Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm (thứ 2, phải qua) tham quan mô hình điểm 1 triệu hécta lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Hợp tác xã ấp 1 Tân Tây, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa
Cần tuân thủ lịch thời vụ
Từ giữa tháng 11 Dương lịch hàng năm, trên những cánh đồng lúa khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh, người dân lại tất bật vệ sinh đồng ruộng, cày trục đất để gieo sạ lúa ĐX. Nhiều nông dân tươi cười khi trao đổi chuyện đồng áng và hy vọng một vụ mùa thắng lợi.
Ông Nguyễn Văn Bé Hai (xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng) cho biết, so với năm trước, nước lũ năm nay về nhiều hơn nên lượng phù sa trên đồng tương đối nhiều, đây là điều kiện thuận lợi bước đầu để cây lúa phát triển tốt; đồng thời, nông dân cũng “nhẹ” bón phân hơn.
“Do ĐX là vụ lúa quan trọng nhất trong năm nên tôi chú trọng vệ sinh đồng ruộng, trục san phẳng mặt ruộng trước khi gieo sạ để lúa nảy mầm tốt, hạn chế chết lúa giống, đỡ công cấy giặm khi lúa ở giai đoạn mạ. Mặt khác, khi làm đất kỹ, mặt ruộng bằng phẳng thì quản lý nguồn nước trong ruộng cũng dễ dàng hơn. Từ đó, giúp hạn chế cỏ dại và ốc bươu vàng tấn công cây lúa trong giai đoạn 10 ngày đầu sau sạ” - ông Bé Hai cho biết thêm.
Cũng đang bơm nước khỏi ruộng để chuẩn bị xuống giống lúa ĐX, ông Nguyễn Văn Bòn (xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng) chia sẻ: Sau khoảng 2 tháng ngâm lũ, tôi và người dân địa phương tích cực vệ sinh đồng ruộng để gieo sạ theo lịch thời vụ mà ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo.
Những năm gần đây, giá lúa ở mức cao nên càng làm cho nông dân tỉ mỉ hơn ở khâu đầu xuống giống. Hy vọng, giá lúa cuối vụ này cũng sẽ ổn định ở mức cao.
Nông dân huyện Vĩnh Hưng vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị gieo sạ vụ lúa Đông Xuân 2024-2025
Theo kế hoạch, vụ lúa ĐX 2024-2025, nông dân khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh sẽ xuống giống khoảng 190.400ha, phấn đấu đạt sản lượng khoảng 1,3 triệu tấn. Qua khảo sát thực tế, hiện trên nhiều cánh đồng tại huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa,... nông dân đã và đang tích cực bơm rút nước trên ruộng ra ngoài; đồng thời, vệ sinh đồng ruộng để gieo sạ lúa ĐX theo lịch xuống giống đợt 2 và đợt 3 mà ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo. Cụ thể, lịch gieo sạ đợt 2 từ ngày 15 đến 25/11/2024 (ở các vùng đất trung bình, vùng có đê bao, chủ động nguồn nước), đợt 3 từ ngày 13 đến 28/12/2024 (các vùng trũng đê bao chưa khép kín).
Vụ ĐX 2024-2025, Hợp tác xã (HTX) ấp 1 Tân Tây (xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa) được UBND tỉnh chọn để thực hiện mô hình điểm của Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX ấp 1 Tân Tây - Nguyễn Văn Lựa cho biết: "Tham gia thực hiện Đề án, HTX được hỗ trợ ứng dụng hệ thống gieo sạ đường biên kết hợp bón vùi phân trên diện tích 15ha của 10 hộ thành viên. Theo đó, nông dân sẽ sử dụng lượng giống gieo sạ 80kg/ha và lượng phân bón 200kg/ha. Với phương pháp sản xuất này, nông dân vừa giảm được lượng giống, vừa bảo đảm không bón phân trong 45 ngày đầu gieo sạ, hạn chế được sâu, bệnh và giảm chi phí sản xuất".
