Bà Hạ xót xa trước gốc hồng rụng đầy quả. Ảnh: Thanh Phúc |
Bòn nhặt những quả hồng rụng dưới gốc về làm thức ăn cho gà và bò, bà Hạ xót xa: “Bão không vào, cây không gãy cành vậy mà quả rụng dày dưới gốc, đang xanh có, bắt đầu chín có, tiếc nên tôi thu gom về làm thức ăn cho gia cầm, gia súc. Như gốc hồng này, năm ngoái cho thu hoạch 3 tạ, năm nay, rụng mất 2 phần rồi, giờ đến cuối tháng còn mưa nắng thất thường, đến khi thu hoạch chắc còn vài yến là may”.
Hầu hết các vườn hồng quả ít, bị rụng từ khi còn non, nay đến kỳ thu hoạch cũng bị thối rữa, rụng quả nhiều. Ảnh: Thanh Phúc |
Cây hồng không bị rụng quả nhiều như vườn bà Hạ, song 50 gốc hồng cậy của gia đình ông Hồ Văn Thế (xóm 5, xã Nam Anh) cũng cho năng suất giảm mạnh khi tỷ lệ ra hoa, đậu quả ít. Theo ước tính của ông Tam, cả vườn hồng năm ngoái cho thu hoạch 3 tấn, bán cho thương lái được gần 60 triệu đồng tại vườn thì năm nay, thời tiết cực đoan, nắng mưa thất thường, nhất là thời kỳ ra hoa, đậu quả gặp mưa trái mùa nên quả ít hẳn so với mùa vụ trước đó.
Nếu như năm ngoái, gốc hồng này cho thu hoạch 3 tạ quả, thu về 6 triệu đồng thì năm nay, theo ông Thế, may mắn lắm cũng chỉ được dăm yến quả. Ảnh: Thanh Phúc |
“Ước tính năm nay 50 gốc hồng này năng suất chỉ bằng một nửa năm ngoái. Các cây hồng đều ra quả thưa, số nữa bị ruồi vàng chích nên hư hại, thối và rụng quả. Theo kinh nghiệm của tôi thì nguyên nhân là do mưa trái mùa nhiều, các giai đoạn quan trọng để quả hồng phát triển đều gặp mưa. Kéo theo đó, thời tiết ẩm ướt nên sinh ra nhiều côn trùng gây hại, nhất là ruồi vàng. Dù đặt bẫy sinh học nhưng do nước mưa tràn vào, ruồi không chết nên hồng gần chín, ruồi chích nhiều gây thối rữa”, ông Thế chia sẻ.
Theo thống kê, toàn xã Nam Anh có khoảng 300 hộ trồng hồng với diện tích khoảng 150 ha, sản lượng mỗi năm đạt khoảng 500 tấn, đem về nguồn thu xấp xỉ 10 tỷ đồng/năm cho bà con nơi đây. Trước đó, vào những năm 2018, 2019, 2020 hồng liên tiếp mất mùa thì năm 2021, người dân phấn khởi khi hồng đạt năng suất cao, giá bán cao. Vậy nhưng, mùa hồng năm 2022, người dân Nam Anh thất thu khi hồng ra quả ít, sắp đến kỳ thu hoạch lại bị rụng quả do thời tiết diễn biến thất thường.
“Cả xã chỉ có dăm bảy hộ ở xóm 8 là có vườn hồng sai quả, ít bị rụng. Còn phía ngoài này, tỷ lệ đậu quả thấp, khi hồng mới to bằng ngón tay cái cũng rụng nhiều và giờ sắp đến kỳ thu hoạch lại bị thối, rụng. Nguyên nhân cũng chưa xác định rõ, theo dự đoán là do thời tiết năm nay diễn biến thất thường”, ông Hồ Viết Hoà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Anh cho biết.
Một số vườn ở vùng khe Mai sai quả hơn song quả nhỏ, không đẹp mã. Ảnh: Thanh Phúc |
Điều đáng mừng là những vườn hồng ở đồi khe Mai, khe Nứa trải dài dưới chân núi Đại Huệ cận mùa thu hoạch (khoảng đầu tháng 10 âm lịch) đã có thương lái đặt mua, giá hồng nhỉnh hơn các năm trước. Đặc biệt, ngày càng nhiều đoàn khách từ khắp nơi đến “thủ phủ” hồng Nam Anh tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh… tạo cho bà con nơi đây một nguồn thu khá ngoài bán hồng quả, điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Nghi, Nguyễn Đình Bá (xóm 8), Hồ Đức Dũng (xóm 6)...
Ông Hồ Viết Sỹ, Chủ tịch UBND xã Nam Anh cho biết: Hiện trên địa bàn xã Nam Anh có 3 hộ đã được các cá nhân mua lại vườn hồng để phục vụ cho việc phát triển du lịch. Ngoài ra, bà con có vườn hồng đẹp cũng đón các đoàn khách đến tham quan nên có thêm nguồn thu từ bán vé vào cửa, trông giữ xe, bán các nông sản khác như: gà, vịt, trứng gia cầm, bột nghệ, bột sắn dây, hoa quả, rau trong vườn… cho khách.
Nhiều vườn hồng đã được đầu tư để làm du lịch, mở ra hướng đi mới cho vùng hồng Nam Anh. Ảnh: CSCC |
"Đối với vấn đề cây hồng giảm năng suất ,rất mong các ngành chức năng, nhà khoa học về kiểm tra thực nghiệm tại vườn, phân tích làm rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp để bà con khắc phục, “cứu” các vườn hồng. Bởi, hồng vừa là sản phẩm đặc trưng của địa phương, vừa là nguồn thu nhập chính của hơn 300 hộ dân trong xã” - ông Sỹ bày tỏ.