Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trong quá trình đẩy mạnh thực hiện đề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc ta lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL". Tại các địa phương, nhiều mô hình trồng lúa đã và đang trong quá trình chuyển đổi theo hướng sản xuất gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đắk Lắk áp dụng quy trình canh tác lúa ướt - khô xen kẽ
Với lợi thế đứng đầu khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên về sản xuất lúa, Đắk Lắk đang hướng đến mục tiêu sản xuất xanh, giảm phát thải carbon trong sản xuất để nâng tầm mặt hàng này trở thành thế mạnh của tỉnh.
Tại Đắk Lắk, diện tích gieo trồng lúa ổn định với khoảng hơn 100.000 ha, chiếm khoảng 34,98% diện tích gieo trồng cây hằng năm của tỉnh. Diện tích lúa được phân bố rộng rãi trên tất cả các địa bàn, trong đó có 5 huyện diện tích lúa lớn hơn 10.000 ha như Ea Súp (24.000 ha), (Krông Pắc) 16.000 ha, Lắk (14.000 ha), Ea Kar (13.000 ha), Krông Ana (12.000 ha).
Đắk Lắk đã hợp tác với doanh nghiệp để xây dựng mô hình thí điểm về sản xuất lúa giảm phát thải carbon với diện tích trên 4 ha tại xã Bình Hòa (huyện Krông Ana). Điều này được đánh giá là sự đột phá, tiên phong của Đắk Lắk đối với sản xuất lúa nước để ngành lúa gạo Đắk Lắk đối với định hướng chung của ngành lúa gạo mà Bộ NN&PTNT, Chính phủ đã đề ra.
Ông Trần Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Net Zero Carbon (doanh nghiệp triển khai mô hình) cho biết, mô hình lúa đang thí điểm tại Đắk Lắk được triển khai theo quy trình canh tác lúa xanh giảm phát thải và tăng năng suất. Đây là một giải pháp kết hợp quy trình canh tác lúa ướt, khô xen kẽ (Alternate wetting and drying hay gọi tắt là AWD) của Viện Lúa quốc tế IRRI, kết hợp với các chế phẩm Nano composite của Công ty Cổ phần BSB Nanotech và quy trình bao tiêu báo cáo xác nhận giảm phát thải của Công ty Cổ phần Net Zero Carbon.
Mô hình này sẽ giúp sản xuất lúa giảm sự phụ thuộc vào các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học lên đến hơn 40%; tăng năng suất từ 15 - 20%; thay đổi phương pháp canh tác truyền thống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải tạo đất canh tác lúa, gạo sạch hơn… Với giải pháp này, cần xây dựng hệ thống thủy lợi chủ động để áp dụng công nghệ phù hợp, tuy nhiên, nhiều vùng trồng lúa ở Đắk Lắk hiện có hệ thống thủy lợi khá tốt nên vấn đề này không đáng lo ngại. Vấn đề hiện nay là cần làm tốt công tác truyền thông để người nông dân hiểu được cách làm mới, nâng cao nhận thức sản xuất gắn với môi trường để làm ra những sản phẩm đạt yêu cầu của thị trường tiêu dùng xanh.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT tỉnh) cũng thông tin, Đắk Lắk rất quan tâm và muốn tham gia thị trường tín chỉ carbon. Về lâu dài sẽ có nhiều chương trình, kế hoạch giảm phát thải carbon trên các loại cây trồng.
Cần Thơ áp dụng kết hợp nhiều mô hình hiện đại, đem lại hiệu quả cao
Triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, trong giai đoạn 2024 - 2025, TP Cần Thơ có 8 doanh nghiệp và 38 tổ hợp tác/HTX đăng ký tham gia với tổng diện tích khoảng 38.000ha. Đến giai đoạn 2026 - 2030, số lượng doanh nghiệp đăng ký tăng lên 28 đơn vị và 50 tổ hợp tác/HTX đảm bảo diện tích canh tác 50.000ha.
Ngày 5/4, tại HTX nông nghiệp Thuận Tiến, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) và Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đã khởi động cánh đồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Cánh đồng lúa giảm phát thải được chọn xuống giống đầu tiên trong vụ hè thu 2024, có diện tích thí điểm 50ha. Giống lúa OM5451 được lựa chọn để gieo sạ với lượng giống 60kg/ha.
Cánh đồng được ứng dụng 3 công nghệ gieo sạ là áp dụng máy sạ hàng, máy sạ hàng kết hợp vùi phân bình thường và máy sạ hàng hiệu ứng hàng biên kết hợp vùi phân. Với công nghệ sạ hàng hiệu ứng hàng biên kết hợp vùi phân tận dụng hiệu ứng ánh sáng giúp cây lúa khỏe, cho năng suất cao hơn.
Công nghệ sạ hàng hoặc sạ cụm kết hợp vùi phân sẽ giảm số lần bón phân từ 3-4 lần/vụ xuống còn 2 lần/vụ. Giải pháp này giúp bà con nông dân giảm 20% lượng phân bón. Ngoài ra còn giúp giảm được lượng nước tưới, rủi ro dịch bệnh, đổ ngã và tổn thất sau thu hoạch.
