Bước vào thế kỷ 21, nhu cầu và đời sống của con người ngày một nâng cao. Vì lý do an toàn, vì lý do sức khỏe, mọi người chuyển sang thích dùng các sản phẩm từ thiên nhiên. Để giải thích cho xu hướng này, người ta cho rằng các sản phẩm thiên nhiên đã trải qua quá trình sàng lọc tự nhiên bao đời nay, chắc không hoặc ít ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng. Nắm bắt được xu hướng đó, Viện Công nghiệp thực phẩm đã đẩy mạnh hướng nghiên cứu: Chiết tách và chế biến các hoạt chất thiên nhiên phục vụ cho công nghiệp thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm.
Từ năm 2002 đến nay, gần 50 đề tài, dự án các cấp đã được Viện đề xuất và thực hiện thành công để đưa ra hàng loạt các công nghệ sản xuất các sản phẩm thiên nhiên. Tiêu biểu như: Công nghệ chiết tách và tinh chế nhựa dầu gừng và dầu tỏi đặc sản Việt Nam, công nghệ sản xuất bột rau má, bột cần tây hòa tan, công nghệ sản xuất bột lá sen và tinh chất lá sen, các công nghệ sản xuất các sản phẩm tự nhiên từ cây tía tô, từ hạt vừng đen, từ cây chùm ngây, từ phế thải rau quả, công nghệ chiết tách và tinh chế curcumin từ củ nghệ, công nghệ khai thác và tinh chế dầu từ màng và hạt quả gấc, công nghệ chiết tách và phối chế liệu thảo mộc thuốc lá từ nguyên liệu thảo mộc tự nhiên trong nước…
Hầu hết, các đề tài, dự án trên đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của sản xuất và đời sống con người, do vậy, các kết quả của đề tài, dự án có điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng vào thực tiễn. Nhiều sản phẩm của các đề tài, dự án có chất lượng tương đương với sản phẩm nhập khẩu cùng loại với giá thành cạnh tranh. Nhựa dầu gừng đã được ứng dụng trong sản xuất bánh kẹo, trà hòa tan, thuốc chống cảm lạnh, chống ho… tại nhiều doanh nghiệp trong cả nước. Dầu tỏi với hàm lượng allicin cao đã được ứng dụng để sản xuất các sản phẩm thực phẩm bảo về sức khỏe (phòng chống bệnh cúm, các bệnh về đường hô hấp…), thức ăn gia súc tại Công ty Sao Thái Dương, Công ty Dược Tuệ Linh và một số cơ sở sản xuất dược phẩm khác.
Sản phẩm liệu thảo mộc thuốc lá từ như cam thảo, cỏ ngọt… được ứng dụng cho sản xuất thuốc lá điếu tại Công ty thuốc lá Thăng Long. Dầu màng gấc với hàm lượng licopene và β-carotene được ứng dụng cho sản xuất trong nước và xuất khẩu. Một hướng ứng dụng khác đã được Viện phát triển trong khoảng hai mươi trở lại đây là từ các hoạt chất tự nhiên – sản phẩm của các đề tài, dự án đã được ứng dụng ngay tại Xưởng thực nghiệm để tạo nên hơn 20 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chất lượng cao, mang thương hiệu của Viện như bột (hay tinh chất) rau má, bột (hay tinh chất) lá sen, tinh nghệ Trường Thọ, Trà tía tô, tinh cần tây, các sản phẩm tinh dầu gừng, tỏi, sả, hạt mùi… Các sản phẩm này ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và dần có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Một số sản phẩm tiêu biểu của Viện Công nghiệp thực phẩm
Trong thời gian tới, chiết tách và chế biến các hoạt chất thiên nhiên vẫn là lĩnh vực nghiên cứu được nhiều người quan tâm và là một trong ba hướng nghiên cứu chính của Viện Công nghiệp thực phẩm nhưng sẽ tập trung nghiên cứu hơn về các công nghệ chế biến, đặc biệt các công nghệ cao để đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng cao của sản xuất và đời sống. Thời gian gần đây, hai trong số những công nghệ cao được quan tâm nghiên cứu và phát triển, đó là phytosome và liposome, hai công nghệ này được xem là những công nghệ mang tính đột phá, tạo nên bước tiến công nghệ to lớn trong công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm. Theo hai công nghệ này, các hoạt chất thiên nhiên phản ứng với phospholipid tạo nên những phức chất bền có tính ổn định cao hơn nhiều so với tiền chất và có nhiều ưu điểm như: giúp hoạt chất được cải thiện khả năng hòa tan trong nước, bảo vệ hoạt chất khỏi sự phân hủy của dịch tiết tiêu hóa, các enzym và vi khuẩn đường ruột, cải thiện khả năng thấm qua màng tế bào và đi vào tế bào, nâng cao tính sinh khả dụng của hoạt chất.
Do vậy, Viện đã xây dựng một chương trình khoa học và công nghệ dài hạn từ 2022 đến 2030 và đã được Bộ Công Thương phê duyệt, đó là: “Làm chủ và phát triển công nghệ phytosome, liposome ứng dụng trong sản xuất các chế phẩm thiên nhiên cao cấp phục vụ công nghiệp thực phẩm và dược phẩm" với mục tiêu như sau:
- Mục tiêu chung: Làm chủ được các công nghệ phytosome và liposome để nâng cao tính sinh khả dụng của các hoạt chất tự nhiên chiết xuất từ nông sản và dược liệu Việt Nam, góp phần nâng cao trình độ công nghệ chế biến ngang tầm khu vực và thế giới, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản, được liệu Việt Nam.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Xây dựng được các quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất các chế phẩm tự nhiên có hoạt tính sinh học cao từ nông sản và dược liệu.
+ Xây dựng được các quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất các chế phẩm phytosome và liposome, nanophytosome và nanoliposome từ các chế phẩm tự nhiên có hoạt tính sinh học.
+ Sản xuất được các chế phẩm tự nhiên dưới dạng phức hợp phytosome và liposome có tính sinh khả dụng cao, đáp ứng tiêu chuẩn cho sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dược phẩm và mỹ phẩm.
+ Ứng dụng được các chế phẩm phytosome và liposome, nanophytosome và nanoliposome trong sản xuất các sản phẩm bổ dưỡng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
+ Đánh giá được tiềm năng ứng dụng phytosome và liposome chứa các hoạt chất tự nhiên trong hỗ trợ điều trị các bệnh ung thư, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid, viêm gan và hỗ trợ giảm cân.
+ Chuyển giao được công nghệ cho doanh nghiệp. Đây là một chương trình nghiên cứu lớn, được Viện xây dựng bài bản và do nhiều đơn vị trong Viện phối hợp thực hiện với mong muốn nâng cao công nghệ chiết tách và chế biến các hoạt chất thiên nhiên, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản, được liệu Việt Nam, góp phần phát triển ngành công nghiệp thực phẩm và dược phẩm của đất nước
PGS.TS. Bùi Quang Thuật
(Nguồn: Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Số 48 - Tháng 7/2022)