Hợp tác xã đã phát triển cả về số lượng và chất lượng
Là tỉnh miền núi nên xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới của các xã trong tỉnh còn thấp. Trong đó, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, giá trị hàng hoá chưa cao, chưa hình thành được vùng sản xuất, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn thấp, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn cao…
Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Sơn La đã đạt được kết quả trên các lĩnh vực, trong đó phải kể tới lĩnh vực nông nghiệp khi mà vai trò của các hợp tác xã đã được phát huy hiệu quả.
Hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết XIII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới kinh tế tập thể, khu vực kinh tế tập thể của Sơn La đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Trong đó, hoạt động khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã phát triển cả về số lượng và chất lượng với 744 hợp tác xã, sáu liên hiệp hợp tác xã với 2.500 cán bộ quản lý và hơn 30.000 thành viên. Trong đó có 665 hợp tác xã thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 được ban hành, số lượng các hợp tác xã hoạt động hiệu quả tăng lên rõ rệt, chiếm trên 70% đối với các hợp tác xã nông nghiệp. Do đó, sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vai trò của hợp tác xã được thể hiện rõ nét, nhất là các hợp tác xã nông nghiệp. Trong đó, hoạt động của các hợp tác xã còn góp phần vào thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm nghèo, an sinh xã hội thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Điển hình như Hợp tác xã Phương Nam, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng (Yên Châu - Sơn La), được thành lập từ năm 2016 gồm 7 thành viên, hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu là trồng cây ăn quả và chăn nuôi lợn.
Sau gần 3 năm hoạt động thì hợp tác xã tiếp nhận thêm ba thành viên và hiện tại hợp tác xã có 10 thành viên với diện tích cây trồng, cây ăn quả là 100 ha trong đó có 85 ha trồng nhãn ghép, 10 ha trồng xoài Đài Loan và 5 ha trồng chuối, bưởi da xanh, mận hậu.
Ngoài ra, hợp tác xã còn có 4/10 hộ thành viên chăn nuôi hơn 2.500 con lợn thương phẩm theo quy trình chăn nuôi khép kín. Ngoài việc có tổng thu nhập gần 50 tỷ đồng trong năm 2021, hợp tác xã còn giải quyết được việc làm cho hơn 50 lao động địa phương. Qua đó, góp phần cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện tốt tiêu chí thu nhập, hộ nghèo và hình thức tổ chức sản xuất.
Bên cạnh đó, hợp tác xã còn thực hiện chi trả đầy đủ chế độ tiền lương, bảo hiểm, tặng quà động viên trong các dịp lễ, tết. Góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống an sinh của người dân trên địa bàn. Tạo điều kiện hướng dẫn, nhân rộng mô hình kinh tế cho bà con nông dân trong vùng và địa phương.
Hợp tác xã đứng ra liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản cho người dân
Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Sơn La Lê Tiến Lợi thông tin: Trong quá trình tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các hợp tác xã của Sơn La đã góp sức xây dựng và phát triển được các sản phẩm tiềm năng, chủ lực, có lợi thế so sánh của mỗi huyện, thành phố và của tỉnh.
"Hiện các hợp tác xã của Sơn La đang nỗ lực hoàn thiện việc truy xuất nguồn gốc đối với 83 sản phẩm thuộc Chương trình OCOP với mục tiêu đảm bảo công khai, minh bạch thông tin quá trình sản xuất nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm OCOP.
Qua đó, đã và đang góp phần giúp nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân trên địa bàn tỉnh về truy xuất nguồn gốc. Đến nay trên địa bàn tỉnh Sơn La có 25 sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 5 sao được sản xuất ra từ hoa, quả, cà phê…", Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Sơn La nói.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhấn mạnh: Các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm, đã và đang góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành trồng trọt và thúc đẩy sản xuất nguyên liệu đáp ứng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt hoặc các tiêu chuẩn tương đương, góp phần phục vụ xuất khẩu, cung cấp nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn.
Theo ông Công, vai trò của các hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới được thể hiện rõ khi các hợp tác xã đã cùng với cấp uỷ, chính quyền các cấp xây dựng, phát triển các sản phẩm tiềm năng, chủ lực, có lợi thế so sánh của địa phương, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động mỗi năm.
Cùng với giải quyết việc làm cho hàng ngàn xã viên và người lao động ở các xã, bản qua các năm, các hợp tác xã còn đứng ra liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, giúp nâng cao lợi ích của các thành phần tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là đối với những người nông dân.
Qua đó, đã tiến tới hạn chế được tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, giảm được tình trạng "Được mùa, mất giá, được giá mất mùa".
Tiếp tục phát huy vai trò trong xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới các hợp tác xã của Sơn La đã xây dựng các giải pháp trong đổi mới hoạt động, mở rộng quy mô sản xuất; đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị, tạo động lực cho quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; tiếp tục góp sức trong việc xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn.
Nghe những giám đốc hợp tác xã ở Sơn La kể chuyện khởi nghiệp làm giàu
05/06/2022 10:31Hợp tác xã phát triển kinh tế tập thể với mục tiêu kép
10/10/2022 07:00Liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP cho hợp tác xã
11/09/2022 18:00Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Xây dựng hợp tác xã trồng ngô ở Tây Nguyên để chủ động nguyên liệu thức ăn chăn nuôi
04/08/2022 07:26Một xã ở Yên Bái có 300 hộ dân nuôi loài ba ba to bự vừa thành lập Hợp tác xã nuôi con đặc sản
04/07/2022 06:48