Kho bãi tập kết sầu riêng mọc lên khắp nơi, các đoàn xe và người mua người bán tấp nập cùng giá sầu riêng cao kỷ lục, dự kiến sẽ đem lại cho Thủ phủ sầu riêng Krông Pắc hàng nghìn tỷ đồng. Song song với cơ hội, mùa vụ thu hoạch sầu riêng cũng tạo ra những áp lực đối với địa phương, nhất là trong công tác quản lý thị trường, giữ gìn an ninh, trật tự và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Vĩnh, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Krông Pắk về nội dung này.
PV: Thưa ông Trần Quốc Vĩnh, cây sầu riêng đang có những tác động như thế nào đến tình hình kinh tế địa phương?
Ông Trần Quốc Vĩnh: Có thể nói Krông Pắk là một trong những trung tâm về phát triển kinh tế, đặc biệt là trong những năm gần đây, sau khi xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường rộng lớn Trung Quốc và cũng nhờ hiệu ứng tích cực sau lễ hội sầu riêng lần thứ nhất. Trong vòng một năm nay, rất nhiều doanh nghiệp đến Krông Pắk để tìm hiểu, đầu tư và đến đây để kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh trong lĩnh vực nông sản hàng hóa, mà trong đó chú trọng là cây sầu riêng.
Năm nay theo dự báo thì bà con Krông Pắk sẽ có tối thiểu khoảng 80.000 tấn sầu riêng. Với một sản lượng lớn như vậy mà giá cả hiện nay thì đang rất là cao. Do vậy mà hiện nay gần như là hàng ngày, hàng giờ là mọc lên rất nhiều kho bãi để là thu mua, chế biến, cấp đông, vận chuyển để đảm bảo được sản phẩm sấu riêng đạt chất lượng cao nhất để xuất khẩu cũng như là chế biến để phục vụ cho thị trường trong nước. Từ cái hiệu quả cao như vậy thì rất nhiều doanh nghiệp từ trong và ngoài nước đến đây để làm ăn.
PV: Sự phát triển này tạo ra cơ hội và áp lực ra sao với địa phương thưa ông?
Ông Trần Quốc Vĩnh: Về mặt tích cực thì tạo ra cho huyện cả một hệ thống liên hoàn về mặt phát triển, cả về mặt phát triển cơ sở hạ tầng, rồi về mặt dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ lưu trú, thậm chí kể cả dịch vụ du lịch. Hiện nay hầu hết các khu vực mà có là Homestay hoặc là địa điểm lưu trú thì các doanh nghiệp, đặc biệt là người nước ngoài như người Trung Quốc thì họ rất thích.
Thứ hai nữa là môi trường, phát triển quá nhanh thì sẽ tạo ra áp lực về mặt kiểm soát. Ví dụ như xây dựng kho hàng, bến bãi. Có thể là đa số bà con, doanh nghiệp họ chấp hành nhưng có một số người chưa chấp hành nghiêm. Ví dụ như diện tích, trật tự xây dựng, về sử dụng đất, bảo vệ môi trường và tất cả các thứ đấy sẽ tạo ra áp lực.
Tiếp đó là doanh nghiệp đến nhiều, các phương tiện, trang thiết bị đến nhiều cũng sẽ tạo ra một sự cưỡng bức, ùn tắc. Ví dụ như ùn tắc về giao thông, rồi công tác quản lý về mặt con người, đảm bảo an toàn và ảnh hưởng tác động liên hệ khác về mặt tệ nạn. Đồng hành với phát triển thì các tệ nạn, những vấn đề tiêu cực nó cũng cũng đồng hành diễn ra.
PV: Trước thực tế này thì lãnh đạo địa phương có giải pháp quản lý ra sao, để vừa tốt về an ninh trật tự vừa lành mạnh trong giao dịch, mua bán thưa ông?
Ông Trần Quốc Vĩnh: Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để đảm bảo kiểm soát được sự phát triển này. Biết nó nóng thì để chúng ta có một kế hoạch, có một cái phương án hết sức khoa học, hết sức cụ thể để có thể kiểm soát được; truyền thông, tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân.
Đồng thời quan trọng nhất đấy là kiểm soát một cách tổng thể, đảm bảo sự phát triển không bị lệch khỏi quy định của pháp luật và đặc biệt là không nằm ngoài tầm kiểm soát. Hiện nay Ban Thường vụ Huyện ủy đã có những văn bản lãnh đạo, chỉ đạo hết sức là sát, giao Ủy ban nhân dân huyện, các cấp ủy cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
Đồng thời, có thể khẳng định là kinh tế phát triển nóng so với các địa phương khác nhưng không có nghĩa là nóng mà không kiểm soát được. Phát triển nóng thì nó tạo ra được sức bật lớn, mạnh mẽ, nhưng chúng ta kiểm soát được thì nó lại trở nên thuần. Thuần hóa được thì sẽ trở nên một môi trường, một địa phương có khả năng phát triển bền vững.
PV: Xin cảm ơn ông.