Một số biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến đi kèm là quản lý nước ướt khô xen kẽ (AWD); áp dụng bón phân chuyên vùng chuyên biệt; giải pháp IPM quản lý dịch hại; ứng dụng máy gặt đập liên hợp cho thu hoạch… Đặc biệt là kỹ thuật thu gom rơm rạ khỏi đồng ruộng để trồng nấm và phân bón từ rơm, kết hợp bón phân hữu cơ cho lúa.
Bên cạnh đó, mô hình "Canh tác lúa bền vững hướng đến tương lai – ForwardFarming" do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Công ty TNHH Bayer Việt Nam thực hiện tại xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ cũng đem lại hiệu quả cao bất ngờ. Mô hình thực hiện thực nghiệm từ tháng 9/2023 với quy mô 2,4ha, đến nay được 3 vụ lúa và cho thấy hiệu quả rõ rệt.
Cụ thể, trồng lúa theo mô hình giảm 2,5 – 3 lần lượng giống gieo sạ (60 kg giống/ha so với tập quán nhà nông 150 - 180kg/ha), giảm gần 50% lượng nước tưới (tương đương với 110 m3/ha/vụ). Đặc biệt, mô hình giúp lúa giảm phát thải khí nhà kính 24,7%, giảm 1,5 - 4,0 triệu đồng/ha chi phí đầu vào, tăng thu nhập từ 13,1 - 54,9% so với mô hình canh tác truyền thống.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, việc canh tác theo mô hình Forward Farming, cụ thể là ứng dụng đồng bộ giải pháp và công nghệ canh tác lúa tiên tiến, kiểm soát tốt phát thải và tác động môi trường đã giúp bà con nông dân giảm 1,5 - 4 triệu đồng/ha chi phí đầu vào. Từ đó, gia tăng hiệu quả kinh tế từ 4,7 – 5,9 triệu đồng/ha.
Đồng Tháp áp dụng cách gieo sạ thưa, giảm phân thuốc
Đồng Tháp là một trong 5 tỉnh được Bộ NN&PTNT chọn làm mô hình thí điểm khởi động đề án tại khu vực ĐBSCL.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Đồng Tháp sẽ triển khai đề án tại 7 huyện, thành phố trồng lúa của tỉnh gồm: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh, Tháp Mười và TP Hồng Ngự, tổng diện tích gần 70.000ha.
Ngày 12/6 vừa qua, tại huyện Tháp Mười, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ khởi động Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” tại tỉnh Đồng Tháp.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười sẽ là đơn vị tham gia Đề án với diện tích 50 ha, bắt đầu từ vụ Thu Đông 2024, Đông Xuân 2024 - 2025 và Hè Thu 2025. Nông dân tham gia đề án được hỗ trợ 50% chi phí vật tư, như giống, phân bón, chế phẩm phân hủy rơm rạ, ứng dụng cơ hóa (máy sạ cụm/sạ hàng khí động học), máy bay phun thuốc.
Trước đó, tại xã Định An, huyện Lấp Vò, HTX Giống Nông nghiệp Định An cũng đã triển khai mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ, giảm phát thải nhà kính gần giống như đề án mà Bộ NN&PTNT hướng tới. Cụ thể, HTX có 17ha áp dụng cách gieo sạ thưa, từ 60-70kg/ha đối với giống lúa trên 90 ngày và từ 90-100kg/vụ đối với giống 90 ngày trở lại. Về phân bón, HTX chỉ bón tối đa 200kg/ha/vụ đối với phân hóa học và từ 300-500kg/ha đối với phân hữu cơ (tùy vụ).
Ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc HTX Giống Nông nghiệp Định An cho biết, làm theo mô hình trên sẽ tốn ít chi phí hơn bên ngoài 30%, năng suất đạt tương đương hoặc cao hơn bên ngoài, chất lượng lúa sẽ cao hơn và bán có giá hơn. “Lúa của HTX được Công ty TNHH Cỏ May ở Đồng Tháp mua với giá cao hơn lúa thường từ 30 - 40%, thí dụ lúa thường 6.000 đồng/kg thì HTX bán được từ 9.000-9.500 đồng/kg” - ông Dũng nói.
Ngoài ra, ông Dũng cũng thông tin thêm, trong đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao yêu cầu gieo sạ 80kg/ha nhưng theo ông có thể giảm xuống hơn nữa, mà năng suất vẫn đáp ứng tốt. Trong quá trình sản xuất, dễ dàng đem rơm ra khỏi cánh đồng, còn phần gốc rạ có thể sử dụng nấm Trichoderma giúp phân hủy nhanh để gieo sạ vụ mới đạt hiệu quả cao.
An Giang áp dụng quy trình canh tác an toàn
Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, đã đăng ký với Bộ NN&PTNT từ nay đến năm 2025 sẽ dành khoảng 103.000ha để thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Đến năm 2030, địa phương đăng ký khoảng 152.900ha. Tỉnh sẽ chọn những vùng triển khai dự án VnSAT để làm trước, tạo động lực, sau đó mở rộng dần.
