Xây dựng tổ chức hội nông dân từ cơ sở
Xác định công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của tổ chức Hội trong công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội vững mạnh. Vì vậy, nhiệm kỳ qua tổ chức Hội từ huyện Thuận Châu (Sơn La) đến cơ sở đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị, tư tưởng cho cán bộ, hội viên và nông dân; tạo sự đoàn kết, thống nhất trong các hoạt động phong trào của Hội, các cấp Hội trong huyện đã tổ chức được 2.426 cuộc tuyên truyền thu hút được trên 173 nghìn lượt hội viên, nông dân tham gia.
Theo bà Nguyễn Thúy Ngọc, chủ tịch Hội Nông dân huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Các cấp Hội đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong triển khai các đợt thi đua, các cuộc vận động, các hoạt động của Hội; đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, đa dạng hoá mô hình hoạt động, hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp hội viên, nông dân; mở rộng đối tượng kết nạp hội viên, nâng cao chất lượng hoạt động của chi, tổ hội, đã kết nạp được 4.422 hội viên mới, nâng tổng số hội viên toàn huyện tính đến nay là 31.389 hội viên, đạt 173% chỉ tiêu nhiệm kỳ đề ra.
Hội đã tổ chức sáp nhập 391 Chi hội thành 355 Chi hội, 100% số bản, tiểu khu có tổ chức hội. Công tác củng cố, kiện toàn Ban Chấp hành Hội các cấp được quan tâm, chú trọng đảm bảo số lượng, chất lượng, cơ cấu; đội ngũ cán bộ Hội kịp thời được bổ sung, kiện toàn sau Đại hội Đảng, sau bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và sau khi sáp nhập bản, tiểu khu, trong nhiệm kỳ đã có 18/29 cơ sở kiện toàn các chức danh chủ chốt; Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện đã kiện toàn, bổ sung 08 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành cơ cấu cán bộ chủ chốt Hội cấp huyện, cấp xã và lãnh đạo ban, ngành huyện.
Thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo lợi ích thiết thực, giải quyết những vấn đề đặt ra đối với hội viên, nông dân; lấy lợi ích kinh tế làm trọng tâm để tổ chức, tập hợp, vận động hội viên, nông dân thông qua các loại hình tổ chức kinh tế và các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, hướng dẫn hội viên, nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, trong nhiệm kỳ đã vận động thành lập được 04 HTX, 10 Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, 42 Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp. Phát huy vai trò của Quỹ Hỗ trợ nông dân là "chất keo" gắn kết giữa hội viên, nông dân với tổ chức Hội, tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện quản lý là 10.740 triệu đồng, trong đó nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện tăng trưởng là 5.840 triệu đồng, vượt chỉ tiêu nhiệm kỳ 2018-2023 đề ra.
Đồng thời khơi thông kênh dẫn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tổng dư nợ tín dụng đạt trên 445 tỷ cho 6.929 hội viên, nông dân vay. Hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện, góp phần giúp hội viên, nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Tích cực phối hợp, liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp bảo lãnh, trợ giá, lãi suất ngân hàng... cung cấp phân bón, cây giống, con giống trả chậm đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý giúp nông dân phát triển sản xuất.
Ông Lò Văn Khoa, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân bản Bon Nghè, xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Để thực hiện có hiệu quả công tác hội và phong trào nông dân, bản thân ông Khoa với cương vị là một Chi hội Trưởng Nông dân, bản thân ông luôn gương mẫu chấp hành mọi chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực vận động hội viên nông dân tập chung áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác nông nghiệp, từ đó nâng cao thu nhập cho hội viên.
Xây dựng tổ chức hội nông dân đáp ứng yêu cầu công tác Hội và phong trào Nông
Cũng theo bà Nguyễn Thúy Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thuận Châu, trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác củng cố, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu công tác Hội và phong trào Nông dân trong tình hình mới, Hội Nông dân huyện Thuận Châu triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Điều lệ Hội và các quy định hướng dẫn của Hội Nông dân các cấp; đồng thời thực tốt Nghị quyết BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Khoá VII) về tăng cường công tác phát triển, quản lý và nâng cao chất lượng hội viên chất lượng đội ngũ cán bộ Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới và các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội Nông dân tỉnh và của Huyện ủy.
Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò trách nhiệm của Hội Nông dân trong điều kiện hiện nay. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh góp phần ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội trong nông dân.
Xây dựng nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách công tác Hội từ Huyện đến cơ sở đảm bảo về số lượng, chất lượng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Đẩy mạnh công tác phát triển hội viên, coi trọng chất lượng là nòng cốt, tập hợp đông đảo, thu hút nông dân và các đối tượng khác tham gia tổ chức Hội. Xây dựng hội viên gương mẫu, nhất là nông dân trẻ, có kinh nghiệm trong sản xuất, chủ trang trại, chủ doanh nghiệp đi đầu trong phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", qua đó tuyên truyền,vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân phát huy nội lực, khai thác tiềm năng đất đai, sử dụng vốn có hiệu quả, tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với nhu cầu thị trường và điều kiện từng địa phương.
Tăng cường các hoạt động kinh tế-xã hội; mở rộng các hình thức dịch vụ hỗ trợ, tư vấn giúp nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, như: Vay vốn, tổ chức dạy nghề cho nông dân, tạo thêm việc làm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản, chế biến nông sản,... để sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả, trên cơ sở nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, đáp ứng khả năng cạnh tranh hàng hóa. Tăng cường nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát của Hội; giữ vững kỷ luật, đưa sinh hoạt Hội vào nề nếp, đổi mới phương thức, nội dung sinh hoạt theo hướng sát thực nhiệm vụ. Làm tốt công tác quản lý hội viên; cập nhật theo dõi danh sách hội viên về số lượng và chất lượng, thu nộp hội phí; đồng thời làm tốt công tác đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức hội, hội viên hàng năm, trên cơ sở đó tìm ra nguyên nhân để có biện pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém.
"Nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm và trình độ của cán bộ, hội viên nông dân; chú trọng nâng cao trình độ kiến thức về kinh tế - xã hội; tiếp cận và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào trong sản xuất, kinh doanh. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp thông tin nhằm nâng cao kỹ năng sản xuất và năng lực quản lý của nông dân. Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật; kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào hoạt động của tổ chức Hội, góp phần nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa rộng trong phong trào hoạt động Hội Nông dân tại địa phương" bà Ngọc nhẫn mạnh