Chia sẻ tại Hội thảo “Doanh nghiệp ngành gỗ chuẩn bị phục hồi trong bối cảnh bình thường mới” diễn ra sáng ngày 29/10, ông Tô Xuân Phúc- chuyên gia Tổ chức Forest Trend- cho biết, theo khảo sát được các hội và hiệp hội ngành gỗ thực hiện từ ngày 10/10 đến ngày 21/10 cho thấy, chỉ 8,3% số doanh nghiệp dừng hoạt động, 56% doanh nghiệp cho biết đã áp dụng nhiều hình thức khác nhau để duy trì hoạt động, trong khi đó có 19% doanh nghiệp áp dụng phương pháp sản xuất 2 cung đường 1 điểm đến; doanh nghiệp áp dụng mô hình 3 tại chỗ chiếm 24%.
Ngành gỗ tăng tốc về đích xuất khẩu những tháng cuối năm 2021 |
Về lượng lao động trước và sau giãn cách các doanh nghiệp khảo sát cho biết giảm 18%; trong đó, TP. Hồ Chí Minh là địa bàn nơi dịch bùng phát mạnh có lượng lao động giảm mạnh nhất (42,9%); Bình Dương giảm 38,3%; Đồng Nai giảm 28,4% và Hà Nội giảm 9,1%.
Về công suất hoạt động hiện tại, hiện 67% doanh nghiệp cho biết đang hoạt động trên 70% công suất; 20% doanh nghiệp đang hoạt động từ 50-70% công suất và 13% doanh nghiệp hoạt động dưới 50% công suất.
Các doanh nghiệp được khảo sát cũng cho biết, gần 90% người lao động tại doanh nghiệp đã tiêm vắc xin, chỉ có khoảng 11% số doanh nghiệp chưa tiêm vắc xin. Lượng chưa tiêm chủ yếu là một số doanh nghiệp nằm ngoài trung tâm và lao động tại các doanh nghiệp đã về quê.
Khảo sát cũng đưa ra thông tin về các khó khăn hiện nay mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt. Theo đó, 51% cho biết đang đối mặt với các khía cạnh y tế; 43% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn về nguồn lao động; 35% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong lưu thông hàng hóa.
Dự báo về doanh thu năm 2021, 46% số doanh nghiệp cho biết, số doanh thu sẽ không đổi, 37% doanh nghiệp cho hay doanh thu của doanh nghiệp sẽ tăng, chỉ khoảng 37% doanh nghiệp cho biết doanh thu sẽ giảm. Tuy nhiên, ông Tô Xuân Phúc cho rằng, con số thực tế phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng của quý IV/2021. Bởi trên thực tế số liệu điều tra cho thấy nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đã quay trở lại sản xuất với công suất đạt từ 70-80%.
Về kế hoạch phục hồi của doanh nghiệp, 83% doanh nghiệp cho biết đã có kế hoạch phục hồi, chỉ 17% doanh nghiệp không có kế hoạch. Đối với các doanh nghiệp có kế hoạch phục hồi, các doanh nghiệp cho hay, sẽ thay đổi chiến lược kinh doanh; kiểm soát dịch hiệu quả trong sản xuất và tăng hiệu quả, quy mô chế biến. Về khả năng phục hồi của doanh nghiệp phụ thuộc vào tiếp cận vắc xin và hướng dẫn chống dịch cụ thể của cơ quan quản lý và hiệu quả áp dụng của doanh nghiệp.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 10,76 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên trong tháng 9 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của ngành chỉ đạt 691,49 triệu USD giảm 14,1% so với tháng 8/2021 và giảm 38,3% so với tháng 9/2020. Số liệu về kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lũy kế đến nửa đầu tháng 10/2021 đạt 11,5 tỷ USD.
Theo ông Đỗ Xuân Lập- Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, dịch Covid-19 tái phát trong những tháng gần đây tác động tiêu cực tới cả khâu xuất và nhập khẩu, với tác động đối với khâu xuất khẩu lớn hơn khâu nhập khẩu. Dịch bệnh bùng phát ở các trung tâm chế biến trong cả nước và điều này ảnh hưởng tới phát triển của cả ngành.
Đến thời điểm này, dịch Covid-19 đã cơ bản dần được kiểm soát ở các tỉnh/thành phố; nhiều địa phương đã “từng bước mở cửa” và cho phép mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa bàn trong trạng thái bình thường mới. Đặc biệt, Chính phủ đã có chủ trương chuyển hình thái phòng chống dịch từ chiến lược “Zero Covid” ở giai đoạn đầu sang chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Đây thực sự là một tín hiệu vui, hữu ích cho toàn xã hội, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ.
Cũng theo ông Đỗ Xuân Lập, hiện dịch bệnh tại các trung tâm này đang dần được kiểm soát, với các doanh nghiệp đang chuẩn bị cho hồi phục và quay trở lại sản xuất. Đáng chú ý, hiện các doanh nghiệp ngành chế biến và xuất khẩu gỗ đã đi vào ổn định sản xuất nhanh hơn dự kiến, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất 3 tại chỗ. Tuy nhiên, để có thể tăng trưởng trở lại như mức tăng trưởng của 6 tháng đầu 2021 trước khi dịch bùng phát trở lại sẽ cần thời gian. Điều quan trọng hiện nay là các doanh nghiệp cần xây dựng phương án cụ và khả thi thể để vừa chống dịch hiệu quả, vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Trong khi đó, đưa ra kiến nghị trong phục hồi sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp kiến nghị, cơ quan y tế cần có quy trình hướng dẫn phù hợp, bao gồm cả việc xử lý nếu có F0, quy trình phòng, chống dịch cần thống nhất từ Trung ương tới địa phương, cần thực hiện nhất quán.
Về phía chính quyền địa phương hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với nguồn lao động, đồng thời phối hợp với doanh nghiệp hỗ trợ công nhân. Cần có chính sách ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào, đồng thời có cơ chế chính sách phù hợp để phát triển rừng trồng gỗ lớn, thống nhất quy trình lưu thông hàng hóa, không đứt gãy trong khâu vận chuyển.
Trước kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội, ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, Bộ cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, lắng nghe những ý kiến, đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội chế biến gỗ và lâm sản cùng vượt qua những khó khăn, thách thức, chung tay xây dựng và phát triển ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản bền vững, có uy tín và thương hiệu tại thị trường trong nước và quốc tế.
Nguyễn Hạnh