Nhận thức rõ tầm quan trọng của tiêu chí môi trường trong xây dựng Nông thôn mới, thời gian qua, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị cũng như các địa phương và người dân trên địa bàn xã Tô Hiệu luôn quan tâm, coi trọng nhiệm vụ cải thiện, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống một cách toàn diện và đồng bộ. Nhờ vậy diện mạo nông thôn ở nhiều vùng miền trong huyện ngày một đổi mới, đời sống người dân không ngừng được nâng lên.
Xã Tô Hiệu là một xã nằm gần ở phía Nam huyện Thường Tín, cách trung tâm Hà Nội 20 km, phía Bắc giáp xã Thắng Lợi; phía Đông giáp xã Thống Nhất; phía Tây giáp xã Nghiêm Xuyên; phía Nam giáp xã Văn Tự. Xã Tô Hiệu với diện tích tự nhiên 553,76 ha, diện tích đất nông nghiệp 378,67 ha, có các đường giao thông huyết mạch như đường quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chạy qua, có nhiều đường liên thôn thuận lợi cho việc giao thông đi lại. Tô Hiệu có 4 thôn, tổng số 3.686 hộ với 12.397 nhân khẩu.
Ngay sau khi được UBND Thành phố công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017. Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định các nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của xã trong giai đoạn 2020 - 2025; tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề, nghị quyết định kỳ hàng tháng, thường xuyên giao ban tập trung thống nhất các biện pháp, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu về đích xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2023.
Đảng ủy xã kiện toàn BCĐ xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã làm Trưởng ban, đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Phó ban thường trực, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên BCĐ phụ trách từng lĩnh vực, từng nội dung tiêu chí, từng địa bàn dân cư, từng công việc cụ thể.
Việc thực hiện cảnh quan môi trường nông thôn tạo nên diện mạo NTM, do vậy, xã rất quan tâm đến tiêu chí này. Kết quả: Các khu kinh doanh dịch vụ, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản trên địa bàn xã đều có hệ thống thu gom, thoát nước mưa riêng biệt với hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung. Có công trình xử lý chất thải, công trình thu gom lưu giữ chất thải rắn, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, chế biến phù hợp với quy hoạch, có biện pháp thu gom, xử lý chất thải. Chất thải rắn, chất thải nguy hại được thu gom, phân loại chuyển đến đơn vị có chức năng xử lý theo quy định, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định. UBND xã đã ký hợp đồng với Công ty vệ sinh môi trường Thăng Long tổ chức hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại đến nhà máy xử lý hoặc bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Tất cả các điểm dân cư tập trung trên địa bàn xã đã có hệ thống tiêu thoát nước mưa và nước thải bảo đảm quy định theo quy chuẩn. Nước thải của khu dân cư phát sinh từ sinh hoạt của các hộ dân được thu gom bằng hệ thống cống rãnh có nắp đậy trong khu dân cư, sau đó tiêu xuống hệ thống mương thủy lợi do Công ty khai thác công trình Thủy lợi Hồng Vân quản lý.
Xã đã chỉ đạo, triển khai mô hình thùng rác có nắp đậy để phân loại chất thải rắn tại các điểm công cộng. Tất cả các thôn trong xã đã vận động nhân dân thực hiện phân loại chất thải rắn tại hộ gia đình, khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế và chất thải rắn sinh hoạt khác được đựng trong bao bì riêng và chuyển cho đơn vị thu gom, vận chuyển theo quy định. Tỷ lệ chất thải rắn nguy hại trên địa bàn được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường đạt 100%.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã về định hướng phát triển xã đến năm 2023 cơ bản trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Đảng ủy, HĐND, UBND xã và các đoàn thể chính trị - xã hội đã xây dựng, tổ chức thực hiện, vận động toàn dân tham gia có hiệu quả mục tiêu xây dựng cảnh quan, môi trường xanh – sạch – đẹp, an toàn. Hệ thống cây xanh đã được đầu tư trồng, chăm sóc trong toàn xã. Hội phụ nữ xã thực hiện mô hình đường hoa ở 4 thôn. Diện tích trồng cây xanh có tỷ lệ trung bình chung trên 4m2/người, 100% các điểm công cộng trên địa bàn xã như trụ sở xã, trường học, trạm y tế xã, trung tâm văn hóa thể thao, khuôn viên các công trình văn hóa, di tích, tôn giáo – tín ngưỡng, các tuyến đường trong khu dân cư và nội đồng…. đã được trồng cây xanh và các loại hoa. Hệ thống ao, hồ sinh thái được tạo mặt bằng thoáng và cảnh quan đẹp; đồng thời vẫn phục vụ cho sản xuất nuôi trồng thủy sản, tạo nguồn lợi kinh tế. Các tuyến đường làng, ngõ xóm đã được bê tông hóa, đảm bảo không lầy lội khi trời mưa.
Tất cả các thôn đều đã xây dựng và thực hiện quy ước, trong đó có nội dung giữ gìn vệ sinh chung, thu dọn vệ sinh, rác thải định kỳ. Nhân dân trong xã đã thực hiện cải tạo vườn chỉnh trang hàng rào bằng cây xanh, các loài hoa... đảm bảo mỹ quan và không gây cản trở giao thông. Tại các khu vực công cộng, không có hiện tượng xả nước thải, chất thải rắn không đúng quy định, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Xã đã chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện việc cải tạo ao, hồ, khu vực công cộng.… thành các khu vui chơi giải trí, khu vực tập thể dục, khu sinh hoạt cộng đồng, khu vực học bơi cho trẻ em.
UBND xã đã tuyên truyền, hướng dẫn vận động người dân không thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp vào hệ thống thoát nước, ao, hồ, kênh, rạch; thu gom chất thải nhựa, tái sử dụng, tái chế theo quy định. Tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được Công ty vệ sinh môi trường Thăng Long thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định.
Công tác bảo vệ môi trường được triển khai sâu rộng đến từng cơ quan, đoàn thể, từng hộ gia đình, từng thôn và được lồng ghép cùng với nội dung cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Các hộ gia đình, các thôn thực hiện xây dựng và ký hương ước, quy ước trong giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa. Đây chính là những giải pháp quan trọng góp phần tích cực đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nâng cao trên địa bàn xã.