Nghề nuôi cá cảnh mang lại cho ông Hồ Nhuận Đăng Sơn (phường 7, TP.Tân An) nguồn thu nhập ổn định
Trước khi thành công với nghề nuôi cá cảnh, ông Sơn từng nuôi gà nhưng trắng tay vì dịch cúm gia cầm năm 2003. Không nản lòng, ông quyết định tìm hướng đi mới. Từng là kỹ sư chăn nuôi, thú y, ông nhận thấy tiềm năng phát triển của nghề nuôi cá cảnh nên theo đuổi và duy trì đến nay. Hiện ông là Chánh Văn phòng Hội Sinh vật cảnh tỉnh, phụ trách về cá cảnh ở Long An.
Cơ sở nuôi cá cảnh của ông Sơn có tổng diện tích 2.300m2 với hơn 300 hồ kính, 1,2ha ao nuôi và 500 bể bạt lớn, nhỏ. Ông nuôi nhiều loại cá như cá dĩa, cá bảy màu, cá molly,... có mức giá từ vài ngàn đến vài triệu đồng/con. Các loại cá được thương lái xuất khẩu sang Đông Nam Á, Trung Đông, bỏ sỉ cho các chợ cá cảnh ở TP.HCM và bán lẻ tại cửa hàng của gia đình. Nhờ đó, ông có thu nhập khá cao, từ 3-6 tỉ đồng mỗi năm.
Ông Sơn cho biết: “Nuôi cá cảnh có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng người nuôi phải có kinh nghiệm, kỹ thuật thì tỷ lệ cá sống mới cao, mang lại lợi nhuận tốt. Cá cảnh chỉ cần nuôi trong hồ, thùng xốp, bể bàn,... nên người nuôi có thể chủ động điều chỉnh nhiệt độ, độ pH, nồng độ oxy trong nước".
Khi mới bắt đầu theo nghề, ông gặp nhiều khó khăn do cá bị bệnh, chết vì môi trường nước không phù hợp, thiếu kinh nghiệm chăm sóc. Vì thế, ông tập trung nghiên cứu, tìm tòi tài liệu, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và dần dần nuôi cá đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, ông Sơn còn chủ động cập nhật công nghệ mới như sử dụng hệ thống sủi nano để nâng nồng độ oxy cao trong hồ, bể, giúp cá mau lớn, khỏe, ăn nhiều.
Với hơn 15 năm gắn bó với nghề, cá dĩa là một trong những loài làm nên thương hiệu “vua cá cảnh” cho ông Sơn. Đây là loài cá được ông nghiên cứu, tự lai tạo và nhân giống với số lượng nhiều để cung cấp cho thị trường. Hiện ông nuôi nhiều loại cá dĩa như bồ câu, red (đỏ), albino (bạch tạng), beo,...
Ông Sơn chia sẻ: “Bình thường, cá dĩa chỉ cần độ pH trong nước từ 6,8-7 nhưng khi sinh sản cần thay đổi độ pH thấp, khoảng 5-6,5. Tôi còn cung cấp nhiều loại thức ăn cho cá như trùn chỉ, tim bò, thức ăn viên, artemia, bobo,... Nơi nuôi cá đều bố trí vách tôn để làm nhiệt độ cao, nếu trời lạnh cần bật đèn hồng ngoại để sưởi. Nhờ kỹ thuật nuôi tốt, các loài cá dĩa trưởng thành bán ra đều có giá ít nhất khoảng 500.000-700.000 đồng/con".
Cá dĩa được nuôi trong hồ kiếng cần bảo đảm độ pH, nhiệt độ nước phù hợp
Lo sợ cá bị bệnh nên mỗi buổi cho ăn, ông đều quan sát kỹ. Khi phát hiện triệu chứng bất thường, ông lập tức cách ly cá, xử lý hồ bằng thuốc nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế. Ông Sơn nói: "Người nuôi không nên để xảy ra các triệu chứng như bầy cá tụ lại với nhau, ăn ít, lảo đảo mới xử lý bệnh mà phải điều trị trước, tránh để lây lan cho nhiều con khác".
Thời gian qua, ông Sơn tìm hiểu về thị trường online để tiếp cận với nhiều khách hàng, tạo thương hiệu cho cơ sở. Ông Sơn chia sẻ thêm: “Từ năm 2023, tôi đăng hình cá trên Facebook, Zalo để quảng bá đến nhiều người hơn, bán trên phạm vi toàn quốc. Tôi cũng chú trọng khâu vận chuyển để bảo đảm cá vẫn sống khi đến tay người mua. Sắp tới, tôi dự định đăng các video về cá lên TikTok để thu hút nhiều sự chú ý”.
Không chỉ làm giàu từ nghề nuôi cá cảnh, ông Sơn còn giúp đỡ, chia sẻ kỹ thuật nuôi với nhiều nông dân khác. Nhiều năm qua, ông cùng Hội Sinh vật cảnh tỉnh thường tổ chức các buổi hội thảo, mời chuyên gia từ Trường Đại học Nông Lâm (TP.HCM) về dạy kỹ thuật nuôi cá cảnh cho nông dân. Ông còn tạo điều kiện giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, triển lãm giữa chi hội cá cảnh các tỉnh. Ông đang làm đề tài Hoàn thiện quy trình sinh sản và ương nuôi một số dòng cá bảy màu, dự kiến năm 2025 sẽ tổ chức tập huấn cho hội viên, nông dân về nội dung này.
Năm 2018, ông đoạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông tỉnh Long An về Giải pháp công nghệ sinh sản cá ông tiên. Ông còn được công nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc qua chương trình Tự hào nông dân Việt Nam năm 2020. Năm 2021, ông được Hội Sinh vật cảnh Việt Nam trao danh hiệu Nghệ nhân sinh vật cảnh Việt Nam./.
Hoàng Lan