Với mong muốn giúp đỡ nông dân giải quyết khó khăn về đầu ra, các ngành chức năng và doanh nghiệp (DN) đều có những nỗ lực nhất định.
Hỗ trợ người trồng thanh long
Trong một buổi đối thoại với người dân vào giữa năm 2022, Bí thư Huyện ủy Châu Thành - Lê Quốc Dũng kêu gọi người trồng thanh long đừng chuyển sang cây trồng khác. Ông phân tích, so với các loại cây trồng khác, thanh long vẫn là cây mang lại lợi nhuận kinh tế cao nếu đáp ứng đúng các yêu cầu của DN thu mua, cụ thể là sản xuất thanh long sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Nhằm giúp nông dân có điều kiện tái sản xuất thanh long, Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các địa phương hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện dễ dàng, nhanh chóng khi có nhu cầu.
Huyện đã và đang triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân trong việc trồng lại các vườn thanh long già cỗi, hư hại cũng như ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Địa phương còn nỗ lực kết nối nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ trái thanh long.
Trước đây, cây thanh long làm "thay da, đổi thịt" nhiều địa phương, nhiều hộ dân giàu lên nhờ cây thanh long
Tại Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 do Bộ NN&PTNT tổ chức, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính đã chỉ đạo cần có lộ trình để giải quyết những vướng mắc trong xuất khẩu nông sản; đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển đổi số và ứng dụng khoa học - công nghệ, công nghệ cao, thông minh trong sản xuất nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; làm tốt dự báo cung - cầu, thông tin về tình hình thị trường, kết nối giữa người sản xuất với người tiêu dùng; giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường, tiếp tục tháo gỡ rào cản để thâm nhập vào các thị trường mới; coi trọng thị trường nội địa, có chiến lược đưa hàng hóa từ nông thôn về thành thị, xây dựng thương hiệu nông sản Việt. |
Cuối năm 2022, UBND huyện Châu Thành tăng nguồn vốn ủy thác cho Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện trong năm 2023 lên 10 tỉ đồng; đồng thời, vận động mạnh thường quân gửi ủy thác thêm 5 tỉ đồng nhằm hỗ trợ nông dân trong quá trình tái sản xuất thanh long. Ngoài ra, huyện còn phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Viện Cây ăn quả miền Nam hỗ trợ, tư vấn người dân trồng mới thanh long, chú trọng về kỹ thuật khử trùng, tiêu hủy mầm bệnh tại các vườn bị bệnh nặng, quy trình canh tác hữu cơ, quy hoạch nâng cấp lại vườn thanh long theo hướng chất lượng cao, ứng dụng cơ giới hóa,...
Việc hỗ trợ nông dân liên kết với DN, đăng ký mã số vùng trồng, ứng dụng phần mềm quản lý nông nghiệp thông minh, hướng đến nền sản xuất hiện đại, kết hợp khai thác du lịch sinh thái,... cũng được địa phương chú trọng.
Sở NN&PTNT tiếp tục tập trung hỗ trợ, hướng dẫn người trồng thanh long sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và các thiết bị phục vụ sản xuất, hướng dẫn quy trình sản xuất thanh long theo hướng sạch...; đồng thời, tập trung các giải pháp quản lý sử dụng chỉ dẫn địa lý thanh long Châu Thành.
Hiện tỉnh triển khai in ấn và cấp 140.000 tem cho 4 tổ chức được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý thanh long huyện Châu Thành, gồm: Hiệp hội Thanh long Long An, HTX Nông nghiệp Thanh Phú Long, HTX Thanh long Dương Xuân, HTX Thanh long Tầm Vu.
