Theo đó, huyện Thuận Châu đã thả 21.000 con cá giống, gồm: cá chép, cá trôi và cá mè… xuống vùng lòng hồ sông Đà của xã Liệp Tè. Đây là những loài có khả năng sinh sản tự nhiên, có giá trị kinh tế để tái tạo nguồn lợi thủy sản trong hồ.
Trao đổi với PV, ông Trần Hữu Hùng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thuận Châu, cho biết: Việc bổ sung một số giống, loài thủy sản góp phần tái tạo, đa dạng hóa nguồn lợi thủy sản ở lưu vực sông Đà. Đồng thời, nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, khai thác thủy sản an toàn, giữ cân bằng hệ sinh thái vùng lòng hồ thủy điện.
Ông Quàng Văn Tiếp, Chủ tịch UBND xã Liệp Tè, cho biết: Liệp Tè là xã vùng III của huyện Thuận Châu, cách trung tâm huyện 48 km; có 15 bản nằm dọc theo lòng hồ thủy điện Sơn La. Xã có gần 10 ha diện tích mặt lòng hồ thủy điện Sơn La để các hộ dân phát triển nuôi cá lồng bè và đánh bắt thủy sản. Sau khi huyện Thuận Châu cùng xã tổ chức thả cá giống xuống lòng hồ, xã đã tuyên truyền cho bà con không được đánh bắt trong thời gian một tháng.
Để tích cực chung tay bảo vệ, phát triển và tái tạo nguồn lợi thủy sản, thời gian tới, huyện Thuận Châu tiếp tục kêu gọi các cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư thực hiện đồng bộ các biện pháp để tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Tuyên truyền, vận động người dân khai thác đi đôi với phục hồi và tái tạo; phát triển kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên thủy sản; đảm bảo phát triển bền vững trên cơ sở giữ gìn môi trường sống, cảnh quan thiên nhiên.