Giá lúa đồng loạt giảm mạnh 400 – 900 đồng/kg
Giá lúa gạo hôm nay ngày 21/2 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm mạnh với cả lúa và gạo. Theo đó, tại An Giang, cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, giá lúa tươi các loại được thương lái mua tại ruộng giá giảm.
Cụ thể, lúa IR 504 ở mức 8.400 - 8.600 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức 8.600 - 9.000 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 8.600 - 9.000 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 8.400 - 8.800 đồng/kg; Nàng Hoa 9 duy trì ổn định ở mức 8.600 - 9.000 đồng/kg; lúa OM 380 dao động quanh mốc 8.400 - 8.600 đồng/kg.
Tại Kiên Giang, hiện nhiều địa phương như An Biên đã thu hoạch rộ lúa Đông Xuân. Bà con nông dân chủ yếu trồng lúa Đài Thơm, với giá bán dao động 8.600 - 9.000 đồng/kg.
Ghi nhận tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đầu tuần giao dịch lúa mới chậm. Giá gạo giảm mạnh nên thương lái và doanh nghiệp ngưng mua, quan sát thị trường.
Trên thị trường gạo, hôm nay giá gạo các loại tiếp tục đà giảm so với hôm qua. Tại An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp gạo về nhiều song các kho chỉ mua cầm chừng, giao dịch chậm, giá giảm.
Cụ thể, tại các kho gạo chợ tại An Cư, Cái Bè (Tiền Giang), giá gạo nguyên liệu OM 18, Đài thơm 8 ở mức 12.300 – 12.400 đồng/kg và 12.600 - 12.700 đồng/kg, giảm 400 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 5451 dao động quanh mức 11.800 - 11.900 đồng/kg, giảm 400 đồng/kg.
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam quay đầu giảm mạnh từ 8 – 25 USD/tấn. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá gạo 25% tấm ở mức 608 USD/tấn, giảm 8 USD/tấn; gạo 5% tấm ở mức 628 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 508 USD/tấn, giảm 25 USD/tấn.
Về nguyên nhân giá gạo xuất khẩu của ta đột ngột giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện đang vào vụ mùa chính của năm 2024 nên lượng cung dồi dào, dẫn tới việc các nhà nhập khẩu tìm cách trì hoãn đặt hàng, với mong muốn giá có thể giảm sâu hơn nữa. Không chỉ Việt Nam mà nguồn cung lúa gạo của các nước xuất khẩu khác cũng tăng lên.
“Các giao dịch chào bán thời điểm này của doanh nghiệp có phần thận trọng hơn bởi giá gạo xuất khẩu đang có xu hướng giảm. Giá xuống đột ngột quá nên khách hàng có xu thế chờ giá giảm thêm hoặc chờ thị trường ổn định mới hỏi mua”- ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ (Long An)- chia sẻ với báo chí.
Tuy nhiên, theo phân tích của các doanh nghiệp xu thế giảm của giá gạo sẽ không kéo dài bởi những doanh nghiệp có đủ điều kiện tài chính sẽ nhập hàng, sau đó sẽ bán ra khi hết mùa thu hoạch. Hiện nhu cầu lương thực của các nước vẫn rất cao nhưng nguồn cung lại hạn chế vì thời tiết năm nay bất lợi trên toàn cầu, đặc biệt là dịch bệnh muỗi hoành hành với rầy trắng ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất mùa vụ. Vì thế giá lúa gạo sẽ khó giảm sâu.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 1/2024 (1-15/1), cả nước xuất khẩu 194.074 tấn gạo, kim ngạch đạt 134,57 triệu USD.
So với cùng kỳ 2023, lượng gạo xuất khẩu giảm gần 32.000 tấn, tuy nhiên, kim ngạch tăng gần 20 triệu USD.
Lượng giảm, kim ngạch tăng nên trị giá bình quân mỗi tấn gạo xuất khẩu cũng tăng khá cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, nửa đầu tháng 1/2024, bình quân mỗi tấn gạo xuất khẩu thu về khoảng 693 USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ khoảng 507 USD/tấn. Như vậy, trị giá xuất khẩu gạo bình quân tăng tới 36,68%.
Trước đó, năm 2023 ghi nhận kết quả kỷ lục về xuất khẩu gạo với hơn 8,1 triệu tấn, kim ngạch gần 4,7 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch so với năm 2022. Đây là mức kim ngạch cao nhất trong lịch sử xuất khẩu gạo của nước ta.
Về thị trường, Philippines dẫn đầu với hơn 3,13 triệu tấn, kim ngạch hơn 1,75 tỷ USD, giảm gần 80 nghìn tấn so với năm 2022, nhưng kim ngạch tăng 17,57%. Như vậy, riêng thị trường Philippines chiếm tới 38,64% lượng gạo xuất khẩu của nước ta trong năm ngoái.
Đứng thứ hai là Indonesia với hơn 1,16 triệu tấn, kim ngạch 640 triệu USD. Đáng chú ý, lượng gạo xuất khẩu sang Indonesia gấp gần 10 lần so với năm 2022 trong khi kim ngạch gấp gần 11 lần. Đây là thị trường xuất khẩu gạo có tăng trưởng ấn tượng nhất. Năm ngoái, quốc gia Đông Nam Á này chiếm 14,32% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Trung Quốc đứng thứ ba với hơn 917 nghìn tấn (chiếm 11,32% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam năm 2023), kim ngạch gần 531 triệu USD. So với năm 2022, lượng gạo xuất khẩu sang nước láng giềng này tăng 7,8%, trong khi kim ngạch tăng 22,74%.
Theo dự báo mới nhất của FAO ngày 1/2/2024, sản lượng gạo toàn cầu năm 2023/24 giảm nhẹ do việc điều chỉnh giảm đối với Trung Quốc nhưng được bù đắp bằng việc tăng sản lượng ở nhiều quốc gia khác, đặc biệt là Guinea, Mali và Nepal.
Tiêu thụ gạo thế giới năm 2023/24 vẫn tương đương năm 2022/23, mặc dù có sự điều chỉnh tăng nhẹ so với tháng 12/2023.
Xuất khẩu gạo năm 2024 có phần giảm sút, chủ yếu do dự báo nhập khẩu của Nepal và Nigeria kém khả quan hơn. Trong số các nước xuất khẩu, xuất khẩu của Ấn Độ giảm nhiều nhất.
Dự trữ gạo năm 2023/24 dự báo giảm ở Trung Quốc, Pakistan, Thái Lan và Ấn Độ; bất chấp sự điều chỉnh giảm, dự trữ gạo toàn cầu vẫn tăng 1,1% so với năm trước.
Với Việt Nam, mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2024 dự tính mang về 5,3 tỷ USD hoàn toàn khả quan, tăng gần 13% so với năm 2023.