|
  • :
  • :

Vụ Đông Xuân 2024-2025 - Cần đẩy nhanh tiến độ gieo sạ

Đến nay, vụ lúa Đông Xuân 2024-2025, toàn tỉnh gieo sạ hơn 55.426ha, đạt 69,2% kế hoạch.

Lũ rút chậm ảnh hưởng đến tiến độ gieo sạ

Thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, tại các huyện khu vực Đồng Tháp Mười, nước lũ rút chậm kết hợp với triều cường dâng cao ảnh hưởng đến tiến độ gieo sạ lúa ĐX, nhất là tại các vùng trũng thấp, đê bao chưa khép kín.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ thông tin: Vụ ĐX năm nay, toàn huyện dự kiến xuống giống khoảng 37.000ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này, huyện mới gieo sạ được hơn 23.700ha, số diện tích còn lại ND đang khẩn trương vệ sinh đồng ruộng để gieo sạ trong đợt 3 (từ ngày 13 đến 28/12/2024) theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh.

Nông dân huyện Tân Hưng ứng dựng cơ giới hóa để gieo sạ lúa

Nhằm bảo đảm sản xuất thắng lợi vụ lúa ĐX năm nay, ngoài việc khuyến cáo ND sử dụng các loại giống có năng suất, chất lượng cao như OM18, OM5451, OM4900, OM6976, Jasmine 85, Đài Thơm 8,... ngành Nông nghiệp huyện còn vận động ND chủ động xuống giống theo lịch thời vụ để hạn chế sự gây hại của sâu, bệnh, đặc biệt là rầy nâu; đồng thời, tăng cường áp dụng các quy trình sản xuất “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM),...

Anh Nguyễn Văn Hiệu (xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng) chia sẻ: “Năm nay, nước lũ về nhiều và lâu hơn mọi năm nên lượng phù sa trên đồng tương đối nhiều, điều này giúp ND giảm lượng phân bón và sản xuất vụ ĐX hiệu quả hơn. Tôi đang vệ sinh đất và khoảng 2 ngày nữa sẽ gieo sạ”.

Vụ lúa ĐX 2024-2025, huyện Vĩnh Hưng có kế hoạch gieo sạ 28.500ha, đến thời điểm này, ND xuống giống hơn 21.935ha (các trà lúa chủ yếu ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh, đòng trổ). Qua theo dõi, hiện trên các trà lúa xuất hiện một số sinh vật gây hại như chuột, ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn lá,... với mật độ thấp.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Đinh Châu Phong khuyến cáo: “ND cần chủ động bơm nước, xuống giống theo lịch khuyến cáo của ngành chuyên môn, tập trung gieo sạ đợt 3 từ ngày 13 đến 28/12/2024. Cùng với đó, ND cần chủ động phòng trừ hiệu quả các loại sinh vật gây hại có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là sâu năn”.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Hồ Thị Ngọc Lan, để bảo đảm sản xuất lúa năm 2025 thắng lợi, Sở đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị chuyên môn căn cứ tình hình ngập lũ và diễn biến dịch hại để tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xuống giống lúa vụ ĐX 2024-2025.

Cụ thể, đối với các huyện vùng Đồng Tháp Mười, cần tập trung vận động ND bơm vơi nước trong ruộng để đẩy nhanh tiến độ gieo sạ lúa vụ ĐX trong tháng 12/2024; hạn chế thấp nhất việc kéo dài gieo sạ sang tháng 01/2025 vì tiềm ẩn nguy cơ dịch hại rất cao.

Đối với các huyện phía Nam, căn cứ nguồn nước tưới khuyến cáo người dân đẩy nhanh tiến độ gieo sạ lúa vụ ĐX dứt điểm trong tháng 12/2024; các vùng không đủ nguồn nước tưới và có khả năng bị ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn, khuyến cáo ND không gieo sạ lúa ĐX 2024-2025, chuyển sang các cây trồng ngắn ngày, cây trồng sử dụng ít nước tưới và áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước tưới cho cây trồng.

Chủ động phòng trừ sâu, bệnh đầu vụ

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, các đối tượng sinh vật gây hại trên lúa ĐX 2024-2025 đang gia tăng. Trong đó, các đối tượng như bệnh đạo ôn lá, bệnh cháy bìa lá và bệnh lem lép hạt tăng nhanh do tuần qua thời tiết ẩm độ cao, có mưa rải rác, có sương mù vào sáng sớm nên tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng bệnh hại phát sinh phát triển.

Riêng đối tượng sâu năn xuất hiện trên lúa giai đoạn đẻ nhánh, trong đó, tỷ lệ nhiễm từ 5-10% là 165ha, tỷ lệ nhiễm từ 10-15% là 100ha, xuất hiện chủ yếu ở huyện Tân Hưng và thị xã Kiến Tường.

Ngoài ra, còn có các đối tượng sinh vật gây hại khác như bệnh cháy bìa lá (411ha), sâu năn (265ha), ốc bươu vàng (263ha), chuột (85ha),... gây hại trên trà lúa giai đoạn mạ, đẻ nhánh, đòng trổ ở các huyện: Tân Hưng, Mộc Hóa, Đức Huệ và thị xã Kiến Tường.

Nông dân cần thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện và phòng trừ sâu, bệnh hiệu quả

Dự báo các đối tượng như bọ trĩ, ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn lá, rầy nâu, chuột, sâu năn,... sẽ gia tăng diện tích nhiễm trên lúa ĐX 2024-2025 giai đoạn mạ và đẻ nhánh.

Bà Hồ Thị Ngọc Lan khuyến cáo: Tình hình thời tiết hiện nay diễn biến tương đối phức tạp, Sở đề nghị ngành Nông nghiệp các địa phương trong tỉnh cần thực hiện tốt các nội dung theo kế hoạch sản xuất vụ lúa ĐX 2024-2025 mà Sở đã ban hành.

Bên cạnh đó, ND cần chủ động gia cố đê bao, chuẩn bị phương tiện, dụng cụ để sẵn sàng bơm rút nước trên ruộng ra ngoài khi có mưa lớn, bão xuất hiện trong thời gian dài nhằm chống ngập úng, hạn chế thiệt hại.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo ND sử dụng các giống lúa cấp xác nhận, có nguồn gốc rõ ràng và áp dụng sạ hàng, sạ thưa với lượng giống dưới từ 80-100kg/ha hoặc cấy; đồng thời, xuống giống tập trung, đồng loạt trên từng cánh đồng theo lịch thời vụ địa phương khuyến cáo để “né rầy” hạn chế bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá. Đặc biệt, ND cần chú trọng thực hiện các quy trình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp, giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất./.

Bùi Tùng

Nguồn: https://baolongan.vn/vu-dong-xuan-2024-2025-can-day-nhanh-tien-do-gieo-sa-a187852.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin