6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản thu về gần 5,8 tỷ USD Xuất khẩu thủy sản: Sau tăng trưởng là khó khăn |
Sáng 8/7, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.
Theo báo cáo Tổng cục Thủy sản, ước tính đến hết tháng 6/2022, tổng sản lượng thủy sản đạt 4,16 triệu tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 47,7% kế hoạch. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 6 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ và đạt 67% kế hoạch năm. Đây là kết quả xuất khẩu thủy sản đạt mức cao nhất từ trước tới nay.
5 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu cá tra đông lạnh sang thị trường EU tăng 89%, sang Trung Quốc và Hồng Kông tăng 124,2%, sang thị trường Hoa Kỳ tăng 131% so với cùng kỳ năm ngoái |
Về mặt hàng, tính đến hết tháng 5/2022, xuất khẩu tôm ước đạt 1,8 tỷ USD, chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Về cá tra, diện tích thả nuôi đạt 3.105 ha, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng thu hoạch đạt 771.430 tấn, bằng 106% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cá tra thương phẩm loại 1 hiện dao động ở mức 28.000 - 29.000 đồng/kg. Kim ngạch xuất khẩu đến hết ngày 30/5 đạt 1,21 tỷ USD, tăng 89,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, giá trị xuất khẩu cá tra đông lạnh sang thị trường EU tăng 89%, sang Trung Quốc và Hồng Kông tăng 124,2%, sang thị trường Hoa Kỳ tăng 131% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến hết ngày 30/5, đã có 1.206 cơ sở nuôi được cấp mã số nhận diện, đạt 100% yêu cầu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành thủy sản vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Theo đó, mặc dù sản lượng khai thác đã giảm nhưng vẫn chưa đạt mức yêu cầu Chiến lược phát triển thủy sản đề ra (giảm dần số lượng tàu cá và sản lượng khai thác). Hoạt động phát triển thủy sản chịu nhiều ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraina, giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao. Tình trang thiếu lao động chất lượng cao trong khai thác và nuôi trồng thủy sản đã và đang phổ biến ở nhiều địa phương.
Trong bối cảnh thời tiết biển tiếp tục có những diễn biến bất thường; nguồn lợi thủy sản suy giảm cả về số lượng, chất lượng; EC tiếp tục giữ cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản khai thác của Việt Nam; giá dầu diesel tăng cao ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả khai thác của ngư dân; nguồn lợi hải sản suy giảm cả về số lượng và chất lượng.... đặt ra những thách thức không nhỏ cho ngành trong những tháng cuối năm này.
Về xuất khẩu thủy sản, Tổng cục Thủy sản nhận định, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới đã từng bước được ổn định nên nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới tăng trở lại. Dự báo, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm 2022 vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt do có lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đảm bảo được sự ổn định trong nuôi tôm thương phẩm và chế biến sản phẩm.
Đối với cá tra, dự báo, cuối năm 2022, giá lương thực ở EU sẽ tăng cao. Đây sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp cá tra quay lại thị trường này sau nhiều năm bị chững. Xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn có khả năng tăng trưởng tốt. Nhu cầu tiêu thụ gia tăng và ổn định có thể duy trì mức thu mua cá nguyên liệu ở mức hiện tại.
Đồng quan điểm về vấn đề này, báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng nhận định, trong thời gian tới, xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là mặt hàng cá tra. Với thị trường Hoa Kỳ, các nhà nhập khẩu nước này tăng cường việc nhập khẩu cá tra khi tồn kho cá tra ở mức rất thấp sau hai năm dịch bệnh. Bên cạnh đó, diện tích nuôi cá da trơn tại Hoa Kỳ giảm trong 3 năm liên tiếp, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp cá da trơn. Hơn nữa, giá cá tra cạnh tranh có thể là một lựa chọn trong tình trạng lạm phát liên tục lập kỷ lục và có thể bù đắp khoảng trống ở một số phân khúc với sản phẩm cá thịt trắng (cá tuyết, cá minh thái) bị thiếu hụt nguồn cung từ Nga. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu cá tra của Trung Quốc vẫn ở mức cao.
Tuy nhiên, xuất khẩu tôm có khả năng gặp khó khăn khi tình hình lạm phát kỷ lục tại hầu hết các thị trường lớn trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ tôm trong các tháng cuối năm.
Phấn đấu đạt mục tiêu kép với tổng sản lượng thủy sản 8,73 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu 9 tỷ USD trong cả năm 2022, ngành thủy sản cũng đã đặt ra những giải pháp cụ thể. Theo đó, sẽ bám sát tình hình sản xuất tại các địa phương, khả năng cung ứng nguyên liệu đầu vào cho chế biến để tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất hiệu quả trong bối cảnh giá thức ăn, giá vật tư sản xuất trong nuôi trồng thủy sản tăng cao. Riêng về công tác khắc phục thẻ vàng IUU, Tổng cục Thủy sản sẽ chuẩn bị kế hoạch, kịch bản làm việc với đoàn thanh tra EC kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại Việt Nam. Tiếp tục tham mưu tổ chức kiểm tra tại các địa phương về việc chống khai thác IUU, khắc phục các khuyến nghị của EC.