|
  • :
  • :

Thu hoạch, vận chuyển lúa Hè Thu không 'ách tắc' nhưng giá bán thấp

Nông dân trên địa bàn tỉnh Long An đã và đang thu hoạch vụ lúa Hè Thu 2021. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các ngành, các địa phương tích cực triển khai nhiều giải pháp để gỡ khó cho nông dân.

Toàn tỉnh đã thu hoạch được gần 190.000ha lúa Hè Thu (Ảnh tư liệu)

Vận chuyển vẫn thông suốt

Vụ lúa Hè Thu năm 2021, toàn tỉnh Long An gieo sạ trên 221.000ha, tập trung chủ yếu ở các huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh như Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa. Đến nay đã thu hoạch đạt khoảng gần 190.000ha, năng suất ước đạt khoảng 5 tấn/ha (lúa khô).

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang xảy ra phức tạp nên các cấp, các ngành đã triển khai nhiều giải pháp, hướng dẫn để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn. Ở các huyện, thị xã khu vực Đồng Tháp Mười - vựa lúa lớn của tỉnh đang siết chặt việc kiểm tra người dân ra đường, thành lập nhiều chốt kiểm soát.

Tuy nhiên, trường hợp nông dân đi thu hoạch lúa đều được chính quyền địa phương xác nhận cấp giấy lưu thông. Các xe, tài xế vận chuyển nông sản cũng được cấp giấy của cơ quan chức năng có thẩm quyền để lưu thông qua chốt và phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. 

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Long An - Đặng Hoàng Tuấn, phương tiện vận chuyển, trước khi thực hiện vận chuyển ghi rõ lịch trình, lộ trình cụ thể trong giấy vận tải, trong đó phải ghi chi tiết điểm đi, điểm đến và cung đường để các lực lượng chức năng thực hiện việc theo dõi, kiểm soát.

Trường hợp để thực hiện yêu cầu về phòng, chống dịch mà địa phương cấp huyện có quy định chi tiết về hoạt động vận tải trên địa bàn: Tuyến đường được phép lưu thông; bắt buộc giao hàng tại điểm tập kết, điểm trung chuyển,… thì phương tiện thực hiện di chuyển đến các địa điểm tổ chức giao nhận hàng hóa theo hướng dẫn của các lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp các huyện đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức lập danh sách các chủ máy gặt đập liên hợp, máy cày, người thu mua lúa và nhân công phục vụ việc thu hoạch, nắm danh sách thương lái trên địa bàn các xã. Trên cơ sở đó, địa phương đã hỗ trợ cho những trường hợp này được thực hiện kiểm tra test nhanh Covid-19 (trong vòng 3 ngày), nếu âm tính thì mới cho hoạt động.

Trường hợp thương lái, chủ máy gặt đập ở ngoài tỉnh vào địa phương phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 đúng theo thời gian quy định. Trong quá trình hoạt động, các chủ máy cắt và nhân công lao động phải thực hiện đúng quy định về giãn cách xã hội, thực hiện tốt quy định phòng, chống dịch.

Giá lúa thấp

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An - Nguyễn Chí Thiện, nhìn chung, nhiều khó khăn, vướng mắc được các ngành Nông nghiệp, Giao thông Vận tải, Công Thương quan tâm tháo gỡ, qua đó việc tiêu thụ lúa vẫn không bị ách tắc.

Tuy nhiên, cũng không thể tránh khỏi những khó khăn do tác động của thực hiện giãn cách xã hội nên có một số địa phương trong tỉnh vẫn thiếu phương tiện thu hoạch; ít thương lái thu mua, có nơi vẫn bị thương lái biện lý do giãn cách xã hội dẫn đến vận chuyển khó khăn để ép giá, thu mua với giá thấp.

Nông dân chuyển lúa thu hoạch (Ảnh tư liệu)

Giá lúa trong tuần này có ổn định hơn tuần trước nhưng vẫn thấp. Như lúa IR50404 giá bán 4.600 – 4.800 đồng/kg; OM5451 từ 5.100 - 5.300 đồng/kg; ST24 từ 6.400-6.600 đồng/kg; giá nếp IR4625 từ 4.500 - 4.600 đồng/kg; đài thơm 8 từ 5.900-6.000 đồng/kg.

Anh Lê Văn Tân, ngụ xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa cho biết: “Theo hợp đồng ban đầu giá lúa 6.000 đồng/kg nhưng đến ngày thu hoạch, thương lái nói việc vận chuyển khó khăn. Đồng thời, một số doanh nghiệp chậm thu mua lúa, gạo nên đề nghị người dân giảm giá xuống còn 5.500 - 5.600 đồng/kg nhưng cũng phải chấp nhận”. 

Tại huyện Thạnh Hóa, vụ Hè Thu này có gần 18.000ha, hiện tại đã thu hoạch được khoảng 6.000ha. Ở huyện chủ yếu sản xuất nếp, giá bán ra hiện tại 4.200 đến 4.300 đồng/kg. Tính ra giá này thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 1.000 đồng/kg.

“Lúa nếp chủ yếu đưa qua thị trường Trung Quốc tiêu thụ nhưng do dịch bệnh phức tạp nên cũng gặp nhiều khó khăn về đầu ra”, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa – Nguyễn Kinh Kha cho biết.

Còn tại huyện Tân Hưng, vụ Hè Thu gieo sạ được gần 37.000ha. Do thời điểm gieo sạ sớm hơn so với các địa bàn khác nên toàn bộ diện tích đã thu hoạch xong cách đây 1 tuần. Thế nhưng giá bán ra cũng “ yếu” từ 4.500 đến 6.000 đồng/kg (tùy từng giống lúa).

Theo Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ: “Huyện đang có gần 9.000ha lúa Thu Đông đang thu hoạch. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên giá bán cũng thấp, chỉ từ 4.500 đồng đến 5.400 đồng/kg (tùy theo giống)”.

Trước tình hình dịch bệnh còn phức tạp, việc giãn cách xã hội vẫn đang tiếp tục nên các địa phương cần chủ động, linh hoạt về thủ tục để tạo điều kiện cho thương lái thu mua, vận chuyển nông sản cho người dân.

Về phía ngành Nông nghiệp ở các địa phương sẽ chủ động tham mưu ngay cho UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn ký giấy xác nhận để người dân địa phương đi lại thuận tiện; tích cực hỗ trợ các hợp tác xã, thương lái đăng ký xe "luồng xanh" trong vận chuyển, thu mua nông sản,...

"Quyết tâm không để việc thu mua, vận chuyển nông sản bị đứt đoạn, ảnh hưởng đến thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ lúa của nông dân", ông Nguyễn Chí Thiện nhấn mạnh./.

Đức

Nguồn: https://baolongan.vn/thu-hoach-van-chuyen-lua-he-thu-khong-ach-tac-nhung-gia-ban-thap-a120673.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin