
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Thanh Bình, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai, Sơn La cho biết: Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là một trong ba phong trào thi đua lớn, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động. Xác định đây là phong trào trọng tâm, trong những năm qua, các cấp Nông dân huyện Quỳnh Nhai thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, khuyến khích, động viên hội viên, nông dân đổi mới tư duy, mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm; khai thác tiềm năng, thế mạnh về vốn, lao động, đất đai đầu tư cho sản xuất kinh doanh vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Từ phong trào, nhiều hộ SXKDG đã phát triển thành doanh nghiệp, công ty tư nhân trong sản xuất nông nghiệp và kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động nông thôn. Trong giai đoạn 2017-2022 đã có 3.490 hộ đăng ký và có 1.767 hộ đạt hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế mặt hồ huyện tuyên truyền, hỗ trợ người dân phát triển nuôi cá lồng; cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của tỉnh liên quan đến phát triển thủy sản, xây dựng HTX... Nhờ đó, số lượng các HTX thủy sản trong huyện ngày càng tăng. Tính đến 8/ 2022 trên đại bàn huyện Quỳnh Nhai đã có 44 hợp tác xã (HTX) nuôi trồng thủy sản, với tổng số gần 7.000 lồng cá, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt ước đạt đạt 2.600 tấn thủy sản/năm; 10 HTX và 1 doanh nghiệp được trao quyền sử dụng Giấy chứng nhận thương hiệu "Cá sông Đà" do Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp.
Ngoài ra, Hội còn vận động hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trên những đồi nương vốn chỉ trồng cây ngô, cây sắn trước đây, nay vận động người nông dân chuyển sang trồng cây ăn quả để nâng cao giá trị kinh tế và tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Điển hình là mô hình trồng mận hậu, mận tam hoa, đào địa phương, chanh leo, cam, xoài, su su... với diện tích trên 78 ha tại xã Chiềng Khay, Mường Giôn... Những mô hình này không chỉ giúp người nông dân nâng cao thu nhập mà còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, bảo vệ môi trường rừng, chống sói mòn, sạt lở đất, hiện đang phát triển tốt.
Thời gian tới, các cấp Hội nông dân trên địa bàn huyện tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Tập trung chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa gắn với thị trường nhằm nâng cao chất lượng đời sống nông dân, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của toàn huyện.
Nông thôn Tây Bắc: Nông nghiệp Quỳnh Nhai nỗ lực vượt khó
09/01/2022 16:43Quỳnh Nhai (Sơn La): Bàn giải pháp thích ứng, linh hoạt, an toàn với dịch Covid-19
28/12/2021 21:31Huyện Quỳnh Nhai được định hướng phát triển du lịch tổng thể, bài bản
08/04/2021 10:59Nông dân Quỳnh Nhai: Thêm thu nhập từ nghề làm cá khô sông Đà
15/03/2021 07:56