|
  • :
  • :

Xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói: Mở đường xuất khẩu nông sản

Việc thiết lập và cấp, quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nông sản là yêu cầu bắt buộc để nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, EU,…

Chủ động, tích cực xây dựng mã số vùng trồng

Những năm qua, huyện Tân Thạnh là một trong những địa phương phát triển mạnh về trồng cây ăn trái, trong đó, có cây mít và sầu riêng. Nhằm tạo đầu ra ổn định cho nông sản, nâng tầm sản vật địa phương, huyện thực hiện đồng bộ các giải pháp để hướng dẫn người dân xây dựng MSVT, MSCSĐG.

Kết quả, Tân Thạnh là huyện đầu tiên của tỉnh được Trung Quốc cấp 2 MSVT trên cây sầu riêng. Đến nay, huyện xây dựng được 3 MSVT, trong đó, 2 MSVT trên cây sầu riêng xuất đi Trung Quốc và 1 MSVT cho chanh không hạt xuất đi châu Âu.

Huyện Tân Thạnh hiện có 2 vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc cấp mã số vùng trồng

Anh Trần Đăng Khoa (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) chia sẻ: “Cây sầu riêng phải trồng từ 5 năm trở lên mới cho thu hoạch. Chi phí đầu tư rất cao, từ khi trồng đến thu hoạch tốn từ 5 - 7 triệu đồng/cây. Để không bị thương lái ép giá, bảo đảm đầu ra ổn định, tôi đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng MSVT. Đây được xem là “vé thông hành” giúp sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Sau khi có MSVT, tôi ký kết với một công ty thu mua với giá cao hơn thị trường ít nhất 5.000 đồng/kg”.

MSVT được xem là điều kiện bắt buộc để nông sản Việt Nam có thể xuất khẩu chính ngạch, trụ vững tại những thị trường lớn và nâng cao giá trị. Xác định được vấn đề này, ngay sau khi trồng 1.100 gốc sầu riêng, ông Trịnh Văn Hiền (xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh) làm các hồ sơ, thủ tục để được Trung Quốc cấp MSVT.

Ông Hiền bộc bạch: “Xây dựng MSVT là cách tôi xây dựng thương hiệu cho trái sầu riêng Tân Thạnh. Hiện tôi hoàn thành các hồ sơ, thủ tục cần thiết, chỉ còn đợi phía Trung Quốc tiến hành kiểm tra. Để được cấp MSVT, tôi xây dựng nhà pha thuốc, hố xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, nhà kho, tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ,… Với sự quyết tâm và chuẩn bị chu đáo, tôi tin chắc sẽ được Trung Quốc cấp MSVT cho diện tích trồng sầu riêng của gia đình”.

Mã số vùng trồng giúp chanh không hạt tiêu thụ thuận lợi hơn

Hợp tác xã (HTX) Chanh không hạt Bo Bo Tân Thành (xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa) là một trong những HTX được cấp MSVT chanh không hạt của tỉnh. Hiện nay, HTX có 7 thành viên, canh tác 10ha chanh không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Giám đốc HTX Chanh không hạt Bo Bo Tân Thành - Lê Văn Tiên cho biết: Từ khi HTX có MSVT, nông dân tuân thủ ghi chép nhật ký sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục cho phép. Trong đó, chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ, sinh học, góp phần bảo đảm chất lượng, tăng năng suất, bảo đảm sức khỏe cho nông dân lẫn môi trường.

“Việc được cấp MSVT không chỉ giúp tiêu thụ chanh ổn định hơn mà còn từng bước chuẩn hóa quy trình trồng trọt, nâng cao chất lượng chanh, đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ đó, thúc đẩy các chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu, hạn chế rủi ro trong khâu tiêu thụ. Thời gian tới, HTX sẽ nhân rộng diện tích để tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ” - ông Tiên cho biết thêm.

Tiếp tục đẩy mạnh

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 288 lượt MSVT với tổng diện tích 13.734,11ha, xuất khẩu sang các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, EU, Nga, Anh, Trung Quốc.

