Nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - Ấn Độ - đã gây chấn động thị trường gạo toàn cầu kể từ khi ban bố lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng vào tháng 7/2023, thuế xuất khẩu gạo đồ và giá xuất khẩu tối thiểu đối với gạo basmati vào tháng 8/2023. Các nhà nhập khẩu gạo trên toàn cầu đã chuyển sang các nhà cung cấp lớn khác, là Thái Lan và Việt Nam, khiến giá chào bán gạo xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam cũng tăng theo.
Sự thiếu vắng gạo trắng Ấn Độ trên thị trường toàn cầu hiện nay nghiêm trọng hơn nhiều so với 15 năm trước. Năm 2008, giá tăng vọt sau khi Ấn Độ (nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới lúc bấy giờ) ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo xay non-basmati. Sau khi dỡ bỏ lệnh cấm vào năm 2011, Ấn Độ đã mở rộng xuất khẩu và trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới ngay năm sau, và duy trì vị thế này cho đến nay.
Năm 2022, lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ cao hơn so với tổng xuất khẩu của 4 nước xuất khẩu lớn tiếp theo cộng lại, và chiếm khoảng 40% thương mại toàn cầu. Ấn Độ liên tục là nhà cung cấp gạo trắng có giá thấp nhất thế giới kể từ năm 2020, đặc biệt là cho khu vực châu Phi cận Sahara. Do vậy, giá gạo tăng mạnh trong thời gian gần đây dự kiến sẽ tác động đặc biệt đến khu vực phụ thuộc vào nhập khẩu này.
Trước lệnh cấm của Ấn Độ, giá gạo trên toàn cầu đã tăng do nhu cầu nhập khẩu mạnh và sản lượng giảm ở một số nước xuất khẩu. Indonesia là nhà nhập khẩu nhỏ trong vài năm qua nhưng dự kiến sẽ tăng gấp đôi lượng nhập khẩu vào năm 2023 do chính phủ đã cho phép nhập khẩu 2 triệu tấn.
Thái Lan và Việt Nam là những nhà cung cấp chính cho thị trường đó nên nhu cầu đối với gạo xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam tăng lên mức cao. Nguồn cung gạo có thể xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam bị hạn chế, lượng tồn trữ ở mức thấp nhất trong vòng vài năm trở lại đây. Trong khi đó, nước láng giềng - Pakistan và Myanmar – bị giảm sản lượng trong niên vụ 2022/23.
Tuy nhiên, mặc dù giá chào bán gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới tăng mạnh, song vẫn thấp hơn một chút so với mức cao kỷ lục của năm 2008. Lý do bởi vì, năm 2008, Ấn Độ cấm xuất khẩu cả gạo trắng và gạo đồ, nhưng hiện nay nước này cho phép xuất khẩu gạo đồ, mặc dù phải chịu mức thuế 20%.
Cho đến nay, mặc dù cấm xuất khẩu gạo trắng, song Ấn Độ đã đưa ra một số ngoại lệ nhỏ cho các thỏa thuận giữa các Chính phủ. Năm 2008, Việt Nam - nước xuất khẩu lớn thứ ba thế giới - cũng tạm thời ngừng ký hơp đồng xuất khẩu mới, là nguyên nhân chính khiến giá gạo Thái Lan tăng cao hơn nữa. Tuy nhiên, năm nay Việt Nam tiếp tục xuất khẩu.
Năm 2008, nhà nhập khẩu hàng đầu thế giới – Philippines - liên tục mua khối lượng lớn hơn khi giá leo thang; nhưng năm nay, họ đang trì hoãn việc mua hàng, chờ giá giảm xuống. Với tất cả những lý do đó, giá gạo thế giới bắt đầu hạ nhiệt, lùi khỏi mức cao kỷ lục từ tuần thứ 2 của tháng 9.
Giá lúa gạo hôm nay ngày 10/10 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chững lại và đi ngang sau phiên điều chỉnh giảm. Tại khu vực An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, lúa OM 18 ở mức 7.900 - 8.100 đồng/kg; Nàng Hoa 9 giá 8.200 - 8.300 đồng/kg; lúa tươi IR 50404 dao động trong khoảng 7.800 - 7.900 đồng/kg; lúa OM 5451 dao động 7.700 - 8.000 đồng/kg; Đài thơm 8 tươi 7.800 - 8.100 đồng/kg; Nàng Nhen (khô) 15.000 đồng/kg; lúa Nhật ổn định 7.800 - 8.000 đồng/kg.
Với lúa nếp, nếp AG (khô) ở mức 9.000 - 9.200 đồng/kg; nếp Long An (khô) còn 9.100 - 9.200 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm đi ngang so với hôm qua. Theo đó, giá gạo nguyên liệu IR 504 dao động quanh mốc 12.20 - 12.2530 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 dao động quanh mốc 14.250 - 14.350 đồng/kg.
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu hôm nay điều chỉnh tăng 5 USD/tấn với gạo 5% tấm. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong phiên giao dịch 9/10, giá gạo xuất khẩu 5% tấm ở mức 618 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn; trong khi đó, giá gạo loại 25% tấm dao động ổn định quanh mức 598 USD/tấn.
Lý giải nguyên nhân khiến giá gạo 5% tấm tăng, nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện nay vụ lúa Hè Thu đã thu hoạch xong, trong khi lúa Thu Đông chưa rộ khiến nguồn cung gạo trắng thông dụng không còn nhiều. Trong khi đó, nhu cầu với mặt hàng này vẫn cao.
Cụ thể từ nay đến cuối năm, thị trường Indonesia có nhu cầu nhập thêm 2 triệu tấn, thị trường Malaysia nhập thêm 1.5 triệu tấn. Điều này khiến gái lúa gạo sẽ tiếp tục neo ở mức cao. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu sẽ khó đạt đỉnh như hồi tháng 8 vừa qua mà chỉ dao động quanh mốc 630 – 650 USD/tấn.