Giá thanh long giảm sâu
Ông Nguyễn Quốc Trịnh- Chủ tịch Hiệp hội Thanh Long An- cho biết, hiện đầu ra cho trái thanh long đang gặp khó. Bà con không tiêu thụ được. Phía Hiệp hội vận động các doanh nghiệp thu mua cho bà con để đưa vào kho trữ lạnh. Tuy nhiên, việc trữ lạnh này cũng chỉ được đợt đầu thu hoạch (1 đợt thu hoạch 10 ngày), nếu như các doanh nghiệp không tiêu thụ được ngay thì những đợt thu hoạch sau sẽ khó mua trữ lạnh hỗ trợ nông dân.
Hiện giá thanh long ở nhiều địa phương trung bình khoảng 3.000 đồng/kg, với mức giá này, người trồng không có lãi, thậm chí thua lỗ |
Hiện giá thanh long mua đổ đồng vào khoảng 3.000 đồng/kg. Với mức giá này, bà con thua lỗ bởi giá thành thanh long hiện vào khoảng 10.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Quốc Trịnh cho hay, không chỉ xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc gặp khó mà sang các thị trường cũng nhiều khó khăn do vướng vấn đề vận tải biển. Trong khi tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Việc thu mua, vận chuyển, tiêu thụ gặp khó. “Vụ này, sản lượng thanh long tại Long An giảm do bà con chủ động bỏ bớt ngay khi ra hoa. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu gặp khó. Nếu giá cả tiếp tục giảm sâu hơn, thì nhiều nhà vườn sẽ tiếp tục bỏ hoa, không cho ra trái để nuôi cây”, ông Nguyễn Quốc Trịnh cho biết.
Tại tỉnh Tiền Giang, nhiều hộ dân trồng cây thanh long ở các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Tân Phước đang gặp khó khăn do phải loay hoay tìm kiếm đầu ra. Giá thanh long giảm mạnh và ở mức 3.000 đồng/kg. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do dịch bệnh bùng phát, nhiều doanh nghiệp, cơ sở chuyên thu mua trái thanh long tạm ngưng đóng cửa, nên đầu ra trái cây này gặp khó khăn.
Trung Quốc siết kiểm dịch nhập khẩu
Tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) với Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản phía Bắc và phía Nam diễn ra sáng 3/8, một trong những vấn đề được nêu ra ở cuộc họp là đầu ra của trái thanh long.
Ông Lê Thanh Hoà- Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT))- thông tin, xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường. Riêng đối với trái Thanh Long, vừa rồi, tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) có hiện tượng họ lấy mẫu trên thùng xe có phát hiện xe chở thanh long dương tính với virus SARS-CoV-2. Do đó, họ đã dừng thông quan một ngày để làm công tác khử khuẩn. Tuy nhiên, sau việc này, việc thông quan thanh long diễn ra chậm, mỗi ngày chỉ khoảng 20 – 30 xe.
Cũng theo ông Lê Thanh Hòa, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 1 triệu tấn. Tình trạng trên ảnh hưởng ít nhiều đến xuất khẩu trái cây, đặc biệt là thanh long. Giá thanh long tại Tiền Giang nhiều nơi xuống 6.000 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với thời điểm chưa phải thực hiện giãn cách xã hội là 25.000 - 27.000 đồng/kg, loại ngon là 35.000 - 40.000 đồng/kg.
Trước đó, phía Trung Quốc cũng đã thông báo về việc cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai) sẽ tạm dừng nhập khẩu thanh long Việt Nam từ 0h ngày 18/7 đến 24h ngày 17/8/2021. Điều đó có nghĩa, xuất khẩu trái thanh long sang Trung Quốc có thể gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Không chỉ đối với trái thanh long, đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, xuất khẩu cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) cách đây 2 hôm phía Trung Quốc phát hiện mẫu virus SARS-CoV-2 đối với măng cụt của Việt Nam nên hiện nay đã tăng cường kiểm soát dịch bệnh rất chặt.
Trung Quốc nên hiện nay tăng cường kiểm soát dịch chặt, trước đây phía Trung Quốc chỉ kiểm tra cả xe hàng, thì nay từng thùng hàng1 phải phu khử trùng, lượng hàng đi chậm. “Ngày 2/8, tại cửa khẩu Tân Thanh chỉ thông quan được 97 xe, giảm 60-70% so với cùng kỳ, xe tồn ở bãi lên vài trăm xe chủ yếu thanh long”, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết.