Toàn tỉnh có 163 cơ sở đóng gói được cấp mã số. Trong đó, thanh long 109 cơ sở; chanh 31 cơ sở; chuối 2 cơ sở; mít, sầu riêng, xoài 21 cơ sở. Nông sản được cấp nhiều MSVT nhất là thanh long, kế đến là chanh, dưa hấu, chuối, sầu riêng, xoài, khoai lang,…

Bên cạnh những kết quả đã đạt, việc xây dựng và quản lý các MSVT, MSCSĐG còn gặp nhiều khó khăn. Đó là yêu cầu về diện tích cho vùng trồng để tham gia thị trường xuất khẩu tối thiểu là 10ha trong khi diện tích canh tác của nông dân trong tỉnh khá thấp (khoảng từ 0,5-2ha).

Vì vậy, để thiết lập vùng trồng cần nhiều nông dân đồng thuận tham gia và cử đại diện làm chủ MSVT. Cùng với đó, nhận thức của chính quyền và nông dân tại một số địa phương chưa cao, vẫn còn tình trạng trông chờ vào các cơ quan chuyên môn.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục xây dựng mã số vùng trồng trên cây lúa

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện thông tin: Theo quy định của các nước như Trung quốc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc,... để xuất khẩu nông sản, nhất là trái cây thì MSVT và MSCSĐG là 2 yêu cầu, điều kiện bắt buộc. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh quan tâm xây dựng MSVT, phối hợp doanh nghiệp xây dựng MSCSĐG để thực hiện tốt khâu xuất khẩu nông sản.

Tuy nhiên, số lượng MSVT thị trường còn hạn chế, nguyên nhân là nông dân còn sản xuất nhỏ, lẻ, manh mún và chủ yếu theo tập quán cũ. Đồng thời, nhiều nông dân còn chưa hiểu đúng về lợi ích của việc thiết lập, cấp, quản lý và giám sát MSVT; vẫn còn tư tưởng “ngại”, chưa thực hiện tốt việc ghi chép nhật ký canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, biện pháp quản lý sinh vật gây hại; chưa thực hiện tốt việc vệ sinh đồng ruộng, thu gom và tiêu hủy tàn dư thực vật, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng; không có người đại diện vùng trồng;…

Hầu hết nông sản muốn xuất khẩu đều phải có MSVT - mã số định danh cho một vùng trồng trọt để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng; bảo đảm nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường đúng nguồn gốc tại vùng trồng, tránh tình trạng sản phẩm được sản xuất tại nơi khác trà trộn với sản phẩm vùng trồng đã được cấp mã số. Đây là một trong những nguyên tắc đầu tiên để bảo đảm an toàn thực phẩm và xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương.

Thời gian tới, để bảo đảm phát triển nông sản bền vững, phục vụ tốt cho yêu cầu xuất khẩu nông sản, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung thiết lập và quản lý MSVT, MSCSĐG phục vụ xuất khẩu trên cây lúa, sầu riêng, thanh long, mít, chanh, chuối, dừa, khoai lang…; đồng thời, bảo đảm việc xây dựng vùng trồng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định về thiết lập và quản lý MSVT, MSCSĐG phục vụ xuất khẩu như yêu cầu chung về vùng trồng (Vùng trồng áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), có chung quy trình sản xuất và quản lý sinh vật gây hại, diện tích của vùng trồng tối thiểu là 10ha,…); yêu cầu về biện pháp quản lý sinh vật gây hại; yêu cầu về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón; yêu cầu về an toàn thực phẩm; yêu cầu về ghi chép hồ sơ; yêu cầu về nhân sự và các yêu cầu khác (bảo đảm vệ sinh đồng ruộng, thu gom và tiêu hủy tàn dư thực vật để tránh tái lây nhiễm; trong quá trình thu hoạch cần áp dụng các biện pháp để tránh sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với đất và tái nhiễm sinh vật gây hại; vùng trồng có nhiều hộ dân sản xuất phải có người đại diện)./.

Lê Ngọc - Bùi Tùng

Nguồn: https://baolongan.vn/xay-dung-ma-so-vung-trong-va-ma-so-co-so-dong-goi-mo-duong-xuat-khau-nong-san-a160759.html