|
  • :
  • :

Thịt lợn hơi tăng gần 21.000 đồng/kg trong một năm qua

Giá lợn hơi tại thời điểm tháng 7-2022 là từ 66.000-73.000 đồng/kg, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái từ 10.000-21.000 đồng/kg tùy từng địa phương.

Tổng cục Thống kê cho biết, hoạt động chăn nuôi lợn đang đem lại hiệu quả khi giá lợn hơi tăng cao. Tuy giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao nhưng nhu cầu và nguồn cung thịt lợn trong nước đã được khôi phục trở lại.

Tại thời điểm tháng 7/2022, giá thịt lợn hơi dao động ở mức từ 66.000-73.000 đồng/kg, cao hơn 10.000-21.000 đồng/kg so với tháng 7/2021. Sang đến tháng 8/2022, giá thịt lợn hơi giữ ở mức tương đối ổn định so với tháng trước.

Thịt lợn hơi tăng gần 21.000 đồng/kg trong một năm qua - Ảnh 1.

Giá thịt lợn có thể tăng thêm dịp cuối năm

Tính đến ngày 22/8/2022, giá thịt lợn hơi cả nước dao động trong khoảng 62.000 – 71.000 đồng/kg, thay đổi tùy từng địa phương. Giá lợn hơi tăng nên dù giá xăng dầu đã giảm mạnh nhưng giá bán thịt lợn tăng ở mức 130.000-160.000 đồng/kg tuỳ loại.

Cơ quan thống kê dự báo, thời gian tới, giá lợn hơi sẽ dao động quanh ngưỡng 70.000 đồng/kg, vào thời điểm cuối năm giá lợn hơi có thể sẽ tăng do nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng.

Bên cạnh đó, lượng thịt lợn nhập khẩu giảm cũng là cơ hội cho nguồn cung trong nước tăng lên. Lượng thịt lợn nhập khẩu 7 tháng năm 2022 đạt 55,21 nghìn tấn tương đương trị giá 117,5 triệu USD, giảm 42,1% về lượng và giảm 46,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Cùng với đó, người chăn nuôi tập trung tái đàn nên số lượng lợn tăng so với cùng kỳ năm trước. Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 8/2022 tăng khoảng 6,8% so với cùng thời điểm năm 2021.

Tổng cục Thống kê khuyến nghị, để ngành chăn nuôi phát triển đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong những tháng cuối năm, các trang trại phải tìm nguồn thức ăn sẵn có trong nước để hạ giá thành chăn nuôi, kiểm soát phòng chống dịch tốt, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi; phát triển các mô hình chăn nuôi đảm bảo song hành yếu tố hiệu quả, bền vững nhờ đầu vào chuẩn với con giống ưu việt, quy trình chăn nuôi hiện đại giúp tối ưu chi phí vận hành, đầu ra thương phẩm chất lượng cao, được bao tiêu với giá tốt, công nghệ xử lý thải bền vững.

Các cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát xuất khẩu lợn tiểu ngạch sang các nước láng giềng, kiểm soát nguồn thịt nhập khẩu có chất lượng.

Để ổn định thị trường sản xuất và tiêu thụ thịt lợn trong nước, cần thực hiện quyết liệt và đồng thời nhiều biện pháp, chính sách chống đầu cơ, thao túng giá, đảm bảo quyền lợi của người chăn nuôi và người tiêu dùng.

 

 
Nguồn: http://trangtraiviet.vn/thit-lon-hoi-tang-gan-21000-dong-kg-trong-mot-nam-qua-20220920150226843.htm
Tin liên quan
Chưa có thông tin