Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo: Tìm cơ hội trong thách thức

Nhiều ý kiến nhận định rằng, mặc dù trải qua một năm đầy biến động nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển rất sôi động. Nếu biết nắm bắt cơ hội, các start-up hoàn toàn có thể vươn lên thành “kỳ lân” trong tương lai.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2020. Ảnh: VGP

Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo đa sắc màu

Năm 2019 là năm tăng trưởng mạnh mẽ của khởi nghiệp Việt Nam với các thương vụ đầu tư công nghệ lớn đạt giá trị hơn 800 triệu USD. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, tình hình dịch bệnh đã thay đổi hoàn toàn bức tranh của đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

 

Như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định: “Đại dịch đã làm bộc lộ những hạn chế của nhiều doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, kể cả những DN đã lớn mạnh trên thế giới. DN khởi nghiệp dường như có khả năng chống chịu ít hơn khi kinh tế trở nên bất ổn. Tuy vậy, trong khi nhiều mô hình kinh doanh gặp bất lợi, một số mô hình kinh doanh và công nghệ lại trở nên hấp dẫn và tăng trưởng vượt bậc… Đây chính là bức tranh phong phú và đa dạng của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

 

Có thể nói, cùng với những tác động từ thị trường, sự thay đổi nhanh chóng của xu hướng tiêu dùng, nhu cầu tiêu dùng cùng với bất trắc khó lường của đại dịch COVID-19 đã khiến cộng đồng khởi nghiệp càng gặp khó hơn.

 

Khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) từ ý kiến của hơn 250 start-up thực hiện cuối tháng 4/2020 cho thấy, có tới 50% start-up xác nhận lâm vào tình trạng hoạt động cầm chừng và phát sinh thu nhập không đáng kể. Trong khi đó, 23% start-up cho rằng đang mất đi cơ hội gọi vốn và mở rộng thị trường; 20% start-up chọn đóng băng các hoạt động, nghĩa là dừng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh; 4% start-up phải dừng mọi hoạt động quảng cáo trên tất cả các nền tảng, kể cả online và offline, nhằm tiết kiệm chi phí và chỉ 3% bị ảnh hưởng một cách hạn chế, không đáng kể.

 

Theo đánh giá của quỹ đầu tư mạo hiểm Ventures, do khó khăn chung nên các dự án khởi nghiệp giảm và số dự án kêu gọi được vốn đầu tư từ các quỹ mạo hiểm cũng sụt giảm theo.

 

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong những thị trường ưu tiên của các quỹ này trong thời gian tới bởi tiềm năng khởi nghiệp, nhất là đổi mới sáng tạo, rất lớn. Riêng tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Summit 2020) diễn ra ngày 25/11/2020, đã có 33 quỹ đầu tư cam kết rót 815 triệu USD vào lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong giai đoạn 5 năm 2021-2025.

 

Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia (Techfest 2020) diễn ra vào tháng 10/2020 cũng thu hút sự tham gia của hơn 150 nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước với mức đầu tư đạt hơn 14 triệu USD, chưa kể đến kết quả của các hoạt động kết nối đầu tư riêng tại các vườn ươm của khu vực tư nhân, các làng công nghệ trong khuôn khổ Techfest.

 

Bên cạnh đó, trong khó khăn, vẫn có nhiều dự án khởi nghiệp thành công, hợp xu thế, thể hiện sự sáng tạo, “cái khó ló cái khôn” của start-up Việt, góp phần vào công cuộc phòng chống dịch bệnh.

 

Theo Văn phòng "Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2020, có hàng trăm dự án/DN khởi nghiệp sáng tạo cung cấp giải pháp công nghệ chống COVID-19.

 

Trong đó, nhiều dự án trực tiếp giải quyết những nhu cầu bức thiết trong tình hình mới, ứng dụng những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo tăng cường như công cụ dạy học/phòng học trực tuyến, khám bệnh trực tuyến… Những giải pháp này không chỉ hỗ trợ xử lý trực tiếp tuyến đầu dịch bệnh, mà còn giúp giải quyết vấn đề cho nhóm cộng đồng đang cách ly và nhóm chịu ảnh hưởng gián tiếp.