Tại An Giang đang có 15 doanh nghiệp liên kết tiêu thụ lúa của nông dân. Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đăng ký khoảng 13.800 ha tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Ngoài ra, trên địa bàn còn có trên 1.099 tổ hợp tác, 267 câu lạc bộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, 173 chi tổ hội nghề nghiệp, 217 hợp tác xã nông nghiệp.
Trên thực tế, HTX Tân Đông (xã Mỹ Phú Đông), đã có 34 thành viên chính thức và hơn 70 thành viên liên kết với HTX tham gia mô hình cánh đồng không dấu chân của Tập đoàn Lộc Trời với tổng diện tích 771 ha, cũng là cơ sở để doanh nghiệp này đăng ký với địa phương tham gia vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ NN&PTNT xây dựng.
HTX Tân Đông hiện cũng đang áp dụng quy trình canh tác an toàn của Lộc Trời, chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, sức khỏe của bà con nông dân, cải tạo độ phì nhiêu của đất, cây lúa phát triển tốt, dịch hại giảm nhưng năng suất vẫn đảm bảo, thậm chí tăng cao.
Trà Vinh áp dụng quy trình sản xuất “1 phải + 5 giảm”
Thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao giảm phát thải, tại Trà Vinh, vụ Hè Thu 2024, Bộ NN&PTNT triển khai 2 mô hình điểm tại Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài (xã Thanh Mỹ) và Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hảo (xã Phước Hảo), huyện Châu Thành với diện tích tham gia 50 ha mỗi hợp tác xã. Đây là 2 hợp tác xã chuyên sản xuất lúa giống chất lượng cao, tiêu biểu ở Trà Vinh.
Trong 2 ngày 20 - 21/5, thành viên 2 hợp tác xã tham gia Đề án đã được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tập huấn đợt thứ 2, hướng dẫn quy trình sản xuất “1 phải + 5 giảm”, biện pháp xử lý rơm rạ sau thu hoạch, hạn chế nước ngập ruộng sau thu hoạch lúa, hướng dẫn phương pháp sạ cụm để giảm lượng giống gieo sạ dưới 70 kg/ha, giảm 30% lượng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật; giảm 20% lượng lượng nước tưới so với canh tác truyền thống...
Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Trà Vinh - Ông Lê Văn Đông cho biết, thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao giảm phát thải, bên cạnh hiệu quả kinh tế là hiệu quả xã hội và hiệu quả môi trường, thông qua việc áp dụng các biện pháp canh tác bền vững, giảm phân thuốc có nguồn gốc hóa học, giảm lượng giống gieo sạ sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho các hộ trồng lúa. Việc áp dụng quy trình canh tác bền vững, tổ chức lại sản xuất sẽ giúp ổn định giá bán lúa, dự kiến giá bán lúa sẽ tăng 10% so với canh tác truyền thống.
Đề án sẽ giúp người trồng lúa có thu nhập ổn định, với lợi nhuận đạt ít nhất 40% giá bán, chưa tính doanh thu từ việc bán rơm. Bên cạnh đó là giảm thiểu được rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Nông dân tham gia Đề án còn được tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ như chính sách bảo hiểm, tín dụng, quản lý đất lúa. Cùng với đó, chất lượng và uy tín của lúa gạo Việt Nam sẽ được nâng cao trên trường quốc tế, thể hiện tốt việc thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, Đề án mang lại hiệu quả rất lớn về môi trường, thông qua việc áp dụng các quy trình canh tác bền vững, xử lý sau thu hoạch hiệu quả sẽ góp phần giảm phát thải khí nhà kính từ canh tác lúa, không gây tác hại xấu đến môi trường.
Tham gia Đề án, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo năm 2025 ở Trà Vinh dự kiến tăng 30%; trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40%; đến năm 2030, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%.
Nghệ An áp dụng canh tác lúa tưới ướt khô xen kẽ, giảm phát thải
Vụ xuân năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nghệ An cùng với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ, Viện nghiên cứu và phát triển cây trồng, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Công ty Green Carbon và đại diện tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã thực hiện dự án tưới ướt khô xen kẽ, giảm phát thải trên diện tích gần 6000 ha tại 5 huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Diễn Châu và Đô Lương. Kết quả vụ đầu cho thấy lúa trong hệ thống tưới ướt khô xen kẽ sinh trưởng của lúa tốt, đẻ nhánh khỏe, ít sâu bệnh, chống đổ tốt hơn. Năng suất ở các vùng dự án tưới ướt khô xen kẽ tương đương hoặc cao hơn so với tưới ngập truyền thống, trong khi giảm được đến 3 lần bơm tưới nước/vụ. Lượng khí CH4 phát thải giảm được đáng kể so với canh tác lúa gập truyền thống, và có thể được đăng ký thành tín chỉ carbon.
Thành công trong vụ đầu tiên triển khai trên diện tích lớn là cơ sở và tiền đề để Nghệ An tiếp tục mở rộng diện tích tưới tiết kiệm nước, giảm phát thải trên diện tích gần 13000 ha trong vụ hè thu này và dự kiến mở rộng diện tích áp dụng trong những năm tiếp theo.