Hiệu quả từ sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh có hơn 59.672ha lúa ƯDCNC, đạt 99,5% kế hoạch giai đoạn 2016-2025. Năng suất lúa các mô hình sản xuất ƯDCNC đạt từ 62-89 tạ/ha, cao hơn so với bên ngoài từ 1-5 tạ/ha. Chi phí sản xuất giảm bình quân từ 0,5-4,3 triệu đồng/ha.
Sản phẩm lúa được bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường từ 100-300 đồng/kg, lợi nhuận bình quân 27 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình từ 2,8-3,2 triệu đồng/ha.
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) có 120 thành viên chính thức. Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp hơn 560ha. Với sự thành công trong ƯDCNC vào sản xuất, HTX đang xây dựng quy trình sản xuất lúa đạt chuẩn VietGAP và từng bước chuyển sang sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.
Nông dân ứng dụng máy sạ hàng vào sản xuất lúa
Giám đốc HTX Nông nghiệp Gò Gòn - Trương Hữu Trí cho biết: “Thực hiện ĐA 1 triệu hécta lúa chất lượng cao giảm phát thải trong vụ Đông Xuân 2023-2024 và Hè Thu 2024, lượng giống gieo sạ giảm xuống 80kg/ha, áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm”, đưa cơ giới hóa vào sản xuất,... từ đó đạt một số kết quả khả quan, nhất là giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận”.
Ông Mai Văn Rết (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) trước đây sản xuất theo kiểu truyền thống, năng suất bấp bênh, thường xuyên bị thương lái ép giá. Từ khi địa phương triển khai sản xuất ƯDCNC trên cây lúa, năng suất ổn định hơn trước, không những giảm chi phí sản xuất mà còn được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng, trong năm 2024, huyện phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh thực hiện 1 vùng lúa (400ha) ƯDCNC gắn với tiêu thụ sản phẩm tại HTX Nông nghiệp xã Tuyên Bình Tây và nhân rộng 12 mô hình lúa ƯDCNC tại các xã: Thái Trị, Tuyên Bình, Tuyên Bình Tây, Khánh Hưng, Hưng Điền A,... Qua đánh giá, hầu hết các mô hình đều đạt năng suất cao, nông dân có lợi nhuận cao hơn từ 2-3 triệu đồng so với ngoài mô hình.
HTX Dịch vụ, Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng) là một trong những HTX tiêu biểu của huyện trong thực hiện các mô hình sản xuất lúa ƯDCNC. Theo Giám đốc HTX Dịch vụ, Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm - Bùi Văn Tuấn, nếu như trước đây, nông dân quen với tập quán sản xuất lúa sử dụng nhiều giống, phân bón và thuốc hóa học thì từ khi tham gia mô hình sản xuất lúa ƯDCNC, nông dân đã dần thay đổi tập quán này. Qua đó, không chỉ giúp đầu ra được bảo đảm mà chất lượng lúa, giá bán cũng cao hơn trước.
“Thời gian qua, HTX áp dụng gần như hoàn toàn cơ giới hóa vào quá trình sản xuất. Theo đó, khu vực sản xuất của HTX được bơm tưới toàn bộ bằng điện; khâu phun thuốc bảo vệ thực vật, rải phân bón đều sử dụng thiết bị bay không người lái. Song song đó, HTX thực hiện dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống). Dịch vụ trước và sau thu hoạch hay tiêu thụ sản phẩm đều được HTX thực hiện khép kín 100%. Qua đó, lợi nhuận của các thành viên tăng khoảng 15% so với trước khi tham gia HTX” - ông Bùi Văn Tuấn cho biết.
Tập trung thực hiện đề án
ĐA 1 triệu hécta lúa chất lượng cao giảm phát thải là cơ hội vàng cho ngành Nông nghiệp nói chung và các HTX, nông dân nói riêng bởi nông nghiệp sạch, chất lượng cao, phát thải thấp là xu hướng hiện nay. Theo đó, khi các sản phẩm do nông dân làm ra phù hợp với nhu cầu thế giới sẽ góp phần khẳng định uy tín, vị thế ngành hàng lúa - gạo của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Bình (xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh) là HTX được UBND huyện chọn làm điểm thực hiện mô hình trình diễn canh tác lúa chất lượng cao giảm phát thải áp dụng máy sạ hàng hiệu ứng đường biên và bón vùi phân bón. Diện tích thực hiện mô hình điểm là 14ha với 7 hộ dân tham gia. Theo đó, nông dân thực hiện mô hình sẽ sử dụng lượng giống gieo sạ là 80kg/ha và lượng phân bón 200kg/ha. Với phương pháp sản xuất này, nông dân vừa giảm được lượng giống, vừa bảo đảm không bón phân trong 45 ngày đầu gieo sạ. Ngoài ra, việc bón vùi phân còn góp phần giảm thất thoát và giảm hiệu ứng nhà kính.
Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Bình - Đặng Rô Săng cho biết: “Khi tham gia thực hiện mô hình, thành viên của HTX được hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, kết cấu hạ tầng; cung cấp giống lúa chất lượng cao; hỗ trợ tiếp cận thị trường tiêu thụ ổn định; được hỗ trợ các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp, chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát triển đất trồng lúa và các chính sách trong khuôn khổ ĐA; được chia sẻ lợi ích từ việc bán tín chỉ carbon;...”.
Năng suất lúa của các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao đạt từ 62-89 tạ/ha
Theo kế hoạch thực hiện ĐA, từ nay đến hết năm 2025, toàn tỉnh tiếp tục thực hiện 44 mô hình canh tác lúa chất lượng cao giảm phát thải tại 8 địa phương vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh với tổng diện tích các mô hình là 895ha.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin, là tỉnh có diện tích lúa đứng thứ 4 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời, có lợi thế, nền tảng vững chắc là vùng lúa ƯDCNC tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh đăng ký thực hiện ĐA với tổng diện tích 125.000ha lúa chất lượng cao vào năm 2030.
Hiện tỉnh tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) trên địa bàn tỉnh với diện tích 60.000ha.
Theo đó, tại các vùng thực hiện ĐA 1 triệu hécta lúa chất lượng cao giảm phát thải, nông dân sẽ giảm lượng giống gieo sạ xuống dưới 70kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như “1 phải, 5 giảm”, SRP, tưới ướt - khô xen kẽ, các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.
“Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp các sở, ngành liên quan, các chi cục trực thuộc và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung rà soát, triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ nhằm giúp các HTX, nông dân thực hiện thành công ĐA” - ông Nguyễn Thanh Truyền thông tin thêm./.
Bùi Tùng