Hiện, Cục Bảo vệ Thực vật vẫn trao đổi với cơ quan chức năng của Trung Quốc về kiểm dịch thực vật, để kiểm soát tình hình tốt hơn. Tuy nhiên, việc kiểm soát xe hàng chậm do khâu y tế - cụ thể là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phía Trung Quốc kiểm dịch. Do vậy, các địa phương, cơ quan quản lý Việt Nam cũng cần làm việc với cơ quan chức năng Trung Quốc để thống nhất quy trình kiểm dịch virus SARS-CoV-2 trên hàng hoá để tiến độ thông quan hàng nhanh hơn.
Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các tỉnh, thành phố, Hiệp hội Rau quả Việt Nam phổ biến kịp thời thông tin trên đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rau quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trên địa bàn và trong phạm vi phụ trách. Khuyến cáo các doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu thanh long nói riêng và các loại trái cây, nông sản nói chung sang Trung Quốc; chủ động theo sát diễn biến hoạt động xuất khẩu trái cây qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc; giữ liên lạc chặt chẽ với đối tác nhập khẩu để nắm tình hình.
Về việc xuất khẩu trái cây qua Trung Quốc nói chung và trái thanh long nói riêng, ông Trần Thanh Nam- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT- cũng yêu cầu các cơ quan chức năng thuộc Bộ NN&PTNT, các địa phương cần cập nhật diễn biến tình hình phía Trung Quốc để có kế hoạch đưa hàng lên biên giới, tránh ùn ứ.
Tìm đường lên "sàn" thương mại điện tử
Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 đã khiến việc xuất khẩu các loại nông sản nói chung và thanh long Việt Nam nói riêng qua Trung Quốc bị ảnh hưởng; một số cửa khẩu ngừng thông quan trong một số thời điểm để kiểm soát dịch bệnh dẫn đến hàng hóa tồn đọng.
Để tháo gỡ khó khăn cho các mặt hàng nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngày 5/8/2021, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các đối tác Ấn Độ và Pakistan 2021. Dự kiến, Hội nghị sẽ thu hút sự tham gia của trên 60 đại diện đến từ những địa phương trồng thanh long và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan.
Cùng với việc tháo gỡ đầu ra thị trường xuất khẩu, tìm kiếm các thị trường tiêu thụ mới và cung cấp thông tin về các doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu nông sản của một số thị trường trên thế giới từ các Bộ, ngành. Hiện nhiều địa phương cũng đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng nông sản phát triển thương mại điện tử; hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh tham gia giao dịch tại các sàn thương mại điện tử.
Đồng thời, yêu cầu các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, thiết lập mạng lưới mỗi địa bàn huyện, thị xã, thành phố có ít nhất từ 1 - 2 cơ sở hỗ trợ thu mua sơ chế, bảo quản các sản phẩm nông sản; tạo điều kiện thuận lợi phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến để thu mua và chế biến các loại quả tươi thành sản phẩm quả sấy khô, sấy dẻo, các loại mứt, rượu…
Mặc dù nhiều địa phương đang gặp khó khăn trong hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu quan trọng. Do đó, các địa phương cho biết, sẽ tiếp tục theo sát diễn biến, tình hình thông quan tại các cửa khẩu. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã duy trì hoạt động xuất khẩu sản phẩm hàng hóa sang thị trường Trung Quốc.
Cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu cũng như đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường trong nước. Các chuyên gia cho rằng, về phía Bộ NN&PTNT cũng cần phải rà soát lại sản lượng, khuyến cáo về sản xuất, vùng trồng, sẵn kịch bản ứng phó, giảm thiểu rủi ro với ngành hàng này.
Hiện thanh long chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, phần ít còn lại là xuất khẩu chính ngạch sang các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau: Đài Loan, Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Indonesia, Quatar, Ấn Độ, Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất, Đức, Hà Lan, Nga, Tây Ban Nha; Canada, Mỹ, Australia, New Zealand… |
Nguyễn Hạnh