 

Cũng trong năm 2020, Việt Nam đã có DN khởi nghiệp “kỳ lân” thứ 2 (, tức là start-up được định giá từ 1 tỷ USD trở lên). Tháng 11/2020, Báo cáo Kinh tế số thường niên E-Conomy SEA 2020, được thực hiện bởi Google và Temasek (Singapore), đã thừa nhận Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPay) chính thức trở thành kỳ lân công nghệ thứ 2 tại Việt Nam, sau Tập đoàn VNG.

 

Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam được đánh giá ở vị trí 59 trên thế giới (theo đánh giá của Start-up Blink năm 2020). Tính riêng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đang nằm trong tốp 20-25 hệ sinh thái hàng đầu.

Đánh giá triển vọng, bà Hoàng Thị Kim Dung, Trưởng Đại diện Quỹ đầu tư Nhật Bản Genesia Ventures tại Việt Nam, cho rằng, các nhà đầu tư đang tin tưởng rất lớn vào tiềm năng của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. Các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng đánh giá Việt Nam là thị trường ưu tiên hàng đầu tại Đông Nam Á trong năm 2021 và kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành thị trường đầu tư lớn trong khu vực, trên thế giới.

Bản đồ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam tập hợp hàng trăm tổ chức, cơ quan và DN đang tham gia xây dựng hệ sinh thái trong nước từ khu vực công, tư và hợp tác nước ngoài

Câu chuyện của start-up: “Xé rào”, vốn và công nghệ

Là DN khởi nghiệp “kỳ lân” thứ 2 của Việt Nam và cũng là một trong 12 "kỳ lân" của khu vực Đông Nam Á, VNPay được nhiều người biết đến với mạng lưới thanh toán bằng mã QR.

 

Theo chia sẻ của ông Lê Tánh, Tổng Giám đốc VNPay, Việt Nam có nhiều lợi thế như dân số trẻ, tỉ lệ sử dụng điện thoại thông minh và internet rất cao, các dịch vụ liên quan đến viễn thông, internet có chi phí rẻ. Đó chính là động lực để VNPay đào sâu vào thị trường này.

 

Tuy nhiên, không phải thành công nào cũng dễ dàng. Thách thức đầu tiên của VNPay là làm thế nào thay đổi thói quen khách hàng vì những ý tưởng ban đầu đưa ra không ai dùng cả. VNPay phải mất đến 6 năm thì các dịch vụ cốt lõi của fintech (công nghệ trong tài chính) mới đem lại doanh thu đủ sống cho doanh nghiệp.

 

Thách thức thứ hai là fintech là lĩnh vực mới trong một không gian mới, rất cần những quy định mới. Tuy nhiên, trung gian thanh toán là loại hình dịch vụ có giấy phép con và có quy định cái gì được làm, cái gì không.

 

“Nếu bó buộc như thế thì chúng tôi không thể lớn được. Vì vậy, chúng tôi buộc phải ‘xé rào’, phải tìm cách tạo ra những dịch vụ mới trước vì chúng tôi biết rằng để Ngân hàng Nhà nước vào cuộc và các bộ, ngành khác đồng ý thì phải có tiền lệ. Chúng tôi tạo ra các dịch vụ, sau đó hỏi lại các cơ quan, nếu được chấp nhận thì chúng tôi sẽ đi theo hướng đó”, ông Lê Tánh nói.

 

Tổng Giám đốc VNPay cho rằng, việc tháo các nút thắt của chính sách là rất cần thiết. Chẳng hạn nhiều dịch vụ mới có thể đem lợi ích cho khách hàng như việc người dân có thể thanh toán dịch vụ công hay đi xe buýt không phải mua vé giấy nhưng việc đó vẫn chưa có tiền lệ, chi phí hỗ trợ xe buýt hiện không có chi phí hỗ trợ thanh toán…

 

Theo ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, hiện nay vẫn còn thiếu chính sách rõ ràng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo như: Quỹ tài trợ vốn, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư mạo hiểm vào các DN khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích các chương trình đào tạo đổi mới sáng tạo trong trường học. Chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể đối với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, mặc dù đây là một thành phần đóng vai trò thiết yếu trong hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

 

Bản thân các DN khởi nghiệp sáng tạo tại Thành phố còn gặp hạn chế về vốn, cơ sở vật chất, kỹ năng quản trị, điều hành kinh doanh, xúc tiến, quảng bá phát triển, khả năng đáp ứng các thủ tục hành chính cần thiết. DN khởi nghiệp tại địa phương chủ yếu là DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, khởi nghiệp theo phương thức truyền thống, tự tạo, tự lập. Sự ứng dụng, chuyển giao công nghệ chưa mạnh mẽ nên sức cạnh tranh của sản phẩm còn chưa hiệu quả, sự tăng trưởng chưa nhanh.

