4 "điểm sáng" và 3 "điểm tối"
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, năm nay ngành chăn nuôi phải đối mặt với nhiều khó khăn như giá lợn hơi thấp, chi phí chăn nuôi an toàn sinh học và phòng chống dịch cao, giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao; tình trạng nhập lậu sản phẩm chăn nuôi qua biên giới phức tạp…, song đàn trâu bò khá ổn định về tổng đàn, không có biến động lớn; chăn nuôi lợn có kết quả tích cực.
Cụ thể, tổng đàn lợn năm 2023 ước đạt 30,3 triệu con, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022; đàn trâu 2,2 triệu con, giảm 1,0%; đàn bò 6,4 triệu con tăng 1,0%; đàn gia cầm 558,6 triệu con, tăng 2,6%.
Ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: "Bên cạnh những kết quả tích cực thì số liệu thống kê các tháng từ đầu năm đến thời điểm hiện tại cho thấy giá lợn hơi xuất chuồng năm 2023 luôn thấp hơn giá năm 2022, nhiều thời điểm nông dân chăn nuôi lợn thua lỗ.
Tình trạng nhập lậu và tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi không rõ nguồn gốc; chưa chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào (đặc biệt là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, con giống có năng suất, chất lượng cao); việc liên kết, tổ chức sản xuất trong chăn nuôi theo chuỗi giá trị (từ trang trại đến bàn ăn) chưa được thực hiện đồng bộ, hiệu quả; kiểm soát an toàn sinh học, dịch bệnh, an toàn thực phẩm và quản lý môi trường chăn nuôi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu...".
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam nhận định, ngành chăn nuôi năm 2023 có 4 "điểm sáng". Đó là, mặc dù khủng hoảng toàn cầu nhưng vẫn duy trì tăng trưởng, nhiều ngành hàng tăng trưởng dương; xu thế chăn nuôi quy mô lớn và công nghệ cao ngày càng phát triển; tuy số lượng chưa nhiều nhưng tỷ lệ xuất khẩu tăng trưởng cao; đã kiểm soát khá tốt một số dịch bệnh, đặc biệt là với gia cầm.
Tuy nhiên, chăn nuôi cũng còn tồn tại 3 "điểm tối", đó là mặc dù tăng trưởng về đầu con nhưng giá trị sản xuất, giá trị gia tăng của một số ngành hàng khá thấp, thậm chí nhiều con nuôi còn lỗ; nhập siêu một số sản phẩm chăn nuôi vẫn có xu hướng gia tăng, đặc biệt là thịt lợn tăng tới 85% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Nhập khẩu thịt trâu bò tăng 56%, thịt gia cầm cũng nhập trên 200.000 tấn, tương đương năm ngoái. Sản lượng lớn như thế đã gây áp lực rất lớn cho sản xuất và tiêu thụ trong nước. Đề nghị phải có giải pháp căn cơ để kiểm soát được nhập siêu về chăn nuôi trong nước" - ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, một "điểm tối" nữa là ngành chăn nuôi đang có xu hướng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lớn với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. "Cục Chăn nuôi cần có phương án điều tiết như thế nào để tất cả cùng đi một con đường, chứ không thì vài năm tới chỉ còn các doanh nghiệp FDI kiểm soát. Quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất của ngành chăn nuôi đang có vấn đề và bộc lộ nhiều mâu thuẫn. Trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều lĩnh vực chưa chọn đúng điểm rơi nên chưa kiểm soát được giá thành sản phẩm ngành chăn nuôi. Chỉ một số ít các doanh nghiệp lớn, giá thành đạt xấp xỉ mức giá trên thế giới" - ông Sơn khuyến nghị.
Tăng gia cầm, giảm đàn lợn
Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, cho rằng sản lượng tăng trưởng trong lúc khó khăn, tổng cung tổng cầu thay đổi vẫn tăng trưởng, khả năng tiêu thụ thấp nhưng vẫn tăng trưởng cao, đó là bài toán khó đặt ra cho ngành chăn nuôi. Do đó, phải xây dựng ngành chăn nuôi tự chủ, xem lại cơ cấu ngành hàng chăn nuôi, tăng gia cầm, giảm đàn lợn để có sự cân đối.
Năm 2024, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu giá trị sản xuất tăng khoảng 4-5% so với năm 2023, tỷ trọng chăn nuôi trong tổng thể ngành nông nghiệp ước đạt 28-30%. Theo đó, Thứ trưởng Tiến yêu cầu các đơn vị trong khối chăn nuôi căn cứ chức năng, nhiệm vụ cần đẩy mạnh việc phối hợp với các đơn vị liên quan và địa phương thực hiện đồng bộ, tích cực, trách nhiệm và hiệu quả một số nhiệm vụ cụ thể, như tiếp tục triển khai tái cơ cấu ngành chăn nuôi, quyết tâm thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.
"Các đơn vị cần tăng cường sự phối hợp, đặc biệt phải chủ động tổ chức sản xuất, không được ngồi chờ. Bộ đã giao nhiệm vụ quản lý nhà nước cho rồi thì không được làm đối phó, nửa vời, phải làm thực chất, có kết quả, hiệu quả. Lĩnh vực khoa học công nghệ, giống gốc, chương trình giống… các đơn vị được giao nhiệm vụ phải thay mặt Bộ để thẩm định, kiểm soát chặt chẽ vấn đề về giống" - Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nêu cao vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi: "Tăng trưởng nhờ đâu, tái cơ cấu như thế nào, chuyển dịch cơ cấu các đối tượng vật nuôi chủ lực như thế nào phải quan tâm đến doanh nghiệp, "đầu tàu" dẫn dắt ngành. Vì vậy phải nhanh tháo gỡ khó khăn vướng mắc để tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, bên cạnh đó tăng cường cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp".