|
  • :
  • :

Ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi tạo hướng phát triển bền vững

Thời gian qua, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế của người chăn nuôi, đe dọa sức khỏe cộng đồng và đang có nguy cơ tiếp tục gia tăng.

Ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi giúp nâng cao chất lượng đàn bò

Đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có khoảng 110.000 con bò, bằng 98,8% so cùng kỳ năm 2023. Để nâng cao hiệu quả và giá trị sản xuất trong nuôi bò thịt, ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ người dân áp dụng KHKT, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng giống bò. Nhờ đó, đàn bò ngày càng được cải thiện về chất lượng, góp phần tăng năng suất, thu nhập cho người chăn nuôi.

Từ năm 2021 đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai xây dựng 5 mô hình điểm về chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại huyện Đức Huệ, Tân Trụ và Thủ Thừa. Theo đó, khi tham gia mô hình, hộ chăn nuôi được hỗ trợ giống bò cái sinh sản, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi; đồng thời, được hỗ trợ kinh phí mua trang thiết bị như máy cắt cỏ, máy băm cỏ;…

Bên cạnh đó, ngành cũng đẩy mạnh công tác chuyển đổi giống bò cái sinh sản. Từ năm 2022 đến nay, ngành hỗ trợ chuyển đổi 285 con bò cái sinh sản cho các hộ dân tại các huyện: Đức Hòa, Đức Huệ, Thủ Thừa và Tân Trụ.

Ngoài ra, ngành còn tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân, tập trung các nội dung: Kỹ thuật thiết kế chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng bò, kỹ thuật phòng ngừa dịch bệnh, kỹ thuật gieo tinh nhân tạo,...

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Huỳnh Thị Kim Phượng, Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã tạo chuyển biến rõ rệt đối với người chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, hiệu quả bước đầu của một số mô hình điểm, chuyển đổi giống, làm chủ kỹ thuật thiết kế khẩu phần, kỹ thuật ủ chua thức ăn để dự trữ, làm đá khoáng, xử lý chất thải,... đã nâng cao hiệu quả kinh tế và đáp ứng yêu cầu của chương trình là chủ động được nguồn bò giống, nâng cao giá trị đàn bê con tăng hơn 30% giá trị cũng như trọng lượng, khoảng cách 2 lứa đẻ từ 2-3 năm/con giảm còn khoảng 2 năm/con; thậm chí có những hộ giảm còn khoảng 14 tháng/con; qua đó, giúp rút ngắn được thời gian tăng đàn.

“Nâng cao chất lượng giống bò là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển nghề chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ người dân ứng dụng KHKT vào chăn nuôi đã góp phần nâng cao chất lượng đàn bò, tăng năng suất, thu nhập cho người chăn nuôi” - bà Huỳnh Thị Kim Phượng cho biết thêm.

Tại huyện Tân Trụ, thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện tập trung hỗ trợ chuyển giao KHKT cho người chăn nuôi. Ngành Nông nghiệp huyện phối hợp thực hiện mô hình trình diễn “Kỹ thuật chăn nuôi gà thịt theo hướng hữu cơ” tại hộ ông Phạm Văn Nhỏ (ấp Bình Hòa, xã Bình Trinh Đông). Quy mô thực hiện trên đàn gà 2.000 con.

Theo đó, ngành Nông nghiệp huyện hỗ trợ một phần kinh phí về con giống, thức ăn hỗn hợp, vắc-xin, hóa chất sát trùng, chế phẩm sinh học, vi sinh,... với tổng kinh phí 35 triệu đồng, còn lại do hộ chăn nuôi đối ứng.

Thực hiện mô hình, hộ nuôi chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, có kiểm dịch; khu vực nuôi cách ly, tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh, chú trọng bổ sung chế phẩm vi sinh, thảo dược, rau xanh, vitamin cho gà; chuồng trại sạch, sử dụng đệm lót sinh học, vệ sinh sát trùng xung quanh chuồng trại định kỳ. Cùng với đó, hộ nuôi đầu tư hệ thống cho ăn, uống tự động để tránh rơi vãi, thất thoát thức ăn và giảm công lao động.

Đưa chúng tôi đi thăm khu vực nuôi gà, ông Nhỏ khoe hệ thống máng ăn, uống tự động và máy trộn thức ăn mới được đầu tư. Ông Nhỏ chia sẻ: “Việc áp dụng KHKT hiện đại vào nuôi gà giúp tôi giảm sức lao động, tiết kiệm chi phí thuê nhân công, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm”.

Hướng đến phát triển bền vững

Hệ thống chuồng trại của trang trại Ngô Thị Huỳnh Nga (xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa) được đầu tư hiện đại

Theo ông Lê Thành Tài - Đại diện trang trại Ngô Thị Huỳnh Nga (xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa), trang trại chủ yếu nuôi vịt thương phẩm và vịt lấy trứng. Từ năm 2014 đến nay, trang trại đã áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín theo hướng an toàn sinh học. Hiện trang trại có hệ thống chuồng trại tiên tiến, hiện đại; có máy đo nhiệt độ, độ ẩm cho từng khu vực chuồng nuôi và tiếp tục đầu tư nâng cấp khu vực chăn nuôi.

Nhìn chung, hầu hết các chủ trang trại chăn nuôi có quy mô vừa và lớn trên địa bàn tỉnh đã chủ động hơn trong ứng dụng KHKT vào sản xuất. Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến khích người dân phát triển trang trại chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô vừa và lớn; ứng dụng công nghệ cao; tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế như heo thịt, gà lông màu,...

Đồng thời, khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư KHKT, công nghệ cao vào sản xuất như ứng dụng công nghệ chuồng kín; máng ăn, uống tự động; đệm lót sinh học; sử dụng công nghệ xử lý chất thải;... nhằm góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập từ chăn nuôi.

Máy đo nhiệt độ, độ ẩm được trang bị cho từng khu vực chuồng nuôi giúp trang trại Ngô Thị Huỳnh Nga (xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa) kiểm soát được môi trường sống của đàn vịt

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh, phần lớn người dân vẫn chăn nuôi theo quy mô nhỏ; hệ thống chuồng trại hầu hết tận dụng diện tích sân vườn của gia đình; người chăn nuôi chưa chú trọng đầu tư máy móc, công nghệ vào quy trình chăn nuôi;...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh thông tin: Thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng KHKT vào chăn nuôi, chú trọng phát triển những sản phẩm chăn nuôi chủ lực phù hợp với lợi thế của từng địa phương và nhu cầu của thị trường; tạo điều kiện cho người chăn nuôi tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô, đầu tư chuồng trại khép kín, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tập trung; tiếp cận với các giống mới có năng suất, chất lượng cao; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, tổ chức liên kết sản xuất giữa các khâu trong chuỗi giá trị để giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Thú y; sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng, tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh theo quy định.

“Ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục khuyến khích phát triển các mô hình trang trại chăn nuôi khép kín, nơi tất cả các khâu sản xuất từ chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ đều được kiểm soát chặt chẽ. Các mô hình này không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất mà còn bảo đảm chất lượng sản phẩm và giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh” - bà Đinh Thị Phương Khanh thông tin thêm.

Tỉnh định hướng phát triển ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại hóa kết hợp ứng dụng công nghệ cao và quản lý tốt môi trường. Những bước đi này không chỉ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tài nguyên thiên nhiên, hướng đến một nền chăn nuôi ổn định và phát triển bền vững./.

Bùi Tùng

Nguồn: https://baolongan.vn/ung-dung-khoa-hoc-ky-thuat-trong-chan-nuoi-tao-huong-phat-trien-ben-vung-a185970.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin