Theo UBND TP.HCM, xây dựng thương hiệu vàng nông nghiệp nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, giá trị doanh nghiệp góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường… Đồng thời, việc này tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp, HTX tích cực đổi mới, sáng tạo, phát triển thương hiệu sản phẩm bền vững.
Xây dựng thương hiệu sản phẩm còn hạn chế
UBND TP.HCM cho biết, trong những năm qua các cấp, các ngành đã xây dựng nhiều giải thường và chứng nhận về thương hiệu sản phẩm, như: Giải thưởng Thương hiệu quốc gia Việt Nam, Giải thưởng Bông lúa Vàng Việt Nam, Giải thưởng Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam, Giải thưởng Thương hiệu Vàng TP.HCM.
Các giải thưởng và chứng nhận thương hiệu sản phẩm này phần lớn hướng đến nhiều ngành, nghề hoặc thương hiệu của các địa phương trên cả nước mà chưa có một giải thưởng riêng cho từng sản phẩm cụ thể nhằm khuyến khích phong trào xây dựng thương hiệu nông sản thành phố phát triển.
Mặc khác, UBND TP.HCM cũng đánh giá, việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp thành phố vẫn còn hạn chế, như: Các hoạt động xây dựng thương hiệu chưa được bài bản, chuyên nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, HTX chưa thực sự quan tâm đúng mức về tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm.
Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, các mô hình kinh tế HTX nông nghiệp ở thành phố thường không đáp ứng một số tiêu chí nhất định trong quá trình xét chọn các giải thưởng về thương hiệu của cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng.
Theo UBND TP.HCM, thành phố phấn đấu đến năm 2025 tổ chức lễ công bố Giải thưởng Thương hiệu vàng nông nghiệp TP.HCM. Và đến năm 2030, tổ chức lễ công bố giải thưởng này theo định kỳ 2 năm/lần.
Ngoài ra, so với các tỉnh, thành trên cả nước, thương hiệu của các đơn vị sản xuất nông nghiệp chủ lực, OCOP của TP.HCM chưa thật sự tạo được sức hút, người tiêu dùng trong nước chưa biết đến nhiều; sản phẩm bị mất thương hiệu, hoặc chưa có tiếng nói trên thị trường quốc tế.
Đi tìm sản phẩm nông nghiệp xây dựng thương hiệu vàng
Theo UBND TP.HCM, để tìm kiếm thương hiệu vàng sản phẩm nông nghiệp cho thành phố, TP.HCM ưu tiên phát hiện, lựa chọn các sản phẩm OCOP. Hiện, thành phố đang có 27 sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao và đang xét kiểm thêm 43 sản phẩm OCOP trong năm 2023.
Ngoài ra, TP.HCM còn tìm kiếm từ các sản phẩm chủ lực và tiềm năng của ngành nông nghiệp thành phố. Các sản phẩm tiêu biểu, đặc sản địa phương của thành phố phù hợp với tiêu chí các giải thưởng để định hướng, có chính sách hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, tham gia hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng kênh tiêu thụ, gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu cho các sản phẩm.
Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, ngành nông nghiệp thành phố đang tập trung phát triển nhóm 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, gồm: Rau; hoa, cây kiểng; bò sữa; lợn; tôm nước lợ và cá cảnh. Đây là những sản phẩm nông nghiệp đáp ứng các tiêu chí là sản phẩm chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của thành phố và có xu hướng phát triển ổn định; sản phẩm phù hợp với điều kiện sinh thái, truyền thống và kinh nghiệm sản xuất trên địa bàn thành phố và có khả năng cạnh tranh phát triển; phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Các nhóm sản phẩm chủ lực nêu trên cũng có khả năng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, tạo sản phẩm đạt năng suất, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; sản phẩm có tiềm năng mở rộng thị trường sản xuất giống cung cấp cho thành phố và các tỉnh; có điều kiện tham gia các chuỗi liên kết và cung ứng, sơ chế, đóng gói, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu; có lợi nhuận, giá trị tăng cao; có hiệu quả xã hội và giải pháp giảm ô nhiễm môi trường.