Chị Lê Thị Điệp (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) cùng con trai thu hoạch thanh long. Ảnh:Việt Quốc. |
Tại buổi họp trực tuyến với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chiều 11/8, lãnh đạo với các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng (đơn vị có cửa khẩu biên giới xuất khẩu nông sản) cho biết, việc xuất khẩu qua cửa khẩu vẫn còn nhiều khó khăn, tình trạng ùn ứ nông sản còn nhiều.
Trong khi đó, Trung Quốc đang tăng cường kiểm tra, khử trùng hàng hóa, phương tiện vận chuyển hàng xuất khẩu từ vùng dịch của Việt Nam. Đồng thời, họ cũng đang siết chặt thực hiện quản lý và truy xuất nguồn gốc hàng hóa... khiến thời gian thông quan kéo dài.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch với đội lái xe chuyên trách nên làm tăng thời gian giải phóng hàng, đôi khi khi xảy ra ùn ứ cục bộ.
Theo ông Bùi Văn Khắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), khi phía Trung Quốc lấy mẫu trên thùng xe chở thanh long Việt Nam có phát hiện dương tính với nCoV. Họ đã dừng thông quan một ngày để làm công tác khử khuẩn. Sau vụ việc, thông quan trái cây chậm. Ước tính mỗi ngày chỉ 20-30 xe qua được cửa khẩu. Phía Trung Quốc cũng đã thông báo về việc cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai) sẽ dừng nhập khẩu thanh long Việt Nam từ 0h ngày 18/7 đến 24h ngày 17/8.
Không riêng trái thanh long, tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), đầu tháng 8, phía Trung Quốc phát hiện mẫu virus ở măng cụt của Việt Nam nên đã tăng cường kiểm soát dịch bệnh chặt.
Ngoài khó khăn trên, ông Khắng cũng cho biết, phía Trung Quốc sắp áp dụng biện pháp xuất khẩu an toàn thực phẩm với Việt Nam và có hiệu lực từ 1/1/2022. Do đó, hoạt động xuất khẩu sẽ chặt hơn nên đề nghị Bộ và Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tháo gỡ khó khăn.
Trả lời về vấn đề trên, Tham tán Kinh tế - Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Hồ Toả Cẩm cho biết, đã trao đổi với Bộ Thương mại Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, theo cơ quan quản lý Trung Quốc, dịch bệnh tại Việt Nam đang khá phức tạp, Việt Nam cần khử khuẩn các phương tiện chở hàng, tài xế cũng cần tăng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để tránh lây nhiễm trên hàng hoá. Ngoài ra, để hoàn tất khâu lưu thông nhanh, hàng hoá Việt Nam (nếu được) nên có giấy xét nghiệm âm tính trên sản phẩm để hải quan Trung Quốc căn cứ kiểm tra.
"Chúng tôi áp dụng các biện pháp này với tất cả nước không chỉ riêng Việt Nam, với mục đích để kiểm soát bệnh tật. Do đó, phía Việt Nam kiểm soát tốt thì hoạt động thông quan sẽ sớm được tháo gỡ cho các mặt hàng trên", ông Cẩm nói.
Đồng thời, vị này cho biết, sắp tới sẽ thúc đẩy nhanh việc ký Nghị định Thư trong xuất khẩu nông sản giữa 2 nước để việc kiểm hàng hoá sản phẩm dễ dàng hơn. Khi Nghị định Thư được ký, Việt Nam có thể giảm tỷ lệ kiểm hoá 100% lô hàng xuống còn 30% hoặc thấp hơn.
Bên cạnh các khó khăn trên, theo lãnh đạo các tỉnh, thị trường Trung Quốc hiện nay đòi hỏi rất cao về chất lượng, mẫu mã, bao bì, quy cách đóng gói, đặc biệt là Trung Quốc rất chú trọng mã số vùng trồng. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với hàng hóa của tất cả quốc gia.
Do đó, lãnh đạo các tỉnh đề nghị Bộ cần đẩy mạnh xây dựng các mã số vùng trồng đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, đảm bảo minh bạch, an toàn đối với hàng rau quả của Việt Nam.
Về phía các doanh nghiệp, sở nông nghiệp các tỉnh và thương lái cần có kế hoạch cụ thể về sản lượng, thời gian thu hoạch nông sản để phân bổ nguồn hàng lưu thông hợp lý. Doanh nghiệp không nên đưa hàng tấp nập lên biên giới mà phải phân bổ thời gian và giãn cách lượng xe giao hàng hợp lý để không chồng chéo. Khi đó, xe hàng tới là được lưu thông nhanh không phải lưu kho quá lâu hay xếp hàng chờ đợi.