Đảo Lý Sơn có diện tích hơn 1.000ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 550ha, phần lớn để trồng tỏi và hành tím. Do điều kiện đặc thù về thổ nhưỡng, khí hậu nên mỗi năm, người nông dân chỉ trồng 1 vụ tỏi (từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau) và 2 vụ hành (từ tháng 3 đến tháng 9). Để có được vụ tỏi, hành bội thu, người dân phải mất nhiều công sức, dày công nhất là việc làm đất sau vụ thu hoạch. Trước tiên, người ta phải bỏ lớp đất cũ, sau đó san nền, đầm đất cho phẳng rồi rải lên một lớp đất bazan màu mỡ lấy từ các ngọn núi trên đảo. Trên cùng là lớp cát trắng hình thành từ vụn san hô lắng dưới đáy biển, được khai thác và hút lên bờ, chuyên phục vụ cho việc trồng hành, tỏi. Những cánh đồng hành, tỏi ở Lý Sơn được hình thành khá đa dạng, theo kiểu ruộng bằng phẳng thông thường hoặc ruộng bậc thang thấp bám theo các triền núi, tùy thuộc vào điều kiện địa hình từng nơi. Đó là cách người dân Lý Sơn tận dụng tối đa diện tích đất trên đảo để trồng tỏi.
Ngoài điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt, khí hậu nắng gắt, mưa nhiều cùng gió biển mặn mòi khiến hương vị hành, tỏi thơm ngon. Có những loại hoàn toàn khác biệt mà chỉ Lý Sơn mới có, như tỏi “cô đơn” - mỗi củ chỉ có một nhánh duy nhất. Trên cả cánh đồng tỏi rộng vài hecta, có khi chỉ tìm được vài củ tỏi “cô đơn”. Loại tỏi này rất giàu dinh dưỡng, thường được chọn để làm tỏi đen - một loại thuốc quý có thể chữa bệnh. Vì thế, tỏi “cô đơn” thường có giá cao gấp hàng chục lần so với tỏi thông thường.
Sau khi thu hoạch, người dân mang hành, tỏi về nhà cắt gốc, bỏ lá, phơi khô rồi bó thành từng bó lớn mang ra chợ bán. Mỗi buổi sáng, phiên chợ hành, tỏi diễn ra vô cùng tấp nập. Đây cũng là nét đặc trưng, thu hút nhiều du khách tìm hiểu, trải nghiệm khi đến Lý Sơn.
Ngày nay, nghề trồng hành, tỏi ở Lý Sơn mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân trên đảo.