Theo kế hoạch, vụ lúa ĐX 2024-2025, toàn tỉnh phấn đấu gieo sạ 224.700ha, năng suất ước đạt 66,5 tạ/ha và sản lượng ước đạt hơn 1,49 triệu tấn. Đến nay, toàn tỉnh đã gieo sạ 63.279ha lúa, bằng 28,2% kế hoạch và bằng 97,8% so cùng kỳ. |
Gieo sạ theo khuyến cáo của ngành chức năng
Để vụ lúa ĐX 2024-2025 đạt thắng lợi trên các mặt, nhất là về sản lượng theo kế hoạch đề ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị nông dân trong tỉnh cần thực hiện tốt các khuyến cáo mà ngành đưa ra. Trong đó, cần gieo sạ đúng lịch thời vụ để hạn chế thiệt hại nếu như xâm nhập mặn đến sớm.
Cụ thể, theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, từ tháng 12/2024 đến tháng 2/2025, tổng lượng mưa phổ biến trên địa bàn tỉnh xấp xỉ trung bình nhiều năm, khả năng xuất hiện khá nhiều mưa trái mùa với những ngày có mưa với lượng từ nhỏ đến vừa. Do đó, nông dân cần chủ động đề phòng khả năng xâm nhập mặn xuất hiện sớm gây ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: "Trước dự báo về tình hình thời tiết như trên, ngành Nông nghiệp tỉnh đề nghị ngành Nông nghiệp các địa phương cần thực hiện tốt các nội dung theo kế hoạch sản xuất vụ lúa ĐX 2024-2025 mà Sở đã ban hành.
Bên cạnh đó, khuyến cáo nông dân tại những vùng đã, đang và chuẩn bị xuống giống lúa ĐX trong đợt 2 và 3 cần chủ động gia cố đê bao, các giải pháp thoát nước trên đồng ruộng nhằm chống ngập úng, hạn chế thiệt hại về lúa giống ngay đầu vụ khi có mưa lớn, bão xuất hiện trong thời gian dài".
Bên cạnh đó, thực hiện theo chỉ đạo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân sử dụng lúa giống cấp xác nhận, có nguồn gốc rõ ràng và áp dụng sạ hàng, sạ thưa với lượng giống dưới từ 80-100kg/ha hoặc cấy; đồng thời, xuống giống tập trung, đồng loạt trên từng cánh đồng theo lịch thời vụ địa phương khuyến cáo để “né rầy”, hạn chế sâu, bệnh đầu vụ.
Hợp tác xã ấp 1 Tân Tây (xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa) được hỗ trợ ứng dụng biện pháp sạ hàng đường biên kết hợp bón vùi phân với diện tích 15ha
Cụ thể, các huyện phía Bắc cần đẩy nhanh tiến độ gieo sạ tập trung trong tháng 11, dứt điểm vụ lúa ĐX 2024-2025 trong tháng 12/2024. Các huyện phía Nam của tỉnh cần chú ý theo dõi những khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi triều cường, xâm nhập mặn, nên chuyển canh tác sang các loại cây trồng ngắn ngày, cây trồng sử dụng ít nước tưới và áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm để bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước tưới cho cây trồng.
Đặc biệt, các khu vực bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn cần chủ động nạo vét ao, kênh, mương nội đồng, sử dụng biện pháp tích trữ nước; tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân gieo sạ dứt điểm vụ lúa ĐX 2024-2025 trong tháng 11/2024 và hạn chế gieo sạ trong tháng 12/2024.
Về cơ cấu giống lúa, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa đạt cấp xác nhận và cơ cấu giống hợp lý; ngoài ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp cơ cấu mùa vụ, thị trường, cần chú ý đến các giống phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn.
Cụ thể, khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa: Nhóm giống lúa thơm và lúa nếp: ST20, ST24, RVT, VĐ20 và nhóm nếp; nhóm giống lúa cao sản chất lượng cao và thơm nhẹ: OM4900, OM5451, OM7347, Đài thơm 8, Nàng Hoa 9; nhóm giống lúa chống chịu hạn, phèn mặn khá tốt: OM5451, OM6976, OM576;...
“Sở đề nghị các chi cục, cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở và ngành Nông nghiệp các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân tuân thủ các biện pháp canh tác cần thực hiện trong vụ ĐX 2024-2025. Bên cạnh đó, triển khai, thực hiện các mô hình sản xuất lúa tiên tiến, hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm giúp nông dân giảm chi phí và tăng chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, triển khai, thực hiện tốt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” theo kế hoạch của tỉnh đề ra” - ông Nguyễn Thanh Truyền thông tin thêm./.
Minh Tuệ