Xưởng sản xuất và chế biến gỗ của cựu chiến binh Nguyễn Xuân Đỉnh (thứ 2 từ trái sang), xã Hưng Thi (Lạc Thủy) giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Nổi bật là mô hình xưởng sản xuất và chế biến gỗ của CCB Nguyễn Xuân Đỉnh. Sau khi xuất ngũ trở về quê hương năm 1981, nhận thấy địa phương có nguồn cây keo dồi dào, ông Đỉnh đã phát triển mô hình sản xuất, chế biến gỗ, xây dựng nhà xưởng và thành lập công ty. Ông Đỉnh chia sẻ: "Khi mới ra quân, ban đầu tôi chỉ định tìm nghề phù hợp cho gia đình phát triển kinh tế, quá trình làm tích lũy kinh nghiệm, dần mở rộng quy mô. Tôi cũng mong muốn được sự quan tâm từ các cấp, các ngành, chính quyền địa phương để phát triển mô hình, nâng cao hiệu quả kinh tế và duy trì sản xuất cho công nhân”.
Không chỉ gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế, ông Đỉnh còn là hội viên nhiệt tình, tâm huyết trong các hoạt động tại cơ sở. Là thành viên câu lạc bộ Doanh nhân CCB, ông cùng các thành viên tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua như "CCB sản xuất, kinh doanh giỏi”, "CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” để giúp đỡ hội viên, nhất là những hộ có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ có mô hình của ông Đỉnh đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Anh Bùi Văn Thời ở xã Bảo Hiệu (Yên Thủy), hiện làm việc tại xưởng sản xuất của ông Đỉnh cho biết: "Nhờ có xưởng gỗ của bác Đỉnh đã tạo việc làm cho nhiều lao động, tiền lương mỗi tháng đạt khoảng 13 - 14 triệu đồng”. Đến nay, mô hình của ông Đỉnh đã mở rộng được 18 cơ sở trong toàn tỉnh, doanh thu năm 2023 khoảng 250 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách nhà nước gần 15 tỷ đồng.
Anh Bùi Văn Linh ở xóm Mạnh Tiến 2, xã Yên Bồng (Lạc Thủy) cũng là một trong những điển hình của xã trong phong trào CCB thi đua phát triển kinh tế. Giữ vững truyền thống bộ đội Cụ Hồ, sau khi trở về địa phương, thời gian đầu gia đình còn nhiều khó khăn, anh Linh trăn trở, suy nghĩ tìm ra hướng đi để phát triển kinh tế. Nhờ có sự hỗ trợ của Hội CCB xã liên kết với Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn và tổ chức các lớp hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp anh xây dựng mô hình chăn nuôi lợn và vịt quy mô hàng hóa. Mô hình này đem lại cho gia đình anh Linh nguồn thu hơn 100 triệu đồng/tháng.
Đồng chí Phạm Quang Quân, Chủ tịch Hội CCB huyện Lạc Thủy cho biết: Năm 2024, Hội CCB các cấp trong huyện tích cực vận động cán bộ, hội viên thực hiện phong trào CCB gương mẫu, CCB giúp nhau làm kinh tế giỏi. Các phong trào được triển khai có hiệu quả, lan tỏa đến các chi hội cơ sở trên toàn huyện. Đến nay, toàn Hội có 48 mô hình trang trại, 53 mô hình phát triển kinh tế, 128 hộ tiểu thương làm kinh tế, có 6 hợp tác xã do hội viên CCB làm chủ. Trong thời gian tới, Hội CCB huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành của huyện, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tạo điều kiện giúp đỡ hội viên còn khó khăn tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất; phối hợp Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho cán bộ, hội viên nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế.
Hoàng Dương