Giải quyết đầu ra
Nhằm giải quyết khó khăn do Lệnh 248 và 249 của Trung Quốc, tạo đầu ra ổn định cho trái thanh long, Sở NN&PTNT phối hợp Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật triển khai các quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, quy trình thiết lập, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói và quản lý mã số vùng trồng cho các địa phương.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tỉnh - Trần Quốc Quân thông tin, việc tạo ra những sản phẩm chế biến ngay từ vùng nguyên liệu thanh long dồi dào là hướng đi đúng đắn nhằm tìm thêm đầu ra cho trái thanh long. Điều này không những giải quyết vấn đề tiêu thụ trong những lúc dư thừa mà còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng cho trái thanh long Châu Thành.
Đa dạng sản phẩm từ trái thanh long
Nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã nghiên cứu sản phẩm mới từ trái thanh long như rượu vang thanh long, si rô thanh long, thanh long sấy, dầu hạt thanh long và sản phẩm lưu niệm làm từ hạt thanh long,...
Công ty TNHH MTV Sản xuất rượu thanh long do anh Trần Quốc Trọng (xã Long Trì, huyện Châu Thành) làm giám đốc là một trong những công ty tiên phong trong việc đa dạng hóa sản phẩm từ trái thanh long. Anh Trọng cho biết, cứ 5 tấn thanh long sẽ cho ra 1.000 lít rượu thanh long. Ngoài ra, công ty còn làm mứt thanh long, son môi và nước hoa khô từ dầu hạt thanh long.
Bên cạnh đó, nhiều DN sản xuất, kinh doanh sản phẩm thanh long sấy như Cơ sở Sản xuất, kinh doanh Long Châu (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành); Công ty Cổ phần Thực phẩm HG (xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa) cũng góp phần đa dạng các sản phẩm từ trái thanh long. Thanh long sấy dẻo, thanh long sấy giòn là những sản phẩm đang được kỳ vọng làm gia tăng chuỗi giá trị trái thanh long.
Đa dạng sản phẩm từ trái thanh long
Để bảo đảm hoạt động sản xuất, tiêu thụ thanh long, ngoài các chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư nhà máy chế biến thanh long, tỉnh tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các DN đầu tư công nghệ, thiết bị để chế biến các sản phẩm có chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường và góp phần làm giảm áp lực khâu tiêu thụ trái thanh long tươi.
Tuy nhiên, những nỗ lực hỗ trợ người trồng cũng như tìm đầu ra cho trái thanh long hiện tại vẫn khá khiêm tốn so với quy mô trồng thanh long của tỉnh và chưa thể giúp người dân yên tâm sản xuất. Việc dừng lại hay tiếp tục sản xuất thanh long vẫn là câu hỏi khó trả lời của nông dân./.
Hơn 20 năm nay, tôi trồng thanh long theo hướng truyền thống. Nay xu hướng thị trường đổi mới và hội nhập, thanh long muốn xuất khẩu ổn định thì phải đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP, phải liên kết sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác chứ không thể sản xuất đơn lẻ. Theo như Nhà nước vận động trồng thanh long sạch, tôi nghĩ mình có thể đáp ứng yêu cầu”. Bà Nguyễn Thị Oanh (xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành) Tôi tham gia Tổ hợp tác liên kết sản xuất thanh long sạch ấp Vĩnh Xuân A. Hiện tại, tôi có khoảng 3.000m2 sản xuất thanh long sạch. Quy trình sản xuất cũng không quá khó vì được hợp tác xã hỗ trợ về kỹ thuật để vườn thanh long đạt chất lượng tốt nhất. Để thanh long có đầu ra ổn định, nông dân phải liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thì mới có điều kiện chứng nhận sản phẩm sạch, sản phẩm được xuất khẩu”. Ông Lê Văn Tèo (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) Tôi lớn tuổi nên nghĩ mình không đủ sức khỏe, khả năng để sản xuất thanh long theo hướng hiện đại. Vả lại, sau 2 năm dịch Covid-19, kinh tế gia đình tôi không mấy khá giả, việc vay vốn để đầu tư và chờ đợi đầu ra sẽ đẩy gia đình tôi vào khó khăn”. Bà Nguyễn Thị Phỉ (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) |
Nhóm PV