 

 

Sẵn sàng chấp nhận “thử và sai”

 

Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp vào tháng 10/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã động viên, khuyến khích các bạn trẻ khởi nghiệp: “Các bạn đã sẵn sàng chấp nhận “thử và sai” chưa? Tất cả chúng ta hãy hun đúc tinh thần khởi nghiệp không sợ hãi. Có vấp ngã thì đứng dậy đi tiếp, không nản chí bởi có câu "có công mài sắt, có ngày nên kim”.

 

Theo Thủ tướng, hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là điều mạo hiểm thú vị với cả quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và khám phá khả năng của bản thân. Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến thế hệ trẻ. Các bạn không chỉ là tiềm năng của tương lai, là nguồn lực và tài nguyên hiện tại, mà sẽ là chủ nhân của đất nước.

“Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để có một môi trường khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo thuận lợi nhất. Nhưng khởi nghiệp có thành công được hay không phụ thuộc vào chính bản thân các bạn. Nhiệt huyết khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính là thể hiện lòng yêu nước, làm cho quốc phú, dân cường”, Thủ tướng nói.

Hơn nữa, DN mới thành lập chưa mạnh dạn, chưa tìm và thu hút được những nhà đầu tư hoặc quỹ đầu tư, chưa biết tranh thủ sự hỗ trợ từ các nguồn đầu tư cho doanh nghiệp. Sự trao đổi, liên kết hợp tác giữa start-up trong nước và nước ngoài, start-up của người Việt Nam ở nước ngoài còn chưa cao, đặc biệt là ở các địa phương có phong trào khởi nghiệp chưa phát triển mạnh.

 

Từ góc nhìn của một “kỳ lân” Đông Nam Á, bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam cho rằng, trong giai đoạn hiện tại, gọi vốn là một trong những thách thức lớn của start-up Việt Nam. Trên thực tế, thách thức này không nằm ở việc thiếu vốn hay vì các nhà đầu tư thiếu quan tâm tới thị trường Việt Nam bởi trong năm 2019, lần đầu tiên trong lịch sử, tổng giá trị đầu tư vào start-up công nghệ Việt vượt qua cả Singapore.

 

“Cái thiếu thật sự nằm ở khả năng và tầm nhìn của các nhà sáng lập. Họ có thể mạnh ở giai đoạn tìm ý tưởng, nhưng tới giai đoạn triển khai và hoàn hiện thì lại thiếu nhiều kỹ năng thực tế. Đây là điểm mà chúng ta phải đầu tư hơn nữa để bồi dưỡng cho các start-up Việt Nam”, bà Nguyễn Thái Hải Vân cho biết.

 

Tuy nhiên, ở khía cạnh tích cực, đại diện Grab cũng cho rằng thế mạnh của các start-up Việt Nam là sự sáng tạo và khả năng học nhanh. Theo bà Vân, công nghệ và những giải pháp thông minh như áp dụng trí tuệ nhân tạo sẽ là xu hướng mới, cần các start-up nắm bắt kịp thời khi COVID-19 đã thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Cơ hội vẫn sẽ mở ra cho những start-up biết thích nghi, có đủ kỹ năng để vươn lên trong tình huống khó khăn.

 

Nhận định nền kinh tế thế giới đang có sự chuyển dịch mới, đây chính là thời điểm quan trọng để Việt Nam trở thành trung tâm khởi nghiệp công nghệ của khu vực Đông Nam Á, để chúng ta có thể tăng cường đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đưa các start-up Việt đạt được thành công lâu dài, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho hay, Chính phủ đặt ra mục tiêu tạo ra 10 kỳ lân công nghệ vào năm 2030.

 

Bên cạnh những sáng kiến từ Chính phủ, cũng cần có sự hợp tác mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn của các công ty công nghệ để giúp các start-up có thêm cơ hội kinh doanh và cùng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.

 

Hoàng Giang


>> Bài 2: Kiến tạo chính sách để các start-up vươn xa

 

 

Nguồn: https://baochinhphu.vn/Doanh-nghiep/Doanh-nghiep-khoi-nghiep-sang-tao-Tim-co-hoi-trong-thach-thuc/425563.vgp
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật