Trồng cây ăn quả trên đất dốc, nông dân có thu nhập cao
Những năm trước đây, khi nhắc tới Yên Châu (Sơn La) người ta nghĩ ngay đến những ngọn đồi với nương ngô, nương sắn… hay chỉ là vùng đồi núi trọc, cây bụi. Do canh tác nhiều, đất dốc ngày một bạc màu, cây trồng kém năng suất, nên đời sống người dân vô cùng khó khăn.
Cái nghèo đeo bám, đã thúc đẩy chính quyền và người dân nơi đây mạnh dạn, quyết tâm đi tìm những giống cây mới để cải tạo mảnh đất quê hương. Từ đó, những vườn đồi cây ăn quả như: nhãn, xoài, na … đã có mặt và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Theo chân cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Yên Châu (Sơn La) chúng tôi đến thăm các mô hình phát triển cây ăn quả. Những mô hình có diện tích từ 3 - 5ha, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm.
Gia đình bà Nguyễn Thị Duyên, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La), hiện đang sở hữu vườn nhãn rộng 10 ha trên những sườn đồi Pha Cúng. Vườn nhãn của gia đình bà được biết đến là vườn cây ăn quả có diện tích lớn nhất vùng biên giới Lóng Phiêng, mỗi năm cho thu tiền tỷ.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn nhãn bà Duyên tâm sự: Năm 1993, sau khi lập gia đình, tôi và chồng con từ quê nhà Khoái Châu (Hưng Yên) lên vùng đất Pha Cúng, Lóng Phiêng lập nghiệp. Thời điểm đó vùng đồi Pha Cúng này chỉ toàn những cây dại và cỏ lau. Gia đình bà quyết định khai hoang vùng đất cằn cỗi này để phát triển kinh tế. Những ngày đầu gia đình bà cũng đã bắt đầu trồng nhãn, tuy nhiên chỉ là những giống nhãn địa phương nên hiệu quả kinh tế không cao, thời điểm đó gia đình bà rất khó khăn.
Năm 2003, hưởng ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, bà Duyên đã mạnh dạn đưa giống nhãn nhãn Miền Thiết thay thế giống nhãn địa phương. Đây là giống nhãn cho quả ngọt, trái sai, vỏ mỏng, cùi dày, chỉ sau 3 năm, gia đình bà đã có thể thu hoạch và thu lời liên tiếp trong nhiều năm tiếp theo.
"Hiện tại, gia đình tôi trồng được trên 10 ha cây nhãn. Thực hiện chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn nhãn gia đình cho năng suất cao, mẫu mã đẹp, được thương lái thu mua tận vườn và xuất bán vào các siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trung bình gia đình tôi thu từ 100 - 120 tấn nhãn/vụ. Trừ tất cả chi phí, gia đình tôi đã có lợi nhuận 1,6 tỷ đồng/năm", bà Duyên nói.
Còn ông Quàng Văn Xuân, dân tộc Thái, bản Sai, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu (Sơn La) ngoài thành công nhờ ghép mắt 2 ha cây xoài tròn đặc sản bản địa, mang lại thu nhập cao cho gia đình. Ông Xuân còn triển khai trồng thêm 1.000 gốc xoài Đài Loan trên sườn đồi của gia đinh, hiện đã cho thu hoạch quả.
"Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là qua các lớp tập huấn do huyện, xã tổ chức về hướng dẫn quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại cho cây ăn quả… Vườn xoài của gia đình tôi luôn phát triển tốt, riêng vụ năm 2022, gia đình tôi thu trên 20 tấn xoài tròn, xoài Đài Loan, thu về hơn 400 triệu đồng", ông Xuân nói.
Yên Châu nhiều giải pháp phát triển cây ăn quả trên đất dốc
Trao đổi với phóng viên, ông Cao Xuân Dũng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Châu (Sơn La) cho biết: Hiện trên địa bàn huyện Yên Châu có gần 11.000 ha cây ăn quả các loại. Trong đó có trên 560 ha được người dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; đã có trên 70 ha nhãn, 22 ha xoài được cấp mã số vùng trồng và trên 350 ha cây ăn quả được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Nhiều mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ, liên kết với các đơn vị xuất khẩu tiêu thụ sản phẩm.
Để phát triển cây ăn quả, huyện đã đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tích cực tuyên truyền, vận động thành lập HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn huyện có trên 50 HTX nông nghiệp, với gần 900 thành viên; một số HTX đã tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cây ăn quả với người dân, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP trong sản xuất và chế biến. Đặc biệt, huyện đã tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, liên kết các chuỗi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra thị trường Trung Quốc, Úc, Mỹ...
Phát triển sản xuất theo quy mô liền vùng, gắn với bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chú trọng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả cho người dân.
Có thể thấy, từ việc phát triển cây ăn quả trên đất dốc, đã giúp đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt, có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu. Trong thời gian tới, Huyện Yên Châu (Sơn La) tiếp tục xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP; duy trì nhãn hiệu, thương hiệu cho các loại sản phẩm đã được chứng nhận và tuyên truyền người dân mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp chất lượng cao đối với một số cây trồng chủ lực.
Tiếp tục đưa cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; hướng đến xây dựng vùng chuyên canh nông nghiệp sạch, bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